8 cây muỗm nghìn tuổi ở Thủ đô chết vì đói, khát và thuốc...mối?

16/03/2015 07:45
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Dù Phó Chủ tịch Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn đã có chỉ đạo làm rõ có hay không việc 8 cây muỗm gần nghìn tuổi chết đói, chết khát, chết vì nhiễm độc, nhưng...

Vừa qua, Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh từ một cựu quan chức về việc 8 cây muỗm có tuổi thọ gần 1.000 năm tuổi ở đền Voi Phục (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) bị bức tử, chết vì đói, khát và bị nhiễm độc thuốc mối.

Đáng chú ý, đó là 8 trong số 9 cây được công nhận là cây di sản đầu tiên của Việt Nam và chúng chết dần chết mòn đúng vào thời điểm Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Voi Phục – dự án trị giá gần 17 tỷ đồng.

Trong quá trình tìm hiểu thực hư sự việc, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với một vị lãnh đạo Hà Nội - Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Lê Hồng Sơn. Sau khi nhận được phản ánh, ông Sơn cảm ơn Báo Giáo dục Việt Nam đã quan tâm đến sự phát triển của thủ đô đồng thời cho biết, ông đã chỉ đạo Bí thư quận Tây Hồ Trần Huy Sáng - Bí thư quận ủy đầu tiên của Hà Nội được đại hội bầu trực tiếp – làm rõ sự việc và trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, ông Sơn cho biết, ông cũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Phúc Quang phối hợp với báo chí tìm hiểu, làm rõ sự việc.

Đá bóng trách nhiệm?

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Đảng ủy xã Hồng Minh và xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên)- Ảnh: HNM
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Đảng ủy xã Hồng Minh và xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên)- Ảnh: HNM

Được sự giới thiệu của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Phúc Quang, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Chánh văn phòng quận Lê Trung Đức. Lấy lí do bận công tác, ông Đức giới thiệu phóng viên liên hệ Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đinh Trọng Sơn – người phục trách lĩnh vực văn hóa để tìm hiểu thông tin.

Ngày 12/3, theo đúng lịch hẹn, chúng tôi tới UBND quận Tây Hồ để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, tại đây chúng tôi chỉ được gặp một nhân viên thuộc phòng văn hóa – thông tin của quận. Nữ nhân viên này cho biết ông Đinh Trọng Sơn có lịch tiếp dân “đột xuất” đồng thời khẳng định chị không thể thay mặt lãnh đạo quận phát ngôn trước báo chí.

8 cây muỗm nghìn tuổi ở Thủ đô chết vì đói, khát và thuốc...mối? ảnh 2Chi cục muốn "đè ngửa" thi hành, Phó Chủ tịch huyện bảo tạm dừng!

(GDVN) - Là phân trần của ông Đỗ Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiền Hải khi nói về vụ án bị "ngâm" nhiều năm.

Khi phóng viên hỏi về nơi đồng chí Sơn tiếp dân, nữ nhân viên cho hay chị cũng không rõ. Do chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, chúng tôi tiếp tục liên hệ lại với ông Sơn, vị phó chủ tịch quận này cho hay: “Tôi đang bận, có gì các anh chị cứ trao đổi qua chị H., tôi sẽ trả lời bằng văn bản”.

Đáng nói, trên lịch công tác tuần của phòng văn hóa – thông tin của quận này có ghi rõ phòng sẽ cùng với Phó Chủ tịch Đinh Trọng Sơn làm việc với báo chí về một số nội dung liên quan tới đền Voi Phục vào chiều 12/3. Có một điều chắc chắn, sự im lặng đến khó hiểu của lãnh đạo quận Tây Hồ không thể làm mọi việc chìm vào quên lãng.

Tạm gác lại câu chuyện về sự “im lặng” đằng đẵng không chỉ trong một vài ngày qua của lãnh đạo quận Tây Hồ, tại buổi làm việc trên, chúng tôi được nhân viên phòng văn hóa thông tin của quận cung cấp cho một số tài liệu liên quan tới việc chặt hạ cây di sản ở đền Voi Phục. Trong đó gồm tờ trình đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho phép tiếp tục đánh gốc 2 cây muỗm đã chết còn lại ở đền Voi Phục và kết luận của Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – TS Nguyễn Ngọc Sinh về bệnh tình của các cây di sản đã chết – cơ sở để UBND quận khẳng định họ đã làm đúng.

Ngoài ra, nhân viên này từ chối cung cấp bất kỳ văn bản, thông tin nào khác liên quan tới dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Voi Phục. Hẳn nhiều độc giả cũng sẽ có chung sự tò mò như phóng viên về việc: trong kế hoạch triển khai dự án trị giá gần 17 tỷ đồng này, có câu chữ nào, phần kinh phí nào dành riêng cho việc chăm sóc, bảo vệ các cây di sản ở đền hay không?!

Một nửa sự thật không thể là sự thật!

1 trong 8 cây muỗm chết "tức tưởi" ở đền Voi Phục (Ảnh: Phong Nguyên)
1 trong 8 cây muỗm chết "tức tưởi" ở đền Voi Phục (Ảnh: Phong Nguyên)

Theo văn bản mà chúng tôi nhận được, nhân dịp kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, 9 cây muỗm đền Voi Phục (phường Thụy Khuê) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – một tổ chức xã hội tự nguyện căn cứ theo các tiêu chí riêng của Hội về tiêu chí Cây di sản công nhận và vinh danh 9 cây di sản đền Voi Phục là “Cây di sản Việt Nam”.

Thế nhưng sau 4 năm được công nhận, đến nay 8 cây trong tổng số 9 cây muỗm này đã chết. Ngày 31/10/2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND quận Tây Hồ báo cáo về việc chặt hạ các cây di sản này.

Đến ngày 29/1 vừa qua, trong công văn gửi Sở, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ lý giải: Do tuổi đời của các cây đã cao, trước thời điểm thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Voi Phục, 7 cây muỗm tại đây đã được các chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xác định có hiện tượng bị sâu đục thân, mắc nhiều loại nấm.

Khi đó, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo UBND phường Thụy Khuê, tiểu ban quản lý di tích đền Voi Phục mời các chuyên gia lâm nghiệp trong và ngoài nước về chữa trị bằng nguồn vốn xã hội hóa.

“Nhưng do cây bị sâu bệnh nặng nên vẫn không thể chữa trị được và đã chết. Để đảm bảo an toàn cho người qua lại và di tích trong mùa mưa bão, UBND quận đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng xem xét và kịp thời có biện pháp xử lý, tổ chức chặt hạ”, văn bản nêu rõ.

Được biết, từ 2013 đến nay, Sở Xây dựng đã có 3 quyết định về việc chặt hạ cây xanh với 3 đợt chặt hạ và tổng số 7 cây muỗm đã chết được chặt hạ từ 2013 – 2014. Đến nay, họ đã đánh 5/7 gốc muỗm tại đền Voi Phục.

Thời gian gần đây, do sự vào cuộc quyết liệt của một số cơ quan báo chí, được biết vào tháng 10/2014, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Nội đã có chỉ  đạo UBND quận và một số đơn vị tạm ngừng việc đánh các gốc cây đã chết để làm rõ sự việc.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 29/1, bất chấp phản ứng từ báo chí, dư luận xã hội, UBND quận Tây Hồ lại tiếp tục có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chấp thuận nguyện vọng đánh nốt 2 gốc cây đã sâu hỏng với lý do: “để đảm bảo cảnh quan của di tích nhân dịp đầu xuân mới Ất Mùi và để họ còn xử lý cải tạo đất, trồng cây thay thế”.

Cũng theo văn bản gửi Sở trên, ông Đinh Trọng Sơn khẳng định: “UBND quận Tây Hồ đã tuân thủ và thực hiện đúng các quy trình quản lý nhà nước về quản lý hệ thống cây xanh đô thị liên quan đến chặt hạ các cây muỗm ở đền Voi Phục”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, những gì mà vị Phó Chủ tịch UBND quận cho biết mới chỉ là…một nửa sự thật. Liệu đó có phải là một trong những lý do khiến vị lãnh đạo này khăng khăng “đòi” trả lời bằng văn bản?

Kỳ sau: Vì sao 8 cây muỗm nghìn năm tuổi chết “tức tưởi”?

PHONG NGUYÊN