Thu hồi sữa nghi nhiễm khuẩn: Lời khuyên của Hội Bảo vệ NTD

06/08/2013 08:48
Hoàng Lực
(GDVN) - "Từ sự cố thu hồi sữa ngoại vì nghi nhiễm khuẩn, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước nhưng người tiêu dùng nên cảnh giác tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời hạn sử dụng và cũng nên từ bỏ tâm lý “sính ngoại”, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Vinastas cho biết.
Ngay sau khi phát hiện một số sản phẩm nhiễm một chủng vi khuẩn có thể gây ngộ độc, hãng sữa Fonterra của New Zealand đã bắt đầu tiến hành thu hồi sản phẩm của mình trên các thị trường trong đó có Việt Nam. Tại thị trường Việt Nam, bị thu hồi chủ yếu là sữa Similac GainPlus Eye-Q của Abbott. Bên cạnh đó, Dumex cũng thu hồi các dòng sữa Dumex Gold và Dumex Mamil Gold PreciNutri Step 2 dành cho trẻ sau 6 tháng tuổi. Nhãn hàng Karicare cũng tự nguyện thu hồi các sản phẩm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170, hạn sử dụng ngày 17/6/2016 và 18/6/2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183, hạn sử dụng 31/12/2014. Các sản phẩm này chỉ được bán trên thị trường New Zealand.
bbott Việt Nam đã thu hồi 10.135 lon sữa Similac GainPlus EyeQ, còn khoảng 2.000 thùng sản phẩm sữa Similac GainPlus EyeQ trên thị trường
bbott Việt Nam đã thu hồi 10.135 lon sữa Similac GainPlus EyeQ, còn khoảng 2.000 thùng sản phẩm sữa Similac GainPlus EyeQ trên thị trường
Đây không phải lần đầu tiên người tiêu dùng trong nước phải lo lắng về chất lượng của những mặt hàng sữa nhập khẩu. Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu và người tiêu dùng cần phải làm gì trước những sự cố tương tự? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas)
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas)
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cố một loạt nhãn hàng sữa như Fonterra, Abbott,, Dumex... phải thu hồi do nguy cơ nhiểm khuẩn đang khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng?
Ông Vương Ngọc Tuấn:
Hiện nay theo quy định, bất cứ sản phẩm nào đó chứ chưa nói đến cả lô sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt với mặt hàng thực phẩm như sữa thì trước khi được đưa vào tiêu thụ ở thị trường Việt Nam các mẫu thực phẩm này phải được đưa đến Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm để xét nghiệm. Sau đó nếu các mẫu lấy từ các sản phẩm này đảm bảo các tiểu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ được cấp giấy phép được nhập khẩu và đưa và thị trường Việt Nam.
Từ quy định đó thấy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý là Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm. Khi đã nhập khẩu vào Việt Nam mà người dùng sử dụng và phát hiện sản phẩm kém chất lượng có quyền khiếu nại trực tiếp đến doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu phân phối các sản phẩm sữa nhập khẩu đó ra thị trường. Nếu vì dúng sản phẩm sữa đó mà người tiêu dùng bị ảnh hưởng, thiệt hại không chỉ là vật chất như mất tiền mua sản phẩm mà còn bị ảnh hưởng tới sức khỏe, căn cứ Điều 23 Luật Bảo vệ Người tiêu dùng doanh nghiệp phải có trách nhiệm đền bù.- Hiện nhiều người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm đang thu hồi hết sức lo lắng, theo ông họ phải làm gì?
Ông Vương Ngọc Tuấn: Đúng là hiện nay, có một số doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng về Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chưa kiểm duyệt, đánh giá sát sao các các mặt hàng đặc biệt là thực phẩm như sữa dẫn đến việc khi vào thị trường Việt Nam, vẫn còn hàng kém chất lượng. Để xảy ra điều này, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Lúc này căn cứ vào Luật Bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tiến hành thu hồi sản phẩm và phải công bố rộng rãi số lượng thu hồi, sản phẩm thu hồi. Bản thân Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua đã tiếp nhận khiếu nại liên quan đến sản phẩm tương tự. Ví dụ như việc nhập khẩu hàng quá “đát” về dập lại số mới để tiêu thụ hoặc hàng đã quá hạn sử dụng nhập về bán ra thị trường hoặc cũng có trường hợp bản thân doanh nghiệp tự phát hiện và thu hồi…Vì vậy người tiêu dùng nên cảnh giác tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời hạn sử dụng và cũng nên từ bỏ tâm lý “sính ngoại”.- Trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng sữa có nguy cơ nhiễm khuẩn muốn đòi lại quyền lợi của mình thì có thể tìm đến cơ quan nào để giải quyết?Ông Vương Ngọc Tuấn: Căn cứ vào Luật bảo vệ người tiêu dùng thì có hai hệ thống cơ quan sẽ đứng ra tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo của người tiêu dùng. Thứ nhất là Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đứng đầu là Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh, Ban bảo vệ người tiêu dùng cũng như UBND các cấp, đại diện là Sở Công thương, phòng công thương tại các địa phương phải đứng ra tiếp nhận  giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Thứ hai là hệ thống các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động bảo vệ người tiêu dùng như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bao gồm 46 chi hội tại các địa phương đều có thể tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng giải quyết những khiếu nại này. Nếu người tiêu dùng có khiếu nại về sản phẩm sữa hay bất kỳ sản phẩm nào tới Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thì chúng tôi sẽ tư vấn, hỗ trợ để giải quyết vấn đề. Chúng tôi sẽ hỗ trợ để làm việc với doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết những khiếu nại của người tiêu dùng.

- Nhiều ý kiến cho rằng dù là đơn vị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng thời gian qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng dường như vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình, ông nghĩ sao về điều này? Phải chăng vai trò của hội chưa được khẳng định trong luật?

Ông Vương Ngọc Tuấn: Trước tiên, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng trung ương hoạt động theo luật pháp trước tiên theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Vai trò của hội cũng đã được đặt ra trong hẳn một chương của Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy vấn đề ở đây không phải là luật pháp chưa nêu cao vai trò của hội mà vấn đề là cơ chế tạo nguồn lực cho hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ví dụ như để tiến hành một cuộc khảo sát như vừa qua một trung tâm của hội tiến hành khảo sát chất sử dụng trong bún, bánh phở chẳng hạn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì đi khảo sát lấy mẫu, phân tích… thì phải có kinh phí trong khi kinh phí của hội rất eo hẹp. Mặc dù hội có chức năng và quyền được khảo sát độc lập đưa ra kết quả để làm tín hiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc để kiểm tra rộng rãi.

Nhưng do thiếu kinh phí nên rất khó có những hoạt động khảo sát đánh giá các sản phẩm trên thị trường nói chung chứ chưa nói đến mặt hàng sữa nhập khẩu từ đó rất ít khuyến cáo tư vấn đến người tiêu dùng, đây là khó khăn của hội.

- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lực