Nhiều tỉnh, thành phố muốn môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn

14/02/2014 07:37
Xuân Trung
(GDVN) - Xuất phát từ tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ, tạo điều kiện cho Đề án Ngoại ngữ, nhiều Sở GD&ĐT đề nghị Bộ cho thi môn Ngoại ngữ là môn tự chọn.

Môn Ngoại ngữ không thể được coi là môn thi khuyến khích để được cộng điểm, lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT từ các tỉnh, thành phố đề nghị Bộ GD&ĐT đưa môn học này làm môn thi tự chọn.

Có nên miễn thi tốt nghiệp THPT 20% học sinh khá, giỏi? Ảnh minh họa Vnexpress.
Có nên miễn thi tốt nghiệp THPT 20% học sinh khá, giỏi? Ảnh minh họa Vnexpress.

Với dự kiến của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới môn Ngoại ngữ được xem là môn thi khuyến khích để cộng điểm; bài thi môn Ngoại ngữ được 9,0 điểm trở lên được cộng 2 điểm, đạt 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm, đạt 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm. Trong buổi thảo luận xin ý kiến từ các Sở, nhiều ý kiến cho rằng việc cộng điểm khuyến khích môn Ngoại ngữ có thể sẽ dẫn đến tình trạng học sinh miền núi ngày một tụt hậu về Ngoại ngữ.

Ngoại ngữ phải là môn tự chọn

Ông Nguyễn Tấn Thắng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, với phương án 4 môn thi, ông đồng ý đó là phương án “tập dượt” để giảm từ 4 môn còn 2 môn và bằng 0. Những ông đề nghị Bộ cần đưa môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn, trong đó  2 môn tự chọn phải có một môn tự nhiên và một  môn xã hội.

“Môn Ngoại ngữ không nên chuyển thành môn khuyến khích. Vì hiện nay đó là môn học bắt buộc, các tỉnh đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ. Trong năm qua, Quảng Nam chỉ có 2 trường xin thi thay thế môn tiếng Anh, tức là ngay cả Quảng Nam hiện nay cũng đã ổn định môn này. Không đưa Ngoại ngữ vào môn thi tự chọn sẽ làm ảnh hưởng đến quyết tâm triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu đối với học sinh” ông Thắng khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Minh Quân – Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, thực tế, hiện nay các tỉnh thành, các trường đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng môn Ngoại ngữ. Đó là chưa kể, nếu Ngoại ngữ là môn thi khuyến khích thì học sinh sẽ có tâm lý cứ đăng ký, khiến trường phải tổ chức phòng thi, nhưng đến lúc thi có thể các em không dự thi, sẽ gây lãng phí.

Ông Thái Văn Long - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau nêu quan điểm, nếu Bộ có phương án 4 môn thi thì môn Ngoại ngữ phải là tự chọn, không nên là môn khuyến khích, nếu coi đó là môn thi khuyến khích có thể thời gian thi kéo dài hơn, gây khó khăn cho việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp. 

Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa - Thiên Huế Phạm Văn Hùng đưa ra ý kiến bảo vệ quan điểm lấy môn Ngoại ngữ là môn tự chọn. Ông cho biết, có một khó khăn cho học sinh hiện nay là chỉ được học tự chọn các môn thi đại học chứ chưa được học môn tự chọn thi tốt nghiệp, nên có vẻ Bộ đề cập vấn đề 2 môn tự chọn là hơi vội. 

Điều khiến nhiều lãnh đạo các Sở băn khoăn là có nên đưa Ngoại ngữ thành môn tự chọn hay không? Ông Hùng khẳng định, lâu nay Bộ quy định môn này là môn bắt buộc trong chương trình học, hơn nữa chúng ta đang đẩy mạnh Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, vì thế phải  đưa Ngoại ngữ là môn tự chọn.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM. Ảnh Xuân Trung
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM. Ảnh Xuân Trung

“Chúng ta chưa đẩy mạnh được môn Ngoại ngữ thì ít nhất cũng phải giữ nhịp đi ngang chứ không nên đi xuống như thế (nếu đưa thành môn thi khuyến khích). Nếu chỉ là môn thi khuyến khích thì việc học ngoại ngữ sẽ chùng xuống” ông Hùng nói.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM đồng ý phương án điều chỉnh thi của Bộ, tuy nhiên ông Sơn cũng cho biết nếu học sinh được học tự chọn thì sẽ được thi tự chọn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. HCM mạnh dạn đề xuất trong 4 môn thi tốt nghiệp có thể có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, các tỉnh khó khăn có thể thay Ngoại ngữ bằng môn tự chọn. 

Có nhất thiết miễn thi 20% học sinh khá, giỏi?

Đây là câu hỏi khiến lãnh đạo các Sở, các tỉnh cũng đang băn khoăn. Ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi, miễn thi 20% mục đích ở đây là gì? Nếu để chuẩn bị cho việc tiến tới không thi tốt nghiệp thì đó là phương án đúng, nhưng nếu chỉ để gọn nhẹ, giảm tải thi cử thì không thực tế.

Theo ông Thắng, ở tỉnh Quảng Nam số học sinh ngày càng giảm, học sinh giảm việc tổ chức thi gọn nhẹ là đương nhiên, không cần miễn thi. Việc xây dựng các phương án miễn thi đều bất cập và với tỷ lệ dự kiến như Bộ đưa ra là 20% cho từng trường là không khả thi. Nếu theo tiêu chí của Bộ đối với tiêu chuẩn của học sinh Quảng Nam thì sẽ có chưa tới 20% học sinh được miễn thi.

“Nếu miễn thi đồng đều thì sẽ có sự mâu thuẫn giữa các trường ở miền núi, đồng bằng; miễn thi ở các mô hình trường công lập - ngoài công lập cũng không hợp lý. Các Sở sẽ mất quá nhiều thời gian để thực hiện việc miễn thi. Vì vậy, đề nghị Bộ chỉ giữ nguyên điều kiện miễn thi như quy định hiện hành” ông Thắng đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, mặc dù Bộ GD&ĐT đã phân tích nhiều về con số 20% nhưng tỉnh Nam Định vẫn còn băn khoăn. Ảnh Xuân Trung
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, mặc dù Bộ GD&ĐT đã phân tích nhiều về con số 20% nhưng tỉnh Nam Định vẫn còn băn khoăn. Ảnh Xuân Trung

Rất loay hoay về cách xác định tỷ lệ miễn thi 20% mà Bộ dự kiến áp dụng trong năm nay, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, mặc dù Bộ GD&ĐT đã phân tích nhiều về con số 20% nhưng tỉnh Nam Định vẫn còn băn khoăn. Vì việc xét miễn thi rất phức tạp, chưa kể tới các vấn đề khác kèm theo.

“Chúng ta đã từng phải bỏ chính sách tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp loại giỏi vào đại học. Kết quả đánh giá học sinh giữa các vùng miền, các trường, các giáo viên là khác nhau vì thế xét duyệt rất phức tạp, do đó không nên miễn thi 20%” ông Tuấn cho hay.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM tuy đồng ý với phương án điều chỉnh thi của Bộ, nhưng về tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp Bộ cần cân nhắc khống chế tỷ lệ miễn thi, vì đây là vấn đề khó thực hiện, Bộ nên đưa ra các tiêu chuẩn miễn thi. VD: Hạnh kiểm phải từ khá  trở lên, khuyến khích học sinh học giỏi cấp thành phố, quốc gia, các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Còn việc Bộ khống chế tỷ lệ 20% cho các tỉnh là rất khó thực hiện.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum - Nguyễn Sỹ Thư cũng bày tỏ, đổi mới thi như dự thảo của Bộ là cần thiết, làm cơ sở tác động mạnh mẽ đến sự đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường. 

Ông Thư đồng ý với phương án miễn thi tốt nghiệp với tỷ lệ 20%. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT giao cho các trường quyết định số học sinh được miễn thi sẽ không công bằng, vì học sinh khá giỏi của trường này chỉ tương đương học sinh trung bình của trường kia. 

“Bộ hãy giao cho các Sở xây dựng tiêu chí miễn thi cho học sinh tỉnh đó, không xác định tỷ lệ miễn thi của từng trường. Chỉ thành lập hội đồng xét miễn thi của tỉnh, không thành lập ở các trường. Hội đồng gồm Hiệu trưởng của tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Điều này sẽ bảo đảm được công bằng, tránh được bệnh thành tích trong miễn thi ở các trường, bảo đảm giám sát đúng” ông Thư đề xuất.

Bà Vũ Thị Bích Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng cho hay, phương án miễn thi cần cân nhắc, bà Việt đề cập tới việc tại tỉnh Tuyên Quang tuyển dụng nhân sự tại tỉnh, kinh nghiệm cho thấy khi có chính sách ưu tiên sinh viên giỏi thì ngay lập tức sẽ có hàng trăm sinh viên đạt loại giỏi, trong khi năm trước chỉ có chục em, hoàn toàn có thể có việc “làm điểm” ở các trường. Vì thế có thể không cần miễn thi 20%, mà chỉ nên áp dụng chính sách cộng điểm khuyến khích cho các em như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, tất cả những ý kiến này sẽ được Bộ họp với các Vụ, Cục để đi đến thống nhất trong thời gian sớm nhất.
Xuân Trung