Ai đang làm giả hàng loạt công văn của Cục Trồng trọt?

09/05/2014 09:28
Duy Phong - Minh Độ
(GDVN)- Không chỉ dừng lại ở 35.000 lít phân bón, mới đây còn xuất hiện thêm 02 văn bản trùng số và số lượng phân bón cực kỳ “khủng” đã được phép nhập khẩu về Việt Nam.

Dần lộ nguyên hình đường dây nhập phân bón trái phép

Phúc đáp Công văn số 01/2011 ngày 20/12/2011 của Công ty TNHH Hóa chất Ý Mỹ (217 Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) về việc đăng ký vào Danh mục loại phân bón NPK, phân trung vi lượng, ngày 13/1/2012, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có Công văn số 67/TT-ĐPM về việc hướng dẫn Công ty Hóa chất Ý Mỹ đăng ký vào danh mục phân NPK, trung vi lượng. Theo đó, Cục Trồng trọt cho phép Công ty Hóa chất Ý Mỹ được quyền sản xuất, kinh doanh (10 loại) theo nhu cầu, trên bao bì ghi rõ “phân bón rễ”…

Một trong hai văn bản trùng số 67/TT-ĐPB đã cho phép DN nhập khẩu tới 130 tấn phân bón về nước để... khảo nghiệm (?!).
Một trong hai văn bản trùng số 67/TT-ĐPB đã cho phép DN nhập khẩu tới 130 tấn phân bón về nước để... khảo nghiệm (?!).

Tuy nhiên, trước đó 01 ngày (12/1/2012), lại xuất hiện thêm 01 văn bản có số trùng với văn bản trên nhưng nội dung lại hoàn toàn khác nhau. Công văn số 67/TT-ĐPB ngày 12/01/2012 ghi rõ do Cục Trồng trọt phát hành, Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc ký và gửi Công ty TNHH Prathista Tram Agri-Tech. Điều bất ngờ, Công văn này lại cho phép một doanh nghiệp nhập khẩu tới 130 tấn phân bón về để… khảo nghiệm.

Nội dung Công văn số 67/TT-ĐPB ngày 12/01/2012 ghi rõ: Phúc đáp Văn bản ngày 06/1/2012 của Công ty về việc đăng ký nhập khẩu 07 loại phân bón có xuất xứ từ Ấn Độ để phục vụ công tác khảo nghiệm, Cục Trồng trọt có ý kiến như sau: Đồng ý cho công ty được nhập khẩu 07 loại phân bón để khảo nghiệm với tên, thành phần, hàm lượng các chất đăng ký… Thời hạn nhập khẩu tới ngày 31/12/2014. Cửa khẩu nhập: TP.Hồ Chí Minh. Đơn vị khảo nghiệm: Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó CVP Cục Trồng trọt khẳng định: Cục không phát hành Văn bản số 67/TT-ĐPB cho phép DN nhập 160 tấn phân bón từ Ấn Độ về khảo nghiệm. Ảnh: Minh Độ
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó CVP Cục Trồng trọt khẳng định: Cục không phát hành Văn bản số 67/TT-ĐPB cho phép DN nhập 160 tấn phân bón từ Ấn Độ về khảo nghiệm. Ảnh: Minh Độ

Liên quan đến sự việc trên, ngày 08/5/2014, đại diện Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Cục Trồng trọt. Tại đây, sau khi xem các tài liệu do Báo Giáo dục Việt Nam cung cấp, đại diện Cục Trồng trọt khẳng định trong hồ sơ lưu trữ, công văn đến, đi của Cục không có Công văn số 67/TT-ĐPB ngày 12/1/2012 cho phép DN nhập khẩu 160 tấn phân bón về nước để... khảo nghiệm.

Nếu có dấu hiệu làm giả văn bản để trục lợi, Cục Trồng trọt sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc"- đại diện Cục Trồng trọt.

Tại đây, Cục trồng trọt cũng thông báo, Cục đã có Văn bản gửi sang Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đề nghị cung cấp thông tin về các lô hàng được nhập khẩu về Việt Nam bằng các văn bản giả nói trên. Hiện nay, phía Tổng Cục Hải quan vẫn chưa có văn bản hồi đáp Cục Trồng trọt.

Cũng tại buổi làm việc với Báo Giáo dục Việt Nam, đại diện Cục Trồng trọt  khẳng định sẽ hoàn thiện hồ sơ, nếu có dấu hiệu làm giả các văn bản của Cục để trục lợi, phía Cục Trồng trọt sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc.

Nhận định ban đầu của Cục Trồng trọt thì, khó có trường hợp cán bộ trong Cục làm giả những văn bản trên vì "rất sơ sài, cẩu thả" mà có thể là ở các đơn vị sự nghiệp hoặc phía doanh nghiệp. 

Ngày 08/5, đại diện Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi làm việc với các phòng, ban của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn). Ảnh: Minh Độ.
Ngày 08/5, đại diện Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi làm việc với các phòng, ban của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn). Ảnh: Minh Độ.

165 tấn phân bón đi đâu?

Trước đó, như Báo Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ngày 08/12/2011, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc ký Văn bản số 2096/TT-ĐPB gửi Công ty TNHH MTV Thanh Khải với nội dung: Phúc đáp văn bản ngày 30/11/2011 của Công ty vào việc đăng ký vào danh mục phân bón NPK. Theo đó, Cục Trồng trọt có ý kiến loại phân bón sản xuất của Công ty có thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng thuộc nhóm phân bón NPK bón rễ…

Tuy nhiên, ngày 30/11/2011, lại xuất hiện thêm Văn bản số 2096/TT-ĐPB cũng ghi rõ do Cục Trồng trọt phát hành, Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc ký gửi Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm (2695/14/3/6 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) có nội dung: Phúc đáp Văn bản ngày 24/11/2011 của Công ty về việc đăng ký nhập khẩu 7 loại phân bón có xuất xứ từ Ấn Độ để phục vụ công tác khảo nghiệm. Theo đó, Cục Trồng trọt có ý kiến đồng ý cho Công ty được nhập khẩu 7 loại phân bón nói trên. Số lượng của 7 loại phân bón được phép nhập khẩu từ Ấn Độ về nước là 35.000 lít.

Ngay sau khi phản ánh, đại diện Cục Trồng trọt đã đến làm việc với Báo Giáo dục Việt Nam. Văn phòng Cục Trồng trọt cho rằng, Văn bản 2096/TT-ĐPB ngày 08/12/2011 do Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc ký gửi Công ty TNHH MTV Thanh Khải được lưu tại hồ sơ gốc của văn thư Cục có lăn số, ngày tháng bằng bộ lăn số của Văn thư Cục là đúng.

Còn văn bản số 2096/TT-ĐPB ngày 30/11/2011 về việc đăng ký nhập khẩu 7 loại phân bón từ Ấn Độ để phục vụ công tác khảo nghiệm gửi Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm có 1 một số điểm khác biệt không đúng như: Văn bản không được lăn số chuyên dụng, bố cục văn bản không hợp lý, không theo mẫu về chứng nhận đăng ký khảo nghiệm phân bón…

Văn phòng Cục khẳng định Văn bản số 2096/TT-ĐPB ngày 30/11/2011, có chữ ký của Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc ký về việc đăng ký nhập khẩu 7 loại phân bón từ Ấn Độ để phục vụ công tác khảo nghiệm gửi Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Prathista Trâm là không do Cục phát hành, không có trong hệ thống phát hành văn bản tháng 11/2011 và không có trong hồ sơ “một cửa” xuất nhập khẩu phân bón tháng 11/2011.

Thông thường, các loại phân bón được phép nhập khẩu về Việt Nam để khảo nghiệm chỉ khoảng 50 lít/loại phân bón, tuy nhiên với 02 công văn nói trên, doanh nghiệp đã nhập khẩu về Việt Nam 165 nghìn lít (165 tấn) phân bón. Một con số “khủng”, gấp hàng trăm lần lượng phân bón khảo nghiệm, vậy số phân bón còn lại đã đi đâu? Hậu quả để lại với đồng đất và người nông dân nước ta như thế nào? Trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp ở đâu?

Đã đến lúc Cục Trồng trọt cần phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ sự việc, ngăn chặn hậu quả khôn lường từ những công văn “nhân bản” trên.

Năm 2013, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lấy 11 mẫu sản phẩm phân bón kiểm tra ở 3 tỉnh thì có tới 51,3% mẫu không đạt yêu cầu về một hoặc một số chỉ tiêu chất lượng so với công bố trên nhãn. Miền Trung tiêu thụ phân bón không nhiều bằng một số địa bàn khác nhưng việc kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn diễn ra. Tính cả quý I/2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 88 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1,26 tỷ đồng, tịch thu 88.642kg, 153 lọ, chai, trị giá hơn 183 triệu đồng, với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; phân bón quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục được phép kinh doanh; phân bón nhập lậu. Trong năm 2013, 1.483 vụ vi phạm cũng đã bị xử lý (tăng 31% so với năm 2012), phạt hành chính 14,5 tỷ đồng, tịch thu hơn 813,8 tấn, 11.830 gói và 1.165 chai phân bón các loại.

Duy Phong - Minh Độ