Ông Đặng Thành Tâm: Không thể để Vinashin "chết" hẳn

04/11/2013 15:02
Ngọc Quang
(GDVN) - “Trong vụ Vinashin có lỗi chính của ban lãnh đạo, vì trong 2 năm đẻ ra hơn 200 công ty, rồi tuyển hàng nghìn cán bộ, nhân viên để làm việc trong các công ty đó làm việc, đầu tư quá dài trải...”, ông Đặng Thành Tâm – ĐBQH đoàn TP.HCM trao đổi bên lề kỳ họp 6 Quốc hội khóa 13.

So sánh về “cái chết” của Vinashin so với nhiều doanh nghiệp khác (trong khi Vinashin được nhiều ưu đãi về vốn), ông Tâm nhận định, thông thường khi góp vốn mua cổ phần vào đâu thì người ta phải xem xét tỷ mỉ cơ hội và tiền đầu tư thế nào, còn nhà nước góp vào thì không ai xem, không có giám sát chặt chẽ, kể cả cơ chế luật pháp cũng không có nên không Bộ trưởng nào chịu trách nhiệm cả.

“Trong vụ Vinashin có lỗi chính của ban lãnh đạo, vì trong 2 năm đẻ ra hơn 200 công ty, rồi tuyển hàng nghìn cán bộ, nhân viên để làm việc trong các công ty đó làm việc, đầu tư quá dài trải. Sai lầm đó của Vinashin có cả lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng khi vụ việc xảy ra, ai cũng nói tôi không có trách nhiệm. Vấn đề là phải đẻ ra cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa cần phải được đẩy nhanh hơn để nhiều người tham gia giám sát, chứ mình Chính phủ không thể giám sát được”, ông Tâm nói.

Ông Đặng Thành Tâm - ĐBQH đoàn TP.HCM.
Ông Đặng Thành Tâm - ĐBQH đoàn TP.HCM.
Ông Đặng Thành Tâm cũng có chung nhận định như nhiều chuyên gia kinh tế khác là không thể để Vinashin “chết hẳn” mà phải tái cấu trúc lại, đó là việc thành lập Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).

“Nói gì thì nói chứ chúng ta là nước bờ biển thì ngành công nghiệp đóng tàu phải là mũi nhọn, có thể trong giai đoạn nào đó nó thất bại, nhưng vẫn phải tiếp tục. Trường hợp của Vinashin, nếu đưa ra chính sách sớm hơn thì chưa chắc đã như hiện nay. Không riêng Vinashin mà các cái khác cũng thế, nguyên tắc là không phải nuôi để trả nợ thay, mà chỉ hà hơi tiếp sức cho nó bằng cách kéo dài thời gian trả nợ để nó làm việc và trả nợ, đó là cách duy nhất để kinh tế đi lên”, ông Tâm nhận định.

Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Đặng Thành Tâm đưa thí dụ việc tái cấu trúc của Channel Motor (Mỹ) cũng giống như tình trạng của Vinashin hiện nay. Channel Motor mất khả năng thanh toán hoàn toàn, nhưng nếu để nó chết thì cả nghành công nghiệp ô tô ở Mỹ cũng chết theo. Vì vậy, Chính phủ Mỹ đã bỏ mười mấy tỷ USD vào, Canada cũng bỏ năm bảy tỷ vì có nhà máy ở đó. Như vậy, lúc đó Channel Motor có hơn 20 tỷ và không phải nợ ai hết để làm lại từ đầu, đến nay phát triển mạnh, Chính phủ Mỹ thoát vốn và lời.

Trả lời câu hỏi: Vinashin “chết” do lỗi điều hành hay do mô hình đó chưa phù hợp thưa ông?, ông Tâm đánh giá: “Mô hình cũng là sai lầm, vì một thời kỳ rất dài chúng ta cho rằng mô hình đa ngành là tốt, nhưng đó cũng chỉ là một phần, còn cái chính là do trình độ năng lực lãnh đạo.

Chúng ta thử nhìn xung quanh xem tại sao các nước khác vẫn tăng trưởng, như lời nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói là không nên đổ lỗi do khách quan mà nhìn nhận là lỗi của mình thì mới phát triển. Muốn đa ngành thì tiềm lực tài chính phải mạnh và nguồn nhân lực phải tốt, nhưng chúng ta lại thiếu cả hai thứ đó. Trong tình hình kinh tế khó khăn và nhân lực chưa đủ hiện nay, mô hình phù hợp nhất với Việt Nam vẫn là đơn ngành và tập trung”.

Ông Đặng Thành Tâm nhận định, SBIC ra đời để thay thế Vinashin là cần thiết.
Ông Đặng Thành Tâm nhận định, SBIC ra đời để thay thế Vinashin là cần thiết. 

Cũng theo vị dân biểu này, chính sách dù tốt hay xấu thì nó vẫn có những điểm sáng, điều quan trọng là phải làm quyết liệt.

“Nhưng thử nhìn lại xem từ trước tới nay chính sách mà nhà nước mình làm có cái nào quyết liệt đâu. Ứng xử bình đẳng chưa? Kể cả trong tái cấu trúc ngân hàng và doanh nghiệp, chúng ta cứ làm trong một thời gian rồi dừng lại, trong khi kinh tế đang tụt xuống. Tôi cho rằng, khi nhìn nhận khách quan rồi thì cần phải thực hiện chính sách một cách rất cương quyết và minh bạch, nếu không minh bạch thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra các tiêu cực.

Tôi nghĩ là 8 giải pháp đã được nêu ra là quá nhiều, hay như quá trình tái cấu trúc đọc thì nghe thấy hay, đưa ra toàn cái mà thế giới còn chưa nghĩ ra. Thí dụ, tái cấu trúc ngân hàng, trên thế giới không phải ai cũng dám tái cấu trúc đâu, vì hiện nay khủng hoảng tài chính nên thể chế tài chính rất là yếu kém, mình đã làm thì phải làm cương quyết, triệt để, làm đến tận cùng.
Ngay cả nhiều vị đại biểu cũng thế, nhiều khi chất vấn Thống đốc nhiều, cứ hỏi là làm được những gì rồi, khiến người ta hoảng quá. Hãy cho người ta thời gian. Các đại biểu Quốc hội cũng phải nhìn vào giải pháp và có góp ý cụ thể. Nếu không góp ý được thì đi giám sát xem quá trình thực hiện có đúng hay không, chứ đổ lỗi cho Chính phủ không thì cũng buồn cười”, ông Tâm bày tỏ.
Ngọc Quang