Trung Quốc dùng "võ mồm" hòng chiếm ưu thế ở Biển Đông

16/08/2013 07:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Những phát biểu hiếu chiến của La Viện dường như đã được thiết kế để giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu của họ chỉ bằng võ mồm mà không phải dùng đến biện pháp quân sự.
La Viện, "Tư lệnh binh chủng hỏa lực mồm Trung Quốc".
La Viện, "Tư lệnh binh chủng hỏa lực mồm Trung Quốc".
Andrew Chubb, một học giả thuộc quỹ The Jamestown Foundation ngày 15/8 đã có bài phân tích trên Asia Online về hoạt động của "dàn opera" quân đội Trung Quốc, tức các học giả tướng tá hiếu chiến của nước này trong việc tuyên truyền các chính sách của Bắc Kinh, bao gồm tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Trong cuộc khủng hoảng Scarborough hay bế tắc ngoài Senkaku hồi năm ngoái, những phát biểu hiếu chiến từ các nhà bình luận quân đội Trung Quốc được (giới chức Bắc Kinh) huy động nhằm tập hợp dư luận trong nước, thăm dò về các hành động quân sự cũng như củng cố niềm tin (của dân Trung Quốc) vào khả năng chiến đấu của quân đội nước này. Bằng cách khuếch đại khả năng hành động quân sự và sự leo thang thường thấy khi Bắc Kinh can thiệp, những học giả diều hâu Trung Quốc đã góp phần vào những nỗ lực này và đã thành công trong việc đẩy Philippines và Nhật Bản vào tình thế chấp nhận một hiện trạng mới (do Trung Quốc tạo ra) xung quanh bãi cạn Scarborough và nhóm đảo Senkaku. Hệ thống tuyên truyền đối ngoại của quân đội Trung Quốc bao gồm hầu hết các học giả tướng tá diều hâu đã được tăng cường đáng kể trong những năm gần đây từ thời ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền nhằm làm giảm ảnh hưởng của thuyết "mối đe dọa từ Trung Quốc" và xây dựng hình ảnh mới cho quân đội của họ.
La Viện trong một chương trình giao lưu trực tuyến với tờ báo điện tử China News.
La Viện trong một chương trình giao lưu trực tuyến với tờ báo điện tử China News.
Tiêu biểu cho nhóm học giả diều hâu này là La Viện, một viên Thiếu tướng đã mở tài khoản trên trang mạng xã hội Trung Quốc weibo để thực hiện công tác tuyên truyền. Ông Viện phải cân bằng giữa việc thuyết phục thế giới tin rằng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và không gây ra mối đe dọa, đồng thời thuyết phục người dân nước này tin rằng quân đội Trung Quốc "có khả năng và cam kết bảo vệ lợi ích của Trung Quốc." Sự xuất hiện của La Viện nổi bật nhất trong giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc từ cuối tháng 4 năm ngoái. Sau khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborouhg từ Philippines khiến căng thẳng giữa 2 nước tăng cao, La Viện xuất hiện gần như hàng ngày trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Đặc biệt, La Viện thu hút sự chú ý cao độ với một bài viết trực tiếp chỉ trích giới chức Bắc Kinh để tình hình leo thang và lập luận rằng Trung Quốc đang bị (Philippines) bắt nạt?! Cũng chính La Viện kêu gọi quân đội Trung Quốc phái quân chiếm giữ bãi cạn Scarborouhg mà họ gọi là "đảo Hoàng Nham". Việc La Viện xuất hiện thường xuyên trên truyền thông dường như là một phần nỗ lực của Bắc Kinh để tạo sự chú ý từ dư luận trong nước về vấn đề này. Cuối tháng 4 năm ngoái, tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng tiến hành "một cuộc khảo sát vội vàng và bất thường", sau đó công bố kết quả cho rằng 80% người Trung Quốc được hỏi trả lời đồng ý phương án trả đũa quân sự nếu Bắc Kinh "bị khiêu khích" ở Biển Đông.
Đái Húc, Đại tá không quân Trung Quốc, thành viên tích cực của dàn "hỏa lực mồm" với những ý tưởng hiếu chiến chưa từng thấy.
Đái Húc, Đại tá không quân Trung Quốc, thành viên tích cực của dàn "hỏa lực mồm" với những ý tưởng hiếu chiến chưa từng thấy.
Đầu tháng 5/2012, Đái Húc, một viên Đại tá không quân nằm trong hệ thống "hỏa lực mồm" của quân đội Trung Quốc tiếp tục kêu gọi tiến hành chiến tranh, Đái Húc kêu gọi giới chức Trung Quốc tấn công Philippines, hiến kế "giết gà dọa khỉ" và cho rằng Mỹ sẽ không dám can thiệp. Trợ uy cho La Viện, trong 2 ngày 10 và 11/5 trang Sina Weibo treo tít "Tàu chiến Trung Quốc áp sát lãnh thổ Philippines" ngay vị trí nổi bật nhất trên trang chủ của nó nhằm nhấn mạnh rằng khả năng tấn công Philippines "đã được phê duyệt" đã tạo ra sự chú ý rất lớn từ dư luận. Kết hợp chiến dịch "hỏa lực mồm" với các biện pháp trừng phạt kinh tế, gây sức ép ngoại giao Trung Quốc đã ép Philippines rút tàu khỏi Scarborough (theo một thỏa thuận 2 bên cùng rút, nhưng Trung Quốc lập tức phái tàu trở lại ngay sau khi tàu Philippines rút về và án ngữ, rào cửa vào đầm phá bãi cạn Scarborough từ đó đến nay). Những phát biểu hiếu chiến của La Viện dường như đã được thiết kế để giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu của họ chỉ bằng võ mồm mà không phải dùng đến biện pháp quân sự. Cùng một thủ đoạn trên, dàn hỏa lực mồm quân đội Trung Quốc đã giúp giới chức Bắc Kinh buộc chính phủ Nhật Bản phải chấp nhận hoạt động của các tàu tuần tra Trung Quốc xung quanh nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát kể từ tháng 9 năm ngoái cho đến nay.
Biểu tình chống Nhật Bản nổ ra khắp Trung Quốc thậm chí có lúc gần như mất kiểm soát, dàn hỏa lực mồm Trung Quốc do La Viện làm "Tư lệnh" có vai trò khơi mào không nhỏ.
Biểu tình chống Nhật Bản nổ ra khắp Trung Quốc thậm chí có lúc gần như mất kiểm soát, dàn hỏa lực mồm Trung Quốc do La Viện làm "Tư lệnh" có vai trò khơi mào không nhỏ.
Đỉnh điểm của vụ việc là dàn hỏa lực mồm này đã góp phần thổi bùng lên sự phẫn nộ trong các cuộc biểu tình nổ ra khắp Trung Quốc chống lại Nhật Bản một cách đầy nghịch lý để tạo ra cái một số học giả Trung Quốc gọi là "ngăn chặn từ cơ sở". Kể từ đó Trung Quốc không ngừng lấn tới nắn gân Nhật Bản với các sự cố radar tên lửa tàu hải quân Trung Quốc ngắm bắn máy bay trực thăng hải quân và tàu hộ vệ Nhật Bản trên Biển Hoa Đông. Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, một thành viên của "binh chủng Hỏa lực mồm Trung Quốc" đăng đàn tuyên bố, bất kỳ phát đạn cảnh cáo nào từ phía Nhật Bản nhằm vào máy bay Trung Quốc ở Senkaku đều châm ngòi cho một cuộc chiến tranh Trung - Nhật trong khi tờ Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục (mượn danh) cho biết dư luận Trung Quốc muốn tấn công "đáp trả". Những bài báo, phát biểu, phân tích mang tính giật gân, kịch tính về các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng bình thường tương đối xa lạ với cuộc sống của người dân Trung Quốc. La Viện thường xuyên tham gia các diễn đàn online, các chương trình bình luận thời sự để tăng cường cái gọi là "giáo dục quốc phòng", "ý thức về hiểm họa" cho người dân Trung Quốc.
Cùng với màn "võ mồm" của cánh học giả diều hâu La Viện, Trung Quốc cũng triển khai hàng loạt các động thái quân sự trái phép trên Biển Đông gây lo ngại trong khu vực.
Cùng với màn "võ mồm" của cánh học giả diều hâu La Viện, Trung Quốc cũng triển khai hàng loạt các động thái quân sự trái phép trên Biển Đông gây lo ngại trong khu vực.
Đáng chú ý, những phân tích bình luận giật gân và hiếu chiến của La Viện và dàn hỏa lực mồm quân đội Trung Quốc không chỉ thu hút sự chú ý từ công luận quốc tế mà còn đặc biệt tác động mạnh đến người dân Trung Quốc sau khi nó được đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin và các hãng truyền thông lớn của nước này lấy lại. Chính La Viện tự nhận mình là diều hâu trong khi những thảo luận về "phe hiếu chiến" mới nổi lên trong quân đội Trung Quốc diễn ra công khai, ngay cả trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Điều này cho thấy công chúng tin rằng trong quân đội Trung Quốc tồn tại một "phe hiếu chiến" tích cực "chống lại kẻ thù bên ngoài" và "có thể chấp nhận được". Từ quan điểm của giới chức Bắc Kinh, điều này có thể hữu ích để duy trì sự xuất hiện của một nhóm "hiếu chiến" thúc đẩy chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay.  Trong các hoạt động tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với láng giềng, "phe hiếu chiến" hay "binh chủng hỏa lực mồm" đã tạo ra một nhận thức rộng rãi trong xã hội Trung Quốc rằng một "tính toán sai lầm" hay một "tai nạn" trên biển xuất phát từ các bên liên quan có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, Trung Quốc đã chắc chắn đảm bảo chấp nhận sự theo đuổi đã được thực hiện bằng các biện pháp phi quân sự.
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy