DN giải khát Việt không thể thắng Coca Cola vì quá bảo thủ

17/05/2013 07:20
Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Viện Quản lý VN
(GDVN) - "Thay vì trông chờ vào những thay đổi chính sách từ nhà nước và các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự cứu mình trước khi trời cứu" - ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Viện Quản lý Việt Nam nhấn mạnh.
Ngay sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng bài viết "DN Việt khẩn thiết chỉ đích danh nguyên nhân không thể thắng Coca Cola" phản ánh ý kiến của ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch hội đồng quản trị Sabeco, trong đó ông Tuất nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp (DN) VN đang bị quy định của Bộ Tài chính trói khi không được chi vượt quá 10% chi phí thực tế phát sinh trong kỳ cho hoạt động quảng cáo. Ông Tuất cho rằng: Đây là "Một quyết định đau đớn đang dìm chết DN Việt”, Ban biên tập báo Giaoduc.net.vn nhận được bài viết phản hồi của ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Viện Quản lý Việt Nam phản bác lại ý kiến trên.

Báo Giáo dục Việt  Nam xin trích đăng nguyên văn quan điểm của ông Vũ Tuấn Anh dưới đây:

Điểm yếu cố hữu của nhiều DN Việt chính là tâm lý bảo thủ

"Thật sự khống chế chi phí quảng cáo không áp dụng riêng cho Sabeco mà còn áp dụng cho nhiều công ty trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG) như sữa, nước giải khát, mỳ gói. Chúng ta có thể thấy rất nhiều ví dụ các công ty nội như Vinamilk,Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát, ICP... cạnh tranh ngang ngửa với rất nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới.

Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện quản lý VN.
Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện quản lý VN.
Tất cả những nhãn hiệu trên đều thuần Việt 100% trừ ICP đã chuyển nhượng cho nước ngoài tuy nhiên trong giai đoạn đầu, họ là 100% Việt Nam. Các tên tuổi thành danh nói trên nếu đứng trên xuất phát điểm sẽ không tốt và thuận lợi như Sabeco nhưng họ chưa bao giờ than phiền về vấn đề trên. Điều quan trọng nhất họ đã thành công. Như vậy hạn chế về chi phí marketing chỉ là một yếu tố quan trọng không phải là yếu tố quyết định thành công tại đây. 

Vấn đề thứ hai đó là trong cạnh tranh chúng ta cần xác định sở trường, sở đoản và đối thủ cạnh tranh. Cứ cho giả sử trần khống chế chi phí quảng cáo được mở ra vô hạn cho các Công ty Việt Nam, liệu  cuộc chiến chi phí quảng cáo giữa Sabeco và các đơn vị cạnh tranh nước ngoài ai sẽ là người thắng về đường dài. Chắc chắn các thương hiệu nước ngoài với qui mô thị trường toàn cầu, dễ dàng chịu lỗ 10-20 năm và lâu hơn nữa tại thị trường Việt Nam.

Cuộc chiến về hầu bao quảng cáo, khuyến mãi và marketing là cuộc chiến phần thua chắc chắn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta chấp nhận cuộc chơi theo luật của các tay chơi nước ngoài trường vốn và có vô vàn kinh nghiệm đối phó với các công ty bản địa tại các thị trường họ đã thâm nhập.

Thương trường là chiến trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ giống như dân tộc Việt Nam đã chiến thắng hai cuộc chiến Pháp và Mỹ thông qua các phương pháp tiếp cận sáng tạo và linh hoạt. Các doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ sáng tạo hơn để tránh đối đầu với các đơn vị cạnh tranh trên những điểm mạnh mà doanh nghiệp không có nguồn lực. 

Một điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp Việt Nam chính là tâm lý bảo thủ. Trong đào tạo tư vấn, tôi có đưa ra khái niệm “Logo: Stay in Local however forced to compete in global - trú ẩn tại sân nhà tuy nhiên vẫn bị bắt đá trên sân quốc tế”. Các doanh nghiệp Việt Nam thường hài lòng khi trú ẩn tại sân nhà và hy vọng sẽ bình yên mãi mãi. 

Tuy nhiên khi thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, các tay chơi thế giới sẽ từ từ có mặt tại Việt Nam. Thị trường bia Việt Nam đã ở trong tầm ngắm của AB Inbev từ ít nhất năm năm trước. Chắc chắn, các ngành khác cũng đã có những ông lớn quan sát và chuẩn bị nhẩy vào khi thích hợp. 
Cứu mình trước khi trời cứu

Yếu tố thành công bền vững nhất của doanh nghiệp Việt Nam đó chính là hãy chuẩn bị cạnh tranh với những ông lớn trước rất lâu khi họ gia nhập thị trường Việt Nam. Sự thất bại và thành công của các doanh nghiệp Việt nam trong lĩnh vực FMCG trước các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam không có gì là mới lạ, chủ yếu tập trung vào những điểm quan trọng như:  Vận hành tốt hơn - Hướng tới qui mô - Xây dựng hệ thống phân phối và đại lý hiệu quả - Xây dựng thương hiệu - Lắng nghe khách hàng - Nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong đó, xây dựng thương hiệu chính là phần ý kiến của Sabeco. Tuy nhiên để xây dựng marketing và thương hiệu có rất nhiều biện pháp và công cụ. Trong marketing, một chiến lược tốt sẽ tốn rất nhiều tiền nhưng một chiến lược tốn rất nhiều tiền chưa chắc đảm bảo là tốt. Bài học từ các công ty việt nam thành công với ngân quỹ marketing hạn chế so với các công ty nước ngoài đã chứng tỏ thành công tại thị trường Việt Nam. Các đơn vị khác có thể học tập và phát huy. Trong trận chiến marketing, các doanh nghiệp Việt có một ưu thế hơn hẳn với các doanh nghiệp nước ngoài đó là sản phẩm Việt cho người Việt. 
Tuy nhiên lợi thế này cần phải được sử dụng tinh tế và chuyên nghiệp hơn trong các chiến lược truyền thông. Một khía cạnh khác trong chiến lược marketing đó chính là hướng cộng đồng. Đây là một định vị thương hiệu rất quan trọng cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Ý thứ ba trong chiến lược markeing đó chính là tận dụng vai trò mạng xã hội nhằm khuyếch trương thương hiệu.

Mục kế tiếp trong chiến lược marketing đó chính là các công ty nên tập trung vào các khách hàng trẻ - thanh niên sinh viên vì hơn tuổi trung bình của người dân Việt nam vào khoảng 27-30 tuổi. Khía cạnh cuối cùng đó chính là những sản phẩm xanh, sạch và thân thiện với môi trường.Đây là những đề nghị định hướng chung cho các thương hiệu Việt Nam trong 10-20 năm tới nhằm triển khai chiến lược marketing. Vinamilk là điển hình thành công trong việc phát hiện và triển khai các chiến lược marketing. Chúng ta có thể thấy hầu hết các chương trình marketing của Vinamilk đều dựa trên một hoặc tổng hợp các xu hướng trên.
Cứu mình trước khi trời cứu. Thay vì trông chờ vào những thay đổi chính sách từ nhà nước và các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam cần rà soát và thực hiện triệt để các mục trên. Quan trọng nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam không phải là các đơn vị hay đối thủ cạnh tranh mà chính là bản thân doanh nghiệp. Câu hỏi có vượt qua được những đối thủ cạnh tranh nên thay đổi lại bằng câu hỏi Liệu chúng ta có vượt qua chính mình để thành công như những bài học thành công như Vinamilk, Trung Nguyên,...

* Tít phụ do tòa soạn Giaoduc.net.vn đặt
Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Viện Quản lý VN