Vụ "án oan 10 năm" ở Bắc Giang: Các điều tra viên khó thoát tội!

14/11/2013 14:45
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - “Không cứ họ phải thừa nhận hành vi sai trái thì mới kết được tội, đâu phải vụ án hình sự nào hung thủ cũng tự thú đâu? Mặc cho các đối tượng phủ nhận hay chối tội, nếu có những bằng chứng khác đủ cơ sở để kết tội thì tòa án vẫn tuyên có tội”, Luật sư Ngô Ngọc Trai.
Trở về sau hơn 10 năm ngồi tù oan, ông Nguyễn Thanh Chấn tố cáo các điều tra viên đã đánh đập, ép cung ông. Tuy nhiên mới đây, cán bộ tham gia điều tra vụ án này đồng loạt phủ nhận chuyện ông tố cáo.

Vậy phải chăng ông Chấn đã vu khống cho những điều tra viên? Không ai ép cung ông, vì sao ông Chấn khai nhận mình giết người để rồi cả chục năm ngồi tù ông liên tục kêu oan?

Dư luận đang hoài nghi lớn về những phủ nhận của các điều tra viên. Ông Chấn tố cáo bị đánh đập, ép cung - bằng chứng của ông đâu và làm thế nào để xác minh điều đó...?

Liên quan những nội dung trên, PV Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với với Luật sư Ngô Ngọc Trai – Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự.

PV: Trong vụ án oan 10 năm, ông Chấn đã tố cáo bị những điều tra viên đánh đập, ép cung. Tuy nhiên những điều tra viên này phủ nhận hành vi đó. Sự việc xảy ra cách đây hơn 10 năm, phải chăng công tác điều tra, xác minh lại lời khai của ông Chấn sẽ rất khó khăn, thưa Luật sư?

Luật sư Ngô Ngọc Trai: Cho dù thời gian đã lâu và những điều tra viên trước kia giải trình không có hành vi ép cung, tôi cho rằng việc điều tra vẫn không có khó khăn. Ngược lại vụ án bức cung, nhục hình này là rất rõ ràng.

Việc ông Chấn tố cáo bị bức cung, nhục hình không phải mới đây. Từ năm 2005 ông Chấn đã có đơn thư về vấn đề này rồi. Theo thông tin báo chí đã đưa thì ngày 15/12/2005, ông Chấn gửi đơn kêu oan tới Văn phòng Chính phủ, trình bày việc bị ép cung, nhục hình. Ngày 22/12/2006, ông Chấn cũng gửi đơn kêu oan tới Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với nội dung tương tự.

Việc của cơ quan điều tra bây giờ là truy tìm lại những lá đơn đó và lấy lại lời khai của ông Chấn.

Những tài liệu này kết hợp với tình tiết Lý Nguyễn Chung thú tội và tòa án xét xử xác định chính Chung mới là thủ phạm trong vụ án trước kia, như thế là đủ căn cứ để kết tội bức cung, nhục hình đối với các điều tra viên.

PV: Thưa Luật sư, vậy làm thế nào để xác minh lại những tố cáo của ông Chấn về việc bị đánh đập, ép cung xảy ra tại trại giam?

Luật sư Ngô Ngọc Trai: Rõ ràng là ngoài ông Chấn và các điều tra viên thì không có ai khác chứng kiến việc bức cung, nhục hình nhưng các điều tra viên vẫn không thoát được tội.

Không cứ họ phải thừa nhận hành vi sai trái thì mới kết được tội, đâu phải vụ án hình sự nào hung thủ cũng tự thú? Mặc cho đối tượng phủ nhận hay chối tội, nếu có những bằng chứng khác đủ cơ sở để kết tội thì tòa án vẫn tuyên có tội.

Trong vụ án này, chứng cứ phạm tội nằm chính ở bản thân bị hại. Những đơn thư và lời trình bày của ông Chấn được thuyết phục hoàn toàn khi có tình tiết Lý Nguyễn Chung thú nhận là hung thủ trong vụ án giết người cướp của năm xưa.

Luật sư Ngô Ngọc Trai
Luật sư Ngô Ngọc Trai

PV: Theo ông, Cơ quan nào cần phải đảm nhiệm việc điều tra, xác minh tố cáo của ông Chấn về việc bị các điều tra viên đánh đập, ép cung?

Luật sư Ngô Ngọc trai: Khoản 3 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ: Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp.

PV: Theo LS, có cần thiết phải khởi tố vụ án hay không?

Luật sư Ngô Ngọc Trai: Trong vụ việc này, dấu hiệu tội phạm khá rõ ràng cho nên phải khởi tố vụ án. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 Điều 100 quy định, cơ quan điều tra có trách nhiệm khởi tố vụ án khi xác định có dấu hiệu của tội phạm, và việc xác định dấu hiệu của tội phạm dựa trên những cơ sở là có tố giác của công dân và tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nếu cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không khởi tố vụ án, xử lý hành vi bức cung, nhục hình của các điều tra viên, thì người đứng đầu cơ quan này có thể bị xử lý hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.

Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 294 quy định:

Điều 294. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội

1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

A) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng;

B) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

PV: Thưa LS, nói về việc xét xử tại Tòa án, nhiều người thường nhắc đến thuật ngữ "án bỏ túi" - nghĩa là mức án dành cho các bị cáo đã được lãnh đạo 3 ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, rồi chính quyền địa phương thống nhất từ trước. Khi ra tòa, bị cáo khai gì, luật sư bào chữa gì chẳng còn có ý nghĩa gì nữa. Là một người có nhiều năm làm luật sư, ông nghĩ như thế nào về "thuật ngữ" đó qua sự việc của ông Chấn?

Luật sư Ngô Ngọc Trai: Thuật ngữ này là điều đáng buồn vì nó đi ngược lại những quy chuẩn của ngành tư pháp. Nguyên nhân cũng bởi những quy định bất hợp lý hiện tại của luật. Cụ thể Bộ luật tố tụng hình sự quy định đánh đồng tòa án cũng là cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm như cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát.

Trước khi mở phiên tòa, nếu thấy hồ sơ chưa đủ căn cứ để kết tội thì tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung củng cố chứng cứ. Tức là khi tòa án quyết định mở phiên tòa, có nghĩa rằng tòa cho rằng hồ sơ như thế là đủ để kết tội rồi. Như thế khi ra tòa, Hội đồng xét xử sẽ chỉ làm cái việc là chứng minh cho bị cáo thấy là bị cáo phạm tội rồi nhé và mức án phạt là thế này.

Trong khi đúng ra, Hội đồng xét xử không phải chứng minh cho ai cả, mà đó là cơ quan cần được người khác chứng minh và thuyết phục rằng bị cáo đã có hành vi phạm tội và cần xử phạt bị cáo. Nếu thấy hồ sơ không đủ căn cứ kết tội thì tòa án tuyên ngay bị cáo không phạm tội mà không trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Như thế mới đúng nghĩa hoạt động xét xử, có thể có tội hoặc không.

Như quy định của luật hiện tại, khi tòa án có trách nhiệm chứng minh tội phạm thì nếu không chứng minh được sẽ phải chịu trách nhiệm, điều này đi ngược lại với thông lệ chuẩn mực của ngành tư pháp là Tòa án cơ bản được miễn trách nhiệm trong những phán quyết của mình.

VIẾT CƯỜNG