Nguồn sức mạnh nào chiến thắng sự xâm lược của Trung Quốc?

14/05/2014 07:15
Ngọc Quang
(GDVN)- Ý chí chính trị và sự đồng thuận của toàn dân là hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh đi đến thành công trong cuộc đấu tranh.

Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Bá Diến – Chủ nhiệm bộ môn Luật quốc tế ĐHQG Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu biển và hải đảo tại lễ tiếp nhận bộ Atlas Thế giới, Bruxelles – 1827 khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đánh giá về bộ Atlas thế giới, Bruxelles – 1827, PGS Diến nhận định, đây là bằng chứng quan trọng khẳng định vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ của nước ta tại hai quần đảo này, nó bổ sung thêm vào kho chứng cứ khổng lồ trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng thêm một lần nữa bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Một lần nữa những tấm bản đồ này gián tiếp lên án hành vi của Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa bằng vũ lực là trái với với luật pháp quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Bá Diến: Việt Nam cần sử dụng con đường pháp lý, đưa những hành vi sai trái của Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tòa án quốc tế. Ảnh: Minh Độ.
PGS.TS Nguyễn Bá Diến: Việt Nam cần sử dụng con đường pháp lý, đưa những hành vi sai trái của Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tòa án quốc tế. Ảnh: Minh Độ.

PGS Diễn nhấn mạnh: “Việt Nam cần sử dụng những bằng chứng xác thực này để đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, vì bộ Atlas trên đảm bảo tính khách quan, chính xác, được lập bởi bên thứ ba là nhà địa lý Philippe Vandermaelen từ những năm đầu thế kỷ XIX. Những chứng cứ này cũng góp phần khẳng định chắc chắn chủ quyền của Việt Nam, phản bác yêu sách, tham vọng phi lý của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; phản bác, lên án hành động xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hơn 40 năm nay và đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Bá Diến, đây chỉ là một trong muôn vàn bộ chứng cứ khổng lồ của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển khác trên khu vực biển Đông. Việt Nam có thể sử dụng những tấm bản đồ này như là những bằng chứng để đưa ra các tổ chức quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế, lên án hành động sai trái của Trung Quốc.

PGS Diến nêu quan điểm, trong tình hình Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế và những cam kết với tư cách là thành viên của DOC, con đường duy nhất mà Việt Nam phải sử dụng đó là đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tòa án quốc tế với rất nhiều các bằng chứng lịch sử chứng minh một cách chắc chắn chủ quyền của nước ta với hai quần Đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  - ông Nguyễn Bắc Son:

“Việc tiếp nhận bộ Atlas Thế giới, Bruxelles – 1827 thêm một lần khẳng định vững chắc chủ quyền tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc công bố bộ Atlas Thế giới, Bruxelles – 1827 trùng với diễn biến mới trên biển Đông chứ không phải vì Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta thì mới công bố. Qua bộ Atlas này sẽ góp phần để bạn bè quốc tế hiểu thêm ý nghĩa đấu tranh của Việt Nam.

Mọi người yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì đều tuân thủ luật pháp quốc tế. Những gì Việt Nam đang làm cũng là thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế, do đó chúng ta tin tưởng rằng bạn bè quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này”.

“Đất đai lãnh thổ rất thiêng liêng, vô giá, vì vậy đấu tranh bằng ngoại giao chỉ là một kênh, nếu không hiệu quả thì Việt Nam có thể đưa vụ việc ra trước Liên Hợp Quốc và bất kỳ cơ quan tài phán quốc tế nào như Tòa án Luật Biển, Trọng Tài theo phụ lục 7 Công ước Luật Biển 1982, Trọng Tài Đặc Biệt theo mục 8 Công ước 1982", PGS Diến nói.

Đánh giá về quan điểm thẳng thắn của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao Asean 24 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Bá Diễn nhận định, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố về sự xâm phạm của Trung Quốc tại hội nghị này là hết sức cần thiết và đúng thời điểm. Điều đó thể hiện sự đại diện cho đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam với ý chí phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 tại vùng biển Việt Nam, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp nhận bộ Atlas Thế giới, Bruxelles – 1827, trong đó có nhiều nội dung quan trọng chứng minh chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Minh Độ.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp nhận bộ Atlas Thế giới, Bruxelles – 1827, trong đó có nhiều nội dung quan trọng chứng minh chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Minh Độ.

Thái độ ôn hòa của Việt Nam được thể hiện rất rõ trong những ngày đấu tranh với hành vi sai trái của Trung Quốc. Đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, cam kết tuân thủ các nguyên tắc để bảo vệ hòa bình, được thể hiện trong Luật biển 1982, trong tuyên bố DOC mà Trung Quốc đã tham gia với tư cách là một thành viên đã cam kết.

“Chắc chắn rằng, nhân dân Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ dùng tất cả mọi biện pháp, mọi sức lực trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trước sự xâm lấn từ bên ngoài.

Cả hệ thống chính trị, cả dân tộc sẽ vào cuộc để tạo nên sức mạnh lên án hành vi sai trái của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan HD981. Ý chí chính trị, cộng với sự đồng thuận của toàn dân là hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh đi đến thành công trong cuộc đấu tranh này”, PGS Diến nhấn mạnh.

Ngọc Quang