'Thưa Kẻ lười biếng, cậu đúng là quả bom tấn'!

04/05/2013 14:00
Ngô Khởi
(GDVN) - Bạn đọc Ngô Khởi đã gửi đến Giaoduc.net.vn một bài viết công phu xung quanh sự kiện clip "kẻ lười biếng" luận về giáo dục. Bài viết có tựa đề: Từ "Sự trăn trở của Kẻ lười biếng" đến vấn đề cải cách giáo dục VN. Sau đây là phần 1 của bài viết.
Phần 1: "Thưa Kẻ lười biếng, Cậu đúng là quả bom tấn" (*) 

Nhà giáo Phạm Toàn gọi tác giả “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”“Kẻ nổi loạn”. Với tôi Cậu là quả BOM TẤN vừa phát nổ. Thực tế cho thấy, tiếng vang của trái bom thật lớn, lớn hơn tất cả những gì mà tập thể hay cá nhân các vị GS, TS, các nhà GD, nhà Quản lý… từng làm được khi luận về GD.

Tuy nhiên, sức công phá của nó tới đâu còn tùy thuộc vào ĐỘ Ỳ của bộ máy quản lý GD hiện thời.

Nhưng BOM TẤN ơi, dù sao hàng triệu con tim VN ở mọi trình độ, tầng lớp, lứa tuổi cũng đã trở thành fan hâm mộ của Cậu rồi. Cậu thật xứng đáng với sự yêu mến, thán phục của mọi người. Mong sao sự kiện của Cậu đủ sức châm ngòi một trào lưu mới, giúp cho hầu hết từ lớn tới bé, từ già chí trẻ, những con người đang bị GD làm cho điêu đứng sốc lại tinh thần, cất lên chính kiến, loại bỏ u nhọt… góp phần đưa GD nước nhà sớm trở lại vai trò và con đường ngay ngắn vốn có: Trang bị kiến thức và năng lực LÀM NGƯỜI cho mọi thành viên của một xã hội tiến bộ.

Chúng ta vẫn cứ nói mãi, tranh luận mãi về bệnh tật của GD: Nào là quá tải, nào là dạy thêm, học thêm, nào là gian lận thi cử, mua bán bằng cấp… Song đó cũng chỉ là những triệu chứng lâm sàng của một căn bệnh ác tính.


Hãy thử tìm hiểu căn nguyên của một trong những vấn đề nổi cộm nhất, từ lâu đã khiến dư luận vô cùng bức súc. Đó là: Cải cách giáo dục phổ thông.

Trong vòng chưa đầy một thập niên đã có đến mấy cuộc cải cách, mấy lần làm sách (xong lại vứt vào sọt rác), đem mấy thế hệ tương lai ra làm thí nghiệm, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng… Cuối cùng: vẫn chỉ một con số không tròn trịa!

Một lý do rất cơ bản: "Bệnh viện và đội ngũ thầy thuốc"!

Dư luận đồn rằng, đã có không ít sự thiếu minh bạch trong các cuộc cải cách GD. Ở vào thời buổi này, rất nhiều bệnh viện cố tình lờ đi trách nhiệm quản lý, dung túng, tiếp tay, thậm chí câu kết với tiêu cực. Những y, bác sỹ ít lương tâm thường bắt bệnh hời hợt, mải miết kê đơn, chỉ cốt thu đầy túi tham, bất chấp cả tính mạng của con bệnh.

Và cũng như thế: Những người làm cải cách luôn chỉ lo tiêu sao cho được nhiều tiền, sao cho được thật nhiều tiền!

Có người bảo, nói thế là hồ đồ, là vơ đũa cả nắm, là oan ức quá cho nhiều người. Xin thưa, không có đâu ạ! Dù là ai, miễn là công dân VN - những người hàng ngày đang nộp thuế cho Nhà nước, những người đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu để kiếm ra đồng tiền nuôi con ăn học, kể cả tự nộp tiền cho mình đi học… đến thời khắc này hoàn toàn có quyền suy diễn và khẳng định như vậy, sau khi đã tận mắt chứng kiến những màn diễn ngu ngơ (kiểu như thay đổi mẫu ký tự trong bảng chữ cái) và kết cục bi thảm của cái công cuộc thê lê, kỳ quặc này.

Chao ôi! mọi thứ cứ rối tinh rối mù cả lên, chẳng khác nào ngài Giao thông với những SÁNG KIẾN số chẵn – số lẻ, ngày chẵn – ngày lẻ; cấm tuyệt đối taxi Hà Nội đỗ dưới lòng đường, khiến cho khách hàng phải vừa chạy vừa lên - xuống xe. Có lẽ không ngoài hai mục đích, một là: gia tăng tai nạn giao thông, hai là: nâng cao "thu nhập" cho đội ngũ cảnh sát, thanh tra giao thông… Thật là hài hước và vô lý hết chỗ nói!

Tuy là người ngoại đạo, chẳng quá sa đà vào những việc không phải của mình, song cũng xin có một kế hèn được hiến cho các vị - những con người đang được cả dân tộc giao cho trọng trách, những con người đang ngày đêm “lao tâm khổ tứ” với GD nước nhà.

Theo tôi, làm GD Đại học mới khó. Khó vì GD Đại học trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, liên quan mật thiết với nền kinh tế, với thị trường lao động vốn đã vô cùng phức tạp và đầy biến động.

Ngược lại, Giáo dục phổ thông chỉ có nhiệm vụ trang bị những kiến thức cơ bản, tối thiểu, mang tính định hướng, giúp học sinh có đủ khả năng để có thể bắt đầu tham gia thị trường lao động hoặc tiếp tục cùng với những chuyên ngành khác nhau của hệ thống đào tạo Đại học.

Câu hỏi đặt ra: Vậy đâu là cơ bản? Cơ bản đến đâu là đủ? Cậu bé của chúng ta cho rằng: Lớp 9!

Thực ra đó cũng chỉ là suy nghĩ mang nhiều cảm tính. khó ai có thể trả lời cho thấu đáo.

Tuy nhiên, vẫn Đang có một lối thoát!

Đã gọi là phổ thông, cơ bản (mà thực chất là phổ thông, cơ bản) thì đâu chẳng giống đâu, đặc biệt là những môn học về KHTN. Vậy tại sao ta không photo coppy lấy một bộ sách của một nước tiên tiến nào đó, mang về mà dạy cho con, cho cháu chúng ta nhỉ? Mỹ, Anh, Pháp, Canada… hay Hàn Quốc chẳng hạn.

Chẳng lẽ chỉ vì ta vốn là một dân tộc anh hùng, từng đánh thắng oanh liệt biết bao triều đại phong kiến phương Bắc, đánh thắng oanh liệt vài ba tên đế quốc đầu sỏ… Rồi giống nòi ta vốn là con Lạc cháu Hồng (Tổ tiên của các dân tộc khác là loài vượn), vốn thông minh hơn, sạch sẽ, cao quý hơn… nên kiểu dạy, kiểu học của ta phải khác người, sách của ta phải hay ho, mĩ miều hơn, tiên tiến, hiện đại hơn?!

Thôi! xin đừng tự hào hơi, sỹ diện hão mãi nữa! Đã cần phải tự biết mình là ai từ lâu rồi!

Thiết nghĩ, khiêm tốn học hỏi các nước tiên tiến mới chính là cách thức tối ưu, tiết kiệm nhất, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Thậm chí ngay cả những môn KHXH vẫn hoàn toàn có thể tham khảo ở họ không ít, xem họ biên tập thế nào, dạy gì, dạy đến đâu, dạy và học như thế nào.

* Còn tiếp...

---

(*) Tiêu đề từng phần do Tòa soạn đặt. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Ngô Khởi