PGS-TS Bùi Quang Bình: “VNPT thụt lùi là do tư tưởng thỏa mãn"

19/07/2013 09:07
Hoàng Lực
(GDVN) - “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến VNPT “tụt dốc” trên thị trường viễn thông nhưng quan trọng nhất vẫn là tư tưởng thỏa mãn trước những thành công khi còn giữ vai trò độc quyền nên sức cạnh tranh yếu dần…” – PGS-TS Bùi Quang Bình thẳng thắn nhận định.
Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong thời gian qua, dễ thấy, mặc dù doanh thu vẫn tăng, doanh nghiệp vẫn có lãi nhưng những con số này đang giảm tịnh tiến.

Việc đánh giá sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp chỉ dựa vào doanh thu của doanh nghiệp đó ở một thời điểm là không hợp lý nhưng rõ ràng những bước thụt lùi của VNPT những năm gần đây đặt ra câu hỏi lớn đối với VNPT.
Lợi nhuận ròng năm 2012 của một số doanh nghiệp thuộc VNPT sụt giảm.
Lợi nhuận ròng năm 2012 của một số doanh nghiệp thuộc VNPT sụt giảm.
Phải chăng VNPT đang thiếu một chiến lược kinh doanh hiệu quả? Bộ máy nhân sự quá cồng kềnh đang là gánh nặng kìm hãm sự phát triển của VNPT? Hoặc dễ thấy hơn, hiệu quả kinh doanh mạng điện thoại cố định khổng lồ tụt giảm nghiêm trọng là bài toán nan giải của tập đoàn này?... Để tìm câu trả lời, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế PGS-TS Bùi Quang Bình - Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.
- Thưa PGS-TS Bùi Quang Bình, những con số từ báo cáo tổng kết của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm vừa qua có gợi cho ông những suy gì không?

PGS-TS Bùi Quang Bình: Những con số doanh thu 140.000 tỉ đồng của Viettel hay 130.000 tỉ đồng của VNPT năm 2012 trên báo chí nói có thể thấy Viettel và VNPT đều đang phát triển nếu chỉ so sánh với chính bản thân họ. Nhưng khi so sánh hai đơn vị này với nhau thì tôi cho rằng Viettel đang vươn lên mạnh mẽ trong khi đó, VNPT lại có bước thụi lùi đáng buồn. Có thể khẳng định doanh thu của VNPT sẽ tiếp tục thua xa với Viettel trong những năm tới trừ phi VNPT có sự thay đổi, cải tổ từ chính bản thân tập đoàn này, nhưng điều đó không dễ thực hiện trong ngắn hạn.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.
- Ông nói nếu không thay đổi, cải tổ chính mình, VNPT sẽ tiếp tục còn tụt dốc trên thị trường viễn thông. Vậy theo ông, VNPT đang tồn tại những điều gì khiến họ không thể bứt phá?
PGS-TS Bùi Quang Bình: Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất có lẽ vẫn là tư tưởng chưa muốn thay đổi, thỏa mãn với những gì đã có; Thứ hai trong cơ cấu phát triển nhân sự của VNPT thì những người năng động trẻ có tư tưởng mới thì lại chưa được tham gia nhiều vào bộ máy lãnh đạo, chưa thu hút được nhiều người tài. Như trong bộ máy của MobiFone thời còn liên doanh với Thụy Điển có rất nhiều người giỏi được đào tạo tốt nhưng họ lại chưa được tham gia vào bộ máy lãnh đạo của tập đoàn.
Hơn nữa bản thân lãnh đạo của VNPT chưa thay đổi chiến lược kinh doanh thích hợp; sự trì trệ và cồng kềnh của bộ máy… Khi đó VNPT chỉ tập trung vào thị trường các đô thị bỏ qua thị trường nông thôn với hơn 70% dân số ở đó và 30% còn lại cũng từ đó ra đi có mối quan hệ rất mật thiết. Khi Viettel coi thị trường nông thôn là thị trường mục tiêu, họ đã thành công và đó là bàn đạp để họ vươn ra nước ngoài.
Tôi cho rằng việc sáp nhập hai đơn vị VinaPhone và MobiFone thành một theo kiểu cơ học là sai lầm, trái với luật cạnh tranh của doanh nghiệp.

Như chúng ta đã biết, trước kia MobiFone là công ty liên doanh với Thụy Điển đến khi mạng di động ra đời phát triển làm ăn có lãi. Nhận thấy sự phát triển của mạng điện thoại di động nhà nước đã cho phép thành lập thêm VinaPhone do Tổng cục Bưu điện quản lý và kinh doanh có lãi.
Sau khi đối tác Thụy Điển rút vốn khỏi MobiFone, ban đầu MobiFone hoạt động cũng rất tốt, làm ăn vẫn có lãi và hiệu quả. Do vậy từ trên mới quyết định thành lập một tổng công ty sau đó là tập đoàn kinh tế lớn theo mô hình Hàn Quốc.

Khi đó hợp nhất VinaPhone và MobiFone lại, nghĩ rằng như thế sẽ phát triển nhưng xuất hiện một bất cập VinaPhone và MobiFone cạnh tranh với nhau trên thị trường nhưng lại chịu sự quản lý chung của VNPT. 
Nếu đem so sánh giữa MobiFone và VinaPhone thì MobiFone hơn hẳn cả về trình độ. Nếu có một cơ chế mở, không cho MobiFone và VinaPhone là một thì MobiPhone phát triển rất mạnh. Nếu MobiFone không nhập vào VNPT, không bị trói vào VNPT thì có thể phát triển mạnh hơn rất nhiều.
- Nói về việc doanh thu và lợi nhuận giảm trong thời gian qua, ông Phạm Long Trận - Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho rằng nguyên nhân kinh tế khó khăn và ảnh hưởng từ việc giảm thuê bao, giảm doanh thu từ mạng điện thoại cố định. Trên góc độ chuyên gia kinh tế ông nhận định như thế nào về lý giải này của ông Trận?
PGS-TS Bùi Quang Bình: Điều này rất đúng vì hiện nay doanh thu từ điện thoại cố định còn rất ít vì hiện nay xu hướng xã hội chuyển sang dùng điện thoại không dây. Đây là sai lầm về chiến lược kinh doanh, không có tầm nhìn không nhìn thấy được xu hướng phát triển của thế giới. Dẫn đến khi nhu cầu sử dụng của con người thay đổi thì không bắt kịp được.

Nói như vậy nhưng có không có nghĩa là điện thoại dây chết hẳn vì trong các cơ quan xí nghiệp người ta vẫn dùng, cái mình đã đầu tư thì cần phải khai thác bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ tốt hơn.
- Theo ông thì VNPT có những điểm mạnh nào cần phát huy, điểm yếu gì cần khắc phục?

PGS-TS Bùi Quang Bình: Dù gì thì VNPT cũng vẫn còn nhiều điểm mạnh như một thị trường không nhỏ đã có cùng vị thế thứ 2 trên thị trường viễn thông của Việt Nam; VNPT có một cơ sở hạ tầng viễn thông với trình độ công nghệ khá hiện đại so với thế giới; Nguồn nhân lực đã được có chất lượng được đào tạo cơ bản có kinh nghiệm, nhân lực trẻ muốn được cống hiến; VNPT cũng tiếp thu năng lực quản trị doanh nghiệp rất nhiều; Trong chính sách cũng rất ưu đãi.

Cái thiếu nhất là thiếu tư duy chiến lược dẫn đến cạnh tranh rất yếu do vậy để giải bài toán hạn chế của VNPT đó là vấn đề tư duy lãnh đạo có thay đổi hay không? Có năng động, có tư tưởng cạnh tranh quyết liệt và chiến lược dài hạn hơn hay không?…Đây là căn bệnh chung của doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. Vì thế, trước hết VNPT phải tự cởi trói mình trước khi chờ chính phủ hỗ trợ.

- Như vậy theo ông, VNPT cần làm gì để vượt qua khó khăn lúc này?

PGS-TS Bùi Quang Bình: Quan trọng nhất là lãnh đạo VNPT phải thay đổi nhận thức và tư duy về chiến lược. Nếu còn tư tưởng làm để làm gì, thay đổi để làm gì khi không thể phát triển được, muốn nói đến ở đây đó là tư duy nhiệm kỳ vẫn còn tồn tại lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước như VNPT. Hơn nữa hiện nay VNPT vẫn có lãi, vẫn nộp ngân sách vì vậy tư tưởng của người đứng đầu vẫn ung dung.

Theo tôi, để phát huy tối đa sức mạnh của VinaPhone và MobiPone, VNPT nên tách ra để phát triển. Tuy nhiên việc này rất khó vì VNPT phải quản lý cả hai Tổng công ty VinaPhone và MobiFone. Hai đơn vị này một bên đại diện cho cách quản lý cũ, bộ máy nặng nề là VinaPhone còn MobiPhone đại diện doanh nghiệp mới tiên tiến. Nếu VNPT bỏ một mô hình và cả cách triển để thì sẽ vấp phải những khó khăn đòi hỏi sự thay đổi từ tập đoàn.

Hơn nữa theo tôi, hiện nay không cần bộ máy tập đoàn lớn như vậy, trong khi việc hoạch định phát triển đã có đội ngũ lãnh đạo từng tổng công ty, công ty trong tập đoàn làm. Việc sinh ra một chức năng gián tiếp làm hạn chế sự phát triển của VinaPhone và MobiPone, vì vậy cần giảm bớt bộ máy tập đoàn gọn nhẹ giảm.

- Từ thực tế hiện tại của VNPT theo ông nếu VNPT không nhanh chóng thay đổi thì sẽ xảy ra viễn cảnh thế nào?

PGS-TS Bùi Quang Bình: Rõ ràng nếu không thay đổi, tôi nghĩ trong khoảng thời gian không xa khi thị trường viễn thông có thêm những người mới như Viettel thì sự tụt dốc của VNPT không chỉ dừng lại ở việc doanh thu giảm mà còn kéo theo nhiều vấn đề như phá sản hay sát nhập.  

- Vâng xin cảm ơn ông!

PGS-TS Bùi Quang Bình sinh năm 1959, năm 1981 khi xuất ngũ ông học tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Năm 1993 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kế hoạch hóa Kinh tế Quốc doanh Tại Trường Kinh tế quốc dân Odessa (Liên bang Nga). Năm 2009, ông được phong tặng chức danh PGS. Hiện ông đang làm chủ nhiệm khoa kinh tế trường Đại học kinh tế Đà Nẵng. Ông cũng là tác giả cuốn sách Giáo trình chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi

Hoàng Lực