Bi hài: 'Bẻ cong' Nghị định vì... văn bản của Bộ Giáo dục!?

15/03/2013 13:29
Xuân Trung
GDVN) - Theo nội dung công văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc trả lời Báo Giáo dục Việt Nam thì việc không thực hiện đúng Nghị định 29 của Chính phủ là do vướng... Quyết định 25 của Bộ GD&ĐT!?
Lập lờ đánh tráo khái niệm của Nghị định

Như tin đã đăng, vì không thực hiện đúng Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ nên Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã làm sai lệch điểm số đáng được hưởng của các thí sinh thi viên chức (giáo viên), mà trường hợp chị Dương Thị Ánh là một ví dụ (mất 20,5 điểm). Sai rõ ràng như vậy nhưng Sở này vẫn khẳng định "làm đúng pháp luật" và "khách quan", "dân chủ", "công bằng"!

Còn một điều nguy hiểm khác trong công văn của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc mà nếu không làm rõ sẽ khiến người dân hiểu sai Nghị định của Chính phủ, đó là sự lập lờ đánh tráo khái niệm.

Trong công văn, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nêu ra 3 căn cứ "hùng hồn" khẳng định mình không làm sai, trong đó "Căn cứ thứ nhất" ghi: Điểm xét tuyển của thí sinh trong kỳ xét tuyển vừa qua đều được tính dựa trên điểm học tập, điểm tốt nghiệp (cả hai con điểm này đều nằm trong điểm trung bình chung toàn khóa của bảng điểm) và điểm kiểm tra sát hạch của thí sinh. Điều này đúng với Điều 11 - Nội dung xét tuyển viên chức thuộc Mục 3 - Xét tuyển viên chức của Nghị định 29: "Khoản 1, xét kết quả học tập bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển. Khoản 2, kiểm tra sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển". Trong công văn gửi Giaoduc.net.vn, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nhiều lần dùng khái niệm này: "Điểm trung bình chung toàn khóa đã bao gồm hai con điểm là Điểm học tập, Điểm tốt nghiệp" Nghe những từ "bao gồm", "nằm trong" có vẻ rất logic, hợp lý và cảm tưởng rằng Điểm trung bình chung toàn khóa x 2 (CT1) =Điểm học tập + Điểm tốt nghiệp (CT2). Và như thế, dù làm theo CT1 (cách mà Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tự áp dụng) hay CT2 (cách được quy định trong Nghị định 29) đều là đúng cả!  Nhưng thực tế, Điểm trung bình chung toàn khóa không hề, không bao giờ được tính bằng cách lấy Điểm học tập + Điểm tốt nghiệp (rồi tổng đó chia đôi). Cụ thể: - Với sinh viên đào tạo theo niên chế: Họ có vài chục đầu điểm môn học trong toàn khóa học, mỗi môn học ứng với số học trình nhất định để nhân hệ số (ví dụ: môn Triết học đạt 7 tính 5 học trình thì là 7x5; môn Logic học đạt 10 tính 2 học trình thì là 10x2 v.v.). Trung bình cộng của tất cả các môn học này chính là Điểm học tập (như khái niệm trong Nghị định 29 nêu). Để tốt nghiệp ra trường, có sinh viên sẽ thi tốt nghiệp, có sinh viên làm luận văn/đồ án tốt nghiệp, từ đó có thêm đầu điểm nữa là Điểm tốt nghiệp (như khái niệm trong Nghị định 29 nêu).  Còn để tính Điểm trung bình chung toàn khóa, các nhà trường coi đầu điểm Điểm tốt nghiệp có vai trò như một trong vài chục đầu điểm trong quá trình học tập, chỉ khác là số lượng học trình gắn cho nó nhiều hơn hẳn (có trường tính 10 học trình). Trung bình cộng của tất cả các đầu điểm gồm cả điểm môn học và điểm tốt nghiệp sẽ cho ra Điểm trung bình chung toàn khóa. - Với sinh viên đào tạo theo tín chỉ thì đơn giản hơn: Điểm trung bình chung toàn khóa bằng trung bình cộng tất cả các đầu điểm môn học (họ không phải trải qua kỳ thi/làm khóa luận, đồ án tốt nghiệp) - cũng tức là Điểm học tập (như khái niệm trong Nghị định 29 nêu). Chính vì thế, với sinh viên đào tạo theo niên chế, Điểm tốt nghiệp chỉ đóng vai trò nhỏ làm nên Điểm trung bình chung toàn khóa. Kể cả sinh viên có đạt điểm 10 tốt nghiệp thì Điểm trung bình chung toàn khóa sẽ tăng không nhiều (do còn đến vài chục môn khác ứng với hàng trăm đơn vị học trình "kéo lại"). Trong khi đó, theo Nghị định 29, Điểm tốt nghiệp là một đầu điểm độc lập, có vai trò tương đương với Điểm học tập (trung bình cộng của tất cả các môn học trong toàn khóa), do công thức là Điểm học tập + Điểm tốt nghiệp. Điểm 10 tốt nghiệp vì thế sẽ có vai trò rất lớn chứ không thể xem thường. Thế nhưng, như trường hợp chị Dương Thị Ánh, đạt 10 điểm luận văn tốt nghiệp nhưng không hề được đưa vào công thức xét tuyển giáo viên, khiến cho điểm xét tuyển của chị Ánh bị hụt tổng cộng 20,5 điểm. Đến lúc này, chúng ta hiểu cái gọi là "bao gồm", "nằm trong" thực chất là ngụy biện cho cách làm sai Nghị định, lập lờ đánh tráo khái niệm mà thôi!Tại "vướng" Quyết định 25 của Bộ GD&ĐT?!
Đến giờ này, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc vẫn cho rằng mình làm đúng Nghị định! Ảnh Xuân Trung
Đến giờ này, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc vẫn cho rằng mình làm đúng Nghị định! Ảnh Xuân Trung
Trong "Căn cứ thứ hai", Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc viết như sau: “Kết quả xét tuyển được nêu trong Khoản 5, Điều 12 về Cách tính điểm, chỉ rõ: Kết quả xét tuyển là tổng điểm của điểm của Điểm học tập, Điểm tốt nghiệp, điểm phỏng vấn hoặc thực hành. Trong đó điểm tốt nghiệp và điểm học tập được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1, còn điểm phỏng vấn hoặc thực hành được tính theo thang điểm 100, nhân hệ số 2. Trường hợp người dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì kết quả xét tuyển được tính: Điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 2 cộng với điểm phỏng vấn hoặc điểm thực hành được tính theo thang điểm 100, tính hệ số 2”.

Bi hài ở chỗ: Sở nêu ra căn cứ này cốt để khẳng định mình làm đúng Nghị định 29, nhưng chính nội dung này lại cho thấy rõ ràng Sở không thực hiện tí gì theo Nghị định 29 cả!

"Căn cứ thứ ba" Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc viết: Thực tế hiện nay các trường đại học, cao đẳng đều tính điểm trung bình chung học tập (toàn khóa - pv) theo Quyết định 25/2006 của Bộ GD&ĐT về Ban hành quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, với công thức:
 
Công thức tính điểm trung bình chung học tâp của Bộ GD&ĐT
Công thức tính điểm trung bình chung học tâp của Bộ GD&ĐT

Từ đó Sở lập luận: Vì Nghị định có hiệu lực từ 1/6/2012, trong khi Quyết định 25 ban hành năm 2006, nên "bảng điểm của các ứng viên đăng ký xét tuyển viên chức ngành giáo dục Vĩnh Phúc năm 2012 do các trường đại học, cao đẳng cấp chưa cập nhật việc tách Điểm học tập riêng, Điểm tốt nghiệp riêng theo Nghị định 29, mà tất cả vẫn sử dụng con điểm trung bình chung toàn khóa" (chỗ in đậm là chúng tôi nhấn mạnh - pv)

Sở còn viết: Do Khoản 1 Điều 18 của Quyết định 25 quy định "Xếp hạng tốt nghiệp được tính theo điểm trung bình chung học tập của toàn khóa học quy định tại khoản 3 Điều 13 của Quy chế này", nên Hội đồng xét tuyển giáo viên tỉnh Vĩnh Phúc không có quyền yêu cầu thí sinh làm lại bảng điểm, đồng thời thí sinh có quyền từ chối yêu cầu về việc làm lại bảng điểm khi bảng điểm của họ không có gì sai sót. Nói cách khác, việc tính riêng hay tính chung điểm tốt nghiệp và điểm học tập là thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thuộc thẩm quyền trách nhiệm của các trường đại học, cao đẳng" (chỗ in đậm là chúng tôi in đậm, nhấn mạnh - pv).

Lập luận trên đây của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc càng chứng tỏ sự khôi hài kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", và tư duy "đá bóng" trách nhiệm sang... Bộ GD&ĐT. Cụ thể: - Quyết định 25 của Bộ là quy định về đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy, đối tượng áp dụng là các trường và sinh viên. Còn việc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tuyển viên chức được quy định bởi Nghị định 29 của Chính phủ. Hai hoạt động, lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau. Vậy thì vì sao lại đặt vấn đề bảng điểm của các trường phải cập nhật theo Nghị định 29? Việc thực hiện theo Nghị định 29 đó trách nhiệm, nghĩa vụ mà Sở phải thực hiện, và thực hiện nghiêm túc, đến nơi đến chốn. Mà muốn vậy, rất đơn giản Sở đề nghị ứng viên về trường làm thủ tục tách Điểm học tập và Điểm tốt nghiệp là xong. Nhưng Sở này đã không làm như vậy! - Sở nói rằng "không có quyền yêu cầu thí sinh làm lại bảng điểm" là lấp liếm, vì việc đề nghị thí sinh  tách điểm như một thủ tục hành chính bổ sung, không làm sai lệch bảng điểm, không vi phạm Quyết định 25. Và "bằng chứng sống" cho việc này là: Cũng kỳ tuyển giáo viên này ở Vĩnh Phúc, các Phòng GD&ĐT (cấp dưới của Sở) đã yêu cầu ứng viên về trường tách điểm, nhờ đó bảng điểm của họ được tính đúng Nghị định 29. Tại sao Sở nói là không thể thực hiện? - Công thức nêu trên được Sở đưa ra là công thức được quy định tại Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng chính quy, Chương III - Kiểm tra và thi học phần, Điều 13: Cách tính điểm kiểm tra, điểm thi, điểm trung bình chung và xếp loại kết quả học tập. Sau chương này mới là Chương IV - Thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp. Như vậy, ngay cả Quyết định 25 mà Sở này viện dẫn cũng đặt cao vai trò của khâu Thi tốt nghiệp (từ đó có đầu Điểm tốt nghiệp). Công thức đó là cách thức tính, áp dụng để tính Điểm học tập, Điểm trung bình chung toàn khóa v.v. đều được cả, nhưng nó không liên quan gì đến việc chọn đầu điểm nào để xét tuyển viên chức cả. - Trong "Hướng dẫn Tuyển dụng giáo viên năm 2012", cả 8 cái "căn cứ" Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nêu ra không một căn cứ nào có tên Quyết định 25 của Bộ GD&ĐT cả! Vậy sao đến lúc này, khi gặp khiếu nại và công luận đã chỉ ra cái sai, Sở lại vin vào văn bản này để trả lời? (và trả lời không thuyết phục) - Cuối cùng, khi nói rằng việc làm của Sở là "thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT" có nghĩa Sở đã đổ trách nhiệm sang cơ quan cấp trên của mình - Bộ GD&ĐT, một cách mau lẹ, tài tình!
Phía cuối Công văn, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc viết rằng: "Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật (Luật Viên chức, Nghị định 29/2012/NĐ-CP...), đặc biệt là cân nhắc tình hình thực tiễn, trong thẩm quyền của mình, Hội đồng xét tuyển giáo viên Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã thống nhất chọn cách tính phù hợp..." (tức là lấy Điểm trung bình chung toàn khóa x 2)!

Không rõ trong câu "hùng biện" này, Sở coi trọng "quy định pháp luật" hơn hay cái sự "đặc biệt là" gây thiệt thòi cho thí sinh hơn?

Câu trả lời chắc bạn đọc đã rõ!
Xuân Trung