Phó Chủ tịch Vĩnh Phúc: Yêu cầu Sở GD&ĐT làm đúng Nghị định

24/05/2013 08:40
Xuân Trung
(GDVN) - Liên quan tới quá trình tuyển dụng viên chức (giáo viên) trong thời gian qua tại tỉnh Vĩnh Phúc, bà Dương Thị Tuyến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã có kết luận và yêu cầu Sở GD&ĐT phải thực hiện đúng nội dung quy định trong Nghị định 29 về tuyển dụng và quản lí viên chức.
Sau ngày 5/7/2013 sẽ công bố kết quả tuyển dụng
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Tuệ - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã chốt phương án cuối cùng trong đợt xét tuyển giáo viên năm 2012. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT phải làm theo đúng nội dung quy định tại Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng viên chức. 

Trước đó, ngày 10/5/2013 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Thông báo số 47 về kết luận của UBND tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo công tác kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên năm 2012 của ngành Giáo dục. Thực hiện kết luận này, ngày 20/5/2013 Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc đã có Công văn số 500 gửi các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành thị về công tác tuyển dụng viên chức. Trong đó, nội dung yêu cầu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc phải có văn bản thông báo tới các thí sinh đăng kí xét tuyển giáo viên năm 2012 (cho những thí sinh không đào tạo theo hệ thống tín chỉ), để xét tuyển đúng quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Song song với việc làm này, Sở GD&ĐT phải gửi thông báo về Sở Nội vụ để theo dõi.

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Ảnh Xuân Trung
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Ảnh Xuân Trung

Theo ông Phạm Quang Tuệ, thời gian để thông báo cho thí sinh về trường tách điểm (đối với những thí sinh chưa tách điểm lần 1) theo quy định là 15 ngày (kể từ ngày Sở ra thông báo). Đồng thời, Sở GD&ĐT cần bố trí niêm yết công khai kết quả xét tuyển, tổng hợp kết quả xét tuyển.

Đối với UBND các huyện, thành thị thì trên cơ sở văn bản thẩm định kết quả tuyển dụng của Sở Nội vụ, cần phân công giáo viên theo quy định và rà soát lại văn bằng, chứng chỉ gốc, cách tính điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm thực hành và chế độ ưu tiên (nếu có) đối với các trường hợp trúng tuyển. Nếu phát hiện thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ từ 2 Hội đồng trở lên thì cần xem xét và xử lí theo quy định.

Thời gian gửi hồ sơ đề nghị tuyển dụng giáo viên năm 2012 về Sở Nội vụ chậm nhất là ngày 5/7/2013. Cũng theo ông Tuệ, để đảm bảo chất lượng viên chức sau khi được tuyển dụng thì các Sở, ban, ngành, huyện và thành thị cần căn cứ vào chỉ tiêu biên chế viên chức được giao để xây dựng kế hoạch, cơ cấu tuyển dụng viên chức bằng hình thức thi tuyển và gửi về Sở Nội vụ thẩm định. 
Không can thiệp sâu vào Nghị định 29

Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Tuyến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, sự việc đã có kết luận và đã giao cho một tổ công tác của tỉnh kiểm tra và sẽ báo cáo lại.

Bà Tuyến cho hay, sau khi sự việc tuyển dụng giáo viên trong ngành còn khúc mắc, UBND tỉnh đã có chỉ đạo yêu cầu Sở GD&ĐT phải tính đúng theo Nghị định 29, nếu còn sử dụng nội dung trong Quyết định số 25/2006 của Bộ GD&ĐT về Ban hành quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy là không đúng quy định. Theo bà Tuyến, Quyết định đó dùng để hướng dẫn học sinh ra trường, còn Nghị định 29 của Chính phủ là hướng dẫn tuyển dụng viên chức. 

“Tôi không quan tâm tới cách tính điểm cụ thể như thế nào trong Nghị định 29, tôi chỉ cần biết Sở GD&ĐT phải tính đúng theo Nghị định đó, còn yêu cầu như thế nào để đạt được như trong Nghị định thì trường đại học phải chịu trách nhiệm (Điểm trung bình học tập và điểm thi tốt nghiệp), cái đó là trường đại học phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi chỉ tuân thủ đúng Nghị định 29 (Điểm học tập + Điểm tốt nghiệp khi cộng lại là 200, nếu tính theo hệ số và điểm thực hành x 2 là 200 nữa, vậy có 400 và thực hiện xét từ trên xuống dưới)”, bà Tuyến cho biết. 

Như vậy, với kết luận của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì cách tính điểm sẽ được áp dụng đúng như trong Nghị định 29 (Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1. Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1. Trường hợp người dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 2. Điểm phỏng vấn hoặc thực hành được tính theo thang điểm 100 và tính hệ số 2. Kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm phỏng vấn tính theo quy định – Trích Điều 12 cách tính điểm trong Nghị định 29).

Cũng theo bà Dương Thị Tuyến, trong Nghị định 29 có quy định cách tính điểm như thế nào đó thì cũng không nên can thiệp, và tốt nhất là để cho trường đại học tách điểm cho thí sinh. Thông tin thêm bà Tuyến cho biết, UBND tỉnh đã có Công văn gửi Bộ GD&ĐT chỉ đạo Sở GD&ĐT thực hiện. 

Trả lời câu hỏi, trong vài năm gần đây Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc liên tiếp vấp phải phản ứng từ dư luận về cách thức tuyển dụng viên chức, bà Tuyến cho hay, tỉnh đã có nhắc nhở đối với lãnh đạo Sở Giáo dục. 

Theo thông tin từ ông Phạm Quang Tuệ, thì có thể từ năm tới công việc tuyển dụng viên chức của ngành giáo dục sẽ do UBND và Sở Nội vụ trực tiếp đứng ra tuyển dụng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến. Còn theo thông tin mà bà Dương Thị Tuyến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì, năm tới sẽ tổ chức thi để đảm bảo chất lượng, lí do không xét tuyển vì hiện đang có nhiều loại hình đào tạo, nhiều nhóm trường, nhiều cách đánh giá khác nhau, có trường quản lí chặt, có trường yếu. Song, quy định này vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhưng hướng sẽ tổ chức xây dựng cơ cấu và kế hoạch cụ thể. 

Bà Tuyến nói thêm, cũng có thể sẽ có cơ quan chuyên là dịch vụ tổ chức thi, nhưng lúc đó cơ quan chuyên môn phải đứng ra giám sát khâu ra đề, khâu chấm và lên điểm. 
Xuân Trung