Tách ra khỏi VNPT, vì sao là MobiFone?

17/09/2013 13:53
Hồng Minh (th)
(GDVN) - Theo kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dự kiến khởi động ngay tháng 9 này, nhiều chuyên gia trong ngành viễn thông Việt Nam dự đoán, ứng viên sáng giá tách khỏi VNPT chính là Mobifone...
Mặc dù nói là "dự đoán" nhưng hầu như ai cũng tin chắc rằng, nếu phải tách ra và hoạt động độc lập, chỉ có thể là Mobifone. Nhìn vào quá trình 20 năm hình thành và phát triển nhà mạng này, các chuyên gia cho rằng, việc Mobifone tách khỏi VNPT là đúng đắn khi so với người em Vinaphone (thành lập năm 1996) Mobifone luôn thể hiện tính độc lập, chủ động thực hiện các chiến lược kinh doanh của mình.

Là mạng viễn thông di động đầu tiên của Việt Nam, ra đời trong những năm thời kỳ đầu đổi mới (ngày 16/04/1993), MobiFone trải qua 20 năm đầy thăng trầm.

Khi mới hình thành, MobiFone chỉ có gần 100 cán bộ, nhân viên với hệ thống kỹ thuật bao gồm một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm thu phát sóng (BTS) tại Hà Nội cùng tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam, phủ sóng tại 4 địa phương TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Long Thành, Vũng Tàu. 

Mobifone đã trưởng thành và cần được ở riêng...
Mobifone đã trưởng thành và cần được ở riêng...

Đến nay Mobifone đã có 9 đơn vị trực thuộc và 3 công ty con hoạt động hiệu quả; với tổng lực lượng lao động trên 5.600 người (trong đó trên 91% có trình độ đại học trở lên). MobiFone đã được xây dựng mạng lưới lớn mạnh với 20.000 trạm 2G, 11.000 trạm 3G đáp ứng đủ năng lực phục vụ cho hơn 40 triệu thuê bao di động hoạt động.

Thời gian qua Mobifone đang mở rộng đầu tư quốc tế; triển khai có hiệu quả một số dự án truyền dẫn, internet tại Hoa Kỳ, Singapore, Hồng Kông, Cộng hòa Sec và đã mở Văn phòng đại diện tại Myanmar. Giai đoạn 2008-2012, năng suất lao động của Công ty tăng trưởng bình quân 12%/năm. Là một trong số ít doanh nghiệp nộp ngân sách cao trong nhiều năm liền (năm 1994 nộp ngân sách chỉ 2,1 tỷ đồng, đến 2012 nộp NS đạt trên 4.500 tỷ đồng). MobiFone đã trở thành 1 trong 10 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. 
Mobifone định hướng khách hàng của mình là nhóm khách hàng thế hệ mới – “thế hệ @” với hai chiến lược kinh doanh: "Đa dạng hóa hàng ngang" với việc nâng cấp mạng Internet 3G chuẩn với tốc độ lên tới 7.2 Mbps và “đa dạng hóa hàng dọc”, thời gian qua Mobifone đã nhắm tới hàng loạt đối tác chiến lược nước ngoài vừa mạng về tài chính vừa mạng về thương hiệu và kinh nghiệm quản lý như France Telecom, Tenorno, Vodafone…

Với những chiến lược kinh doanh đó dù trong mái nhà chung với Vinaphone tại VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) nhưng Mobifone luôn được xem “con gà đẻ trứng vàng” cho VNPT nhưng phần lợi nhuận đó phải san sẻ cho những đơn vị khác trong VNPT.
Trước đó, theo đề án tái cấu trúc Tập đoàn này vừa trình Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT gửi trình Chính phủ và Bộ Thông tin-Truyền thông, Công ty thông tin di động VMS - MobiFone đóng góp khoảng 40% doanh thu, trên 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Để tạo điều kiện hoạt động của VNPT được ổn định, đủ nguồn lực cần thiết cho quá trình đổi mới, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, VNPT và người lao động.

VNPT đưa ra đề nghị không cổ phần hóa MobiFone mà sẽ hợp nhất VinaPhone và MobiFone thành Tổng công ty thông tin di động (VNPT- Mobile) và sau năm 2015 mới cổ phần toàn bộ VNPT cùng các công ty chủ lực.

Tuy nhiên trong các buổi làm việc với Bộ Thông tin-Truyền thông hồi tháng 4/2013, ông Lê Ngọc Minh - Chủ tịch MobiFone đưa ra đề nghị, trong đề án tái cấu trúc, không giải thể MobiFone và để DN này hạch toán độc lập, tiến tới cổ phần hóa công ty theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

“Với quy mô hiện nay, Mobifone muốn được độc lập để hạch toán riêng, minh bạch, đồng thời nâng cao tính chủ động, sáng tạo”, ông Minh nói.

Việc để Mobifone được tách ra hạch toán độc lập được xem là hợp lý vì về mặt pháp luật, Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ, hoặc cổ phần trong một DN, thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ, hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Sở dĩ Nghị định 25/2011/NĐ-CP đưa ra mức “sở hữu trên 20% vốn điều lệ, hoặc cổ phần” để tránh tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh.

Do vậy ứng viên sáng giá tách khỏi VNPT chính là Mobifone bởi lẽ dù do VNPT quản lý nhưng về cơ bản Mobifone vẫn có chiến lược kinh doanh độc lập. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, MobiFone đã duy trì mô hình kinh doanh độc lập tự chủ khá tốt so với các đơn vị khác thuộc VNPT.

Ở khía cạnh khác, đặt giả thiết Vinaphone được tách ra khỏi VNPT, theo ý kiến các chuyên gia người được lợi nhất là VNPT vì về kết quả kinh doanh, kinh nghiệm cũng như con người Mobifone dường như đang nhỉnh hơn người em của mình. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vinaphone theo như Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá chỉ bằng 60% của MobiFone.

Về nhân sự đội ngũ con người của MobiFone được đào tạo và thử thách trong môi trường hợp tác với nước ngoài 10 năm (hợp tác với Comvik) và Mobifone cũng đồng thời là cái nôi nhân sự của ngành thông tin di động Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng Mobifone là mạng lớn nhất và chuyên nghiệp trong việc tổ chức khai thác mạng, có chiến lược rõ ràng bài bản và nhiều sáng tạo. Kết quả thực tế cho thấy MobiFone là mạng có năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh tốt.
Hồng Minh (th)