Nếu Falcao đến Monaco: Phí phạm đời cầu thủ?

26/05/2013 16:50
Thanh Tùng
(GDVN) - Sẽ còn nhiều chuyện để nói về chủ đề Cầu thủ - Tiền bạc, nhưng liệu Falcao có đang đi lùi khi sắp chọn Monaco?
Xét về con số, Radamel Falcao hẳn phải là tiền đạo xuất sắc thứ 3 trên thế giới (sau 2 người mà tất-cả-chúng-ta-đều-biết-là-ai). Tuy nhiên khả năng là anh sẽ gia nhập AS Monaco, đội bóng vừa vô địch Ligue 2 để thăng hạng Ligue 1 mùa sau.
Điều gì khiến Monaco có sức hấp dẫn như vậy? Tiền? OK. Danh hiệu? Chưa có, nhưng danh hiệu chỉ đến nếu đội bóng có tài năng, và Monaco đang săn lùng những tài năng như Falcao. Được nổi tiếng? Falcao đã nổi tiếng.
Nếu Falcao thực sự chọn Monaco làm điểm đến tiếp theo, phải chăng đó là một bước lùi, là một sự phí phạm cho sự nghiệp đang thăng hoa của tiền đạo người Nam Mỹ này?
Trước tiên, chúng ta phải hiểu về quy luật chuyển nhượng. Có trả giá cao và được CLB chủ quản đồng thuận, một đội bóng mới có thể sở hữu được tài năng như Falcao. Trong trường hợp này, có lẽ chỉ có duy nhất AS Monaco dám trả 60 triệu euro để đưa Falcao sang Pháp, trong khi không một CLB nào trả con số đó. Giả như Falcao muốn đến Chelsea nhưng Chelsea ra giá thấp và không được Atletico Madrid chấp nhận thì liệu Falcao có còn cách nào khác ngoài chờ tới lúc hết hợp đồng, tức 2 năm nữa, để sang Chelsea?
Đó là chưa nói tới việc Real Madrid và Atletico có một thỏa thuận ngầm rằng hai đội không được ký kết trực tiếp với tài năng của nhau.

Thứ hai, xin được kể một câu chuyện có thật trong lịch sử, để minh chứng rằng đôi khi ta phải bỏ tiền thì mới có hy vọng làm nên nghiệp lớn.
Vào thời Vua Lê - Chúa Trịnh, khi chúa Trịnh Doanh lên ngôi đã diễn ra một loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân. Triều đình lo việc đánh dẹp mãi không xong, cho tới khi viên hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc dâng tấu trình 12 điều về binh pháp. Chúa Trịnh biết Ngũ Phúc là người có tài nên cho ông thống lĩnh kỳ binh đạo Hải Dương, cùng thống tướng Hoàng Công Kỳ đánh Nguyễn Hữu Cầu.
Hoàng Ngũ Phúc mới được nghe mệnh lệnh, rất lấy làm lo, vì từ trước chưa từng đi chiến trận bao giờ. Có người khách khuyên ông: "Nên vay một vạn quan tiền công, để mộ lấy những tay tráng sĩ". Ông lo lắng vì vay tiền công sau này không có tiền trả, tất sẽ bị quan trên bắt tội. Đến đây, người khách đã có một lời khuyên kinh điển:
"Tục ngữ có câu ‘Tướng vô tài, sĩ bất lai’, nghĩa là người làm tướng mà không có của, thì không bao giờ dũng sĩ tìm đến. Nếu ông thật lòng theo kế của tôi, thì những tráng sĩ đều hết sức với ông, quyết chiến thắng được địch, từ đấy sẽ được vừa sang vừa giàu, có lo gì cái món tiền vạn quan? Nếu nhỡ ra vấp váp đến chỗ không thể nói được, thì còn ai trách cứ món nợ ấy vào đâu được nữa?" (trích dẫn từ Khâm định Việt sử thông giám cương mục - Quốc Sử Quán triều Nguyễn). 
Hoàng Ngũ Phúc cho là phải, bèn theo lời. Từ đấy về sau, ông nhờ vào sức sĩ tốt, lập được chiến công cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Ông được đánh giá là một viên tướng tài ba của nền phong kiến Việt Nam, cho dù tài năng mới chỉ được biết đến qua việc đánh dẹp các cuộc nội chiến nên ít được nhớ tới như Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo.

Trở lại câu chuyện về bóng đá, ta có thể thấy rõ rằng Monaco có tiền, như vậy họ đã có nền tảng cơ bản để xây dựng một CLB chuyên nghiệp. Họ muốn có thành công sớm hơn, nên họ chấp nhận chi tiêu hào phóng để thu hút nhân tài (cộng thêm sự giúp sức của luật thuế thu nhập ở Pháp). Ai cũng muốn thành công thật nhanh, vậy thì trong bóng đá, có cách nào thành công nhanh hơn ngoài chịu chi?
Cũng cần nói rằng, khởi đầu của mọi lâu đài đều là những bãi đất trống. Muốn xây lâu đài thì cần phải có những viên đá tốt nhất để đắp thành. Đâu phải dễ gì để tìm được những viên đá như thế? Cũng như bóng đá vậy, Monaco đã làm lại từ đống đổ nát, nhưng giờ để trở lại là lâu đài của cách đây gần 10 năm, họ phải tìm đến những cầu thủ tốt nhất, bền nhất như những viên đá xây thành. Thiết tưởng việc đưa về Radamel Falcao chẳng có gì lạ.
Điều quan trọng là, Radamel Falcao đã nỗ lực lao động suốt cả cuộc đời cầu thủ của mình để có được danh tiếng như ngày hôm nay, và anh xứng đáng được một đội bóng mới lên hạng ở Ligue 1 sẵn sàng rào trước đón sau để anh trở thành ngôi sao số 1 trong đội bóng của họ với mức lương cao và được huấn luyện bởi một nhà cầm quân như Claudio Ranieri.

Có ai từng thắc mắc xem vì sao Lothar Matthaus và Andreas Brehme – 2 ngôi sao bóng đá lớn của nước Đức thập niên 1980 – lại cùng nhau rời quê hương để tới Inter Milan vào năm 1988? Vì Serie A khi đó chính là giải đấu giàu nhất châu Âu. Và khi đó, Ligue 1 là giải đấu giàu thứ 2 của lục địa.
Hãy vận bối cảnh đó vào thời điểm hiện tại, để thấy rằng sức mạnh của tiền bạc là một yếu tố thực tiễn trong bóng đá. Falcao nếu quyết định tới Monaco thì tất nhiên phải vì tiền trước tiên, giống như bao cầu thủ chuyên nghiệp khác. Monaco cũng như Hoàng Ngũ Phúc, nếu không bỏ tiền thì lấy đâu ra lính mà đòi ra chiến trường?
Thanh Tùng