ĐBQH Chu Sơn Hà: "Ăn chay rất tốt, nhưng thẩm tra chay thì không tốt"

22/11/2013 15:12
Ngọc Quang
(GDVN) - ĐBQH Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đã ví von như vậy khi thảo luận về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết và pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến nay.
ĐBQH Chu Sơn Hà cho rằng, việc triển khai văn bản hướng dẫn luật chậm nhưng chưa được quan tâm khắc phục kịp thời.
“Năm nào Quốc hội cũng thảo luận và quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sau khi thảo luận vẫn tiếp thu nhưng đưa vào để tổ chức thực hiện thì chúng ta chưa quan tâm lắm. Lỗi là do Ủy ban thường vụ Quốc hội không yêu cầu Chính phủ báo cáo một cách thường xuyên, công tác giám sát, tổ chức thi hành nội dung trên cũng chưa được quan tâm đúng mức”, ông Hà nói.

ĐBQH Chu Sơn Hà.
ĐBQH Chu Sơn Hà.
Cũng theo ĐB Hà, giai đoạn đầu Chính phủ chỉ đạo theo kiểu để cho các bộ, ngành tự giác thực hiện theo từng nhiệm vụ, chức năng, và đưa dẫn chứng: Tháng 9/2012 Chính phủ mới ban hành quyết định số 1319 về việc ban hành chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật thông qua tại kỳ họp thứ 3.
“Ngay trong quyết định đó cũng đã kém hiệu lực đó là giao Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc và theo dõi. Mãi đến tháng 2 năm 2013 kỳ họp thứ 4 thì Chính phủ mới ban hành chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết các luật do Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 4 và lúc này giao cho Bộ Tư pháp”, ông Hà bày tỏ.

Bên cạnh đó, ĐB Chu Sơn Hà cũng đặt câu hỏi: Không rõ trong thời gian vừa qua những văn bản quy định chi tiết của Chính phủ và các ngành không được ban hành thì Chính phủ và các ngành căn cứ vào đâu để điều hành công việc quản lý nhà nước? Qua đó, ông Hà nêu 3 nguyên nhân khiến các văn quy phạm pháp luật chậm đi vào cuộc sống:
Thứ nhất, Quốc hội làm luật chạy theo thành tích đưa vào đưa ra các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất là dễ dàng. Vấn đề không bảo đảm chất lượng cũng trình Quốc hội, đặc biệt trong kỳ họp này khi chương trình kỳ họp Quốc hội thông qua có 2 luật là luật liên quan đến Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam. Công an nhân dân cũng đưa vào chương trình và bây giờ lại đưa ra. Với các ủy ban của Quốc hội, trong quá trình hoạt động việc chưa chủ động đôn đốc thực hiện các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Quốc hội đã thông qua.
“Báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội ăn chay rất tốt cho sức khỏe nhưng ngược lại thẩm tra chay không tốt cho việc thẩm tra các dự án luật. Thời gian vừa qua, chúng tôi thấy một số các ủy ban thường là thẩm tra chay. Tất nhiên, cũng có một số ủy ban, một số dự án luật được khảo sát trước khi tổ chức thẩm tra. Chúng tôi xin đề nghị là quá trình thẩm tra phải có khảo sát, đánh giá, từ đó có thực tiễn để thẩm tra các dự án luật chất lượng hơn.

Với Chính phủ có thời điểm chưa coi trọng công tác ban hành, đôn đốc, kiểm tra văn bản, cụ thể hóa việc thực hiện pháp luật, không điều chỉnh các cơ quan chịu trách nhiệm; trong quá trình kiểm tra đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức và cá nhân thì không được nghiêm cho nên chậm. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo thêm nội dung các luật, nghị quyết của Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội phải hướng dẫn thì đến nay đã thực hiện đến đâu và giải pháp trong thời gian tới tổ chức thực hiện việc hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội tốt hơn”, ông Hà nói.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này để đánh giá hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các ngành để thực hiện công tác giám sát trong thời gian tới, đồng thời lấy đây làm kết quả thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm trong thời gian tiếp theo.
Thứ ba, đề nghị các cơ quan của Quốc hội cần chủ động thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua do Ủy ban thường vụ Quốc hội giao, khắc phục việc "thẩm tra chay", nể nang. Có thái độ kiên quyết hơn khi dự thảo luật không đảm bảo thì kiên quyết không trình ra kỳ họp Quốc hội.
ĐB Hà đề nghị: “Đối với Chính phủ, chúng tôi xin đề nghị cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực, có kiểm tra, xử lý trách nhiệm, báo cáo rõ qua việc quản lý nhà nước thời gian vừa qua không có văn bản hướng dẫn. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu có cơ sở cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ kiểm soát việc ban hành văn bản của các cơ quan thuộc quyền để khắc phục tình trạng ban hành văn bản chậm. Ban hành ngay quyết định về chương trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6”.
Ngọc Quang