MC Kỳ Duyên và mạng dây điện chằng chịt ở VN trên facebook Bill Gates

29/10/2013 07:54
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - Câu chuyện kế tiếp là bức hình mạng dây điện chằng chịt Bill Gates đưa ra trên facebook. Ngay lập tức, hàng tấn gạch đá quăng vào mặt cựu CEO của Microsoft trên facebook. Thậm chí những lời chỉ trích rất nặng nề và sử dụng những ngôn từ dung tục.
Thứ hai đầu tuần rất bận tuy nhiên khi lướt qua báo Giáo dục Việt Nam có bài về MC xinh đẹp Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Tựu trung, có rất nhiều người ném đá đủ cho MC này xây được tòa nhà hoành tráng tại Việt Nam. Chúng ta hãy bình tĩnh sử dụng những dữ kiện để rút ra kết luận cho hiện tượng ném đá hội đồng này. Các kết quả đúng cần phải dựa trên những sự kiện chính xác và phân tích logic. 

MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên (Xem thêm các bài viết về việc MC Kỳ Duyên chỉ trích văn hóa Việt tại đây)
MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên

(Xem thêm các bài viết về việc MC Kỳ Duyên chỉ trích văn hóa Việt tại đây)

Năm 2013 có sự kiện người không chân không tay tới Việt Nam. Thật đáng buồn khi có một phóng viên GATO viết một bài phê phán sự kiện từ thiện này của Tôn Hoa Sen trên Facebook. Đáng buồn hơn nữa khi có mấy chục ngàn like trên facebook cổ súy cho bài viết đó. Các ý kiến phản đối cũng thuộc dạng như MC Kỳ Duyên phàn nàn trên facebook của cô, ví dụ như “tại sao không mời tàn tật Việt Nam lên, "tại sao Tôn Hoa  Sen không lấy tiền đó đi làm từ thiện đi"", "chắc Tôn Hoa Sen làm vậy cũng vì kinh doanh thôi "... Các ý kiến phụ họa và đồng tình trên các diễn đàn cũng rất nhiều. Văn hóa chỉ trích chắc đúng với vài chục ngàn cá nhân này. Thật đáng buồn, khi hàng chục quốc gia đã tổ chức sự kiện, không có một quốc gia nào có hiện tượng như ở Việt Nam.

Câu chuyện kế tiếp là bức hình mạng dây điện chằng chịt ở Việt Nam Bill Gates đưa ra trên facebook. Ngay lập tức, hàng tấn gạch đá quăng vào mặt cựu CEO của Microsoft trên facebook. Thậm chí những lời chỉ trích rất nặng nề và sử dụng những ngôn từ dung tục. Thật đáng buồn, khi nội dung bức hình đó mang thiện ý của Bill Gates khi muốn cải thiện hệ thống truyền tải điện tại các quốc gia phát triển. Một tập thể không nhận thức được cái gì đúng, cái gì sai trước khi quyết định chỉ trích một sự kiện nào đó có phải là hiện tượng văn hóa chỉ trích tại Việt Nam hay không?. Thói quen chỉ trích đã ảnh hưởng tới thể diện quốc gia thay vì bó gọn trong nội bộ dân tộc Việt Nam chúng ta.

Câu chuyện thứ ba đó là Running Man và đội Arsenal. Khi Running Man thành công cũng có rất nhiều ý kiến chê bai anh chàng Vũ Xuân Tiến và cho rằng anh ta chỉ là người gặp may. Có những dư luận suy nghĩ rằng đó là chiêu trò của ban tổ chức nhằm tạo scandal trong xã hội.

Câu chuyện thứ tư trên truyền thông đó là sự tranh tài giữa hai giọng hát nhí trên truyền hình khi cả hai bên tập thể fan sử dụng những từ ngữ tổng xỉ vả nhau trên mạng xã hội và trên dư luận.

Các câu chuyện trên có thể còn rất nhiều đối với mỗi cá nhân Việt Nam. Chúng ta mới chỉ liệt kê ra riêng trong năm 2013 thì hình như văn hóa chỉ trích đang ngự trị trên các phương tiện truyền thông và đời sống văn hóa Việt Nam.

Chúng ta chỉ trích bên ngoài, chúng ta chỉ trích bên trong. Chúng ta chỉ trích trong mọi hoạt động văn hóa và xã hội. Trên phương diện cá nhân, chúng ta hãy tự chân thành kiểm điểm trong một ngày chúng  ta nhận được bao nhiêu lời khen từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân?. Chúng ta hãy tự vấn mình trong một ngày chúng ta nói những lời khen ngợi nhiều hơn với xung quanh hay là những lời chỉ trích hoặc thái độ im lặng thiếu xây dựng?. Chúng ta hãy dạo quanh các diễn đàn và forum trên mạng để thấy tần suất chỉ trích nhiều hơn hay khen ngợi nhiều hơn?. Như vậy MC Kỳ Duyên là sai hay là đúng?. Câu hỏi đó hãy để các độc giả tự chiêm nghiệm và suy ngẫm.

Cuộc sống không phải là hằng số 1+1 bằng 2 do đó một câu nói có thể đúng trong hoàn cảnh này nhưng sai ở trong hoàn cảnh khác. Không đến nỗi quá tệ nếu như chúng ta soi văn hóa Việt Nam qua những lăng kính – 4 câu chuyện nói trên khi nói về phát biểu của MC Kỳ Duyên. Tất nhiên những cá nhân phê phán Kỳ Duyên cũng đúng khi họ đang nhìn vấn đề qua những lăng kính khác. Một phần hai  ly nước còn có thể là đầy một nửa hoặc vơi một nửa huống gì những sự kiện phức tạp đầy góc cạnh trong xã hội.

Các ý kiến trái chiều rất đáng hoan nghênh do các cụ đã nói “Trung Ngôn Nghịch Nhĩ”. Khi nghe những lời phê phán, chúng ta cần phải cân nhắc thấu đáo và suy nghĩ về những lăng kính mà người nói đang sử dụng. Điều quan trọng kế tiếp, các ý kiến chỉ là một phần của con người và chúng ta đừng sử dụng những cái đó để phê phán bản chất của người nói. Các lập luận như MC Kỳ Duyên là Việt kiều vì vậy không mang văn hóa Việt Nam là những ngụy biện trong tranh luận rất hay gặp phải.
Thiết tưởng bất kỳ người Việt Nam nào suy nghĩ theo 4 câu chuyện nói trên đều sẽ đưa tới một kết luận - Văn hóa Việt Nam là chỉ trích ngay cả những điều tốt.

Điều thứ ba, mỗi người Việt Nam của chúng ta khi đứng trước những lời phản biện trái chiều có lẽ nên bình tĩnh suy nghĩ , đánh giá xem những lời nói đó mang lại giá trị gì cho bản thân chúng ta, gia đình chúng ta , xã hội chúng ta thay vì tự cho phép chúng ta tại vị trí quan tòa phân xử đúng sai cho người nói.

MC Kỳ Duyên không phải là tội phạm và chúng ta cũng không phải là quan tòa. Điều cuối cùng, trước khi phản biện một ai đó chúng ta nên dựa trên những sự kiện thay vì những suy nghĩ mang tính chất chủ quan. Bản thân chúng ta cũng là chính những nạn nhân khi chúng ta rất tiết kiệm lời khen ngợi hơn là những lời chỉ trích. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều khi những lời khen ngợi là một phần chính trong giao tiếp xã hội./.


Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam