Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực của IPU

19/03/2015 13:04
Ngọc Quang
(GDVN) - Việc tổ chức Đại hội đồng IPU – 132 nhằm mục đích tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế.

Ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định thông tin này tại buổi họp báo “Công bố chương trình và nội dung Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132” tổ chức sáng nay (19/3) tại tòa nhà Quốc hội.

Theo ông Hằng, tính đến ngày 19/3, Ban tổ chức IPU – 132 của Việt Nam đã nhận được khẳng định tha gia của hơn 160 đoàn quốc tế, với hơn 700 nghị sĩ trong số 1.600 đại biểu quốc tế; trong số này có khoảng 45 vị Chủ tịch Quốc hội, 50 vị Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (trái) khẳng định, tổ chức IPU - 132 là một sự kiện ngoại giao quan trọng của Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (trái) khẳng định, tổ chức IPU - 132 là một sự kiện ngoại giao quan trọng của Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.

IPU thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện và nghị sĩ từ tất cả các nước

Được thành lập năm 1989 tại Pa-ri và có trụ sở tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Liên minh nghị viện thế giới là một tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 166 thành viên và 10 thành viên liên kết, IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và Nghị viện các nước.

Mục tiêu của IPU là thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện và nghị sĩ từ tất cả các nước; Tham vấn các vấn đề về lợi ích quốc tế và bày tỏ quan điểm về từng vấn đề với mục tiêu đề xuất hành động đối với các Nghị viện và các thành viên; Đóng góp vào việc bảo vệ và nâng cao nhân quyền trên toàn thế giới, một yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển; Đóng góp cho việc nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị.

IPU giữ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên minh nghị viện khu vực cũng như các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ khác.

Các chương trình và hoạt động của IPU tập trung vào 3 lĩnh vực chính.

Tăng cường nền dân chủ đại diện: Xây dựng các tiêu chuẩn và nguyên tắc cho Nghị viện các quốc gia thành viên; Tăng cường các thể chế đại diện; Thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ quyền của các Nghị sĩ; Tạo lập mối quan hệ đối tác giữa nam giới và nữ giới trong chính trị; Quảng bá thông tin và hiểu biết về các Nghị viện; Ngày Dân chủ quốc tế; Báo cáo Nghị viện toàn cầu; Định hướng Nghị viện và dân chủ trong thế kỷ 21.

Thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu: Đẩy mạnh giải trừ quân bị; Góp phần giải quyết các cuộc nội chiến thông qua đàm phán hòa bình; An ninh và hợp tác khu vực Địa Trung Hải.

Đẩy mạnh phát triển bền vững: Phát triển kinh tế xã hội; Gìn giữ môi trường.

Kể từ khi Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được kết nạp làm thành viên của IPU (tháng 4/1979), Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này.

Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của Việt Nam; tham khảo quan điểm của các nước về các vấn đề quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Đây cũng là nơi Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương và nhóm Asean + 3 trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU (2006, 2010).

Tại kỳ họp Đại hội đồng IPU tháng 10/2007, lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành IPU. Đặc biệt, việc đại diện của Quốc hội Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch IPU năm 2009 đã đóng góp trực tiếp và thiết thực hơn vào hoạt động của IPU.

Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường. Đại hội đồng lần thứ 128 đã thông qua Nghị quyết về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 132 tại Hà Nội vào tháng 3/2015, thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Đại hội đồng IPU – 132 sẽ thảo luận chủ đề chung là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, và dự kiến sẽ thông qua các dự thảo Nghị quyết cụ thể như:

Thứ nhất, Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế (Nghị quyết chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu).

Thứ hai, Ủy ban Thường trực về phát triển bền vững, tài chính và thương mại (Nghị quyết định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước).

Thứ ba, Ủy ban Thường trực về dân chủ và nhân quyền (Nghị quyết về luật phát quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người).

Thứ tư, Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp.

Ngoài ra còn có báo cáo của các Ủy ban thường trực và các diễn đàn khác. Song song với các cuộc họp của Đại hội đồng thì Hiệp hội các Tổng thư ký (ASGP) cũng nhóm họp thảo luận về các chủ đề: “Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc hoạt động hiệu quả”do Văn phòng Quốc hội Việt Nam đề xuất; “Vận động hành lang và các nhóm lợi ích: Một khía cạnh khác của quy trình lập pháp” do Phi-lip-pin đề xuất; nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn công tác phục vụ nghị viện, điều kiện đảm bảo để triển khai nghị quyết của IPU tại các nghị viện thành viên.

Hà Nội đã sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế đến dự sự kiện IPU - 132. ảnh: TNO.
Hà Nội đã sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế đến dự sự kiện IPU - 132. ảnh: TNO.

IPU – 132 là điểm nhấn quan hệ ngoại giao của Việt Nam

Đối với IPU và chương trình hành động của liên minh, năm 2005 là năm bản kề quan trọng để cộng đồng quốc tế cùng tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). IPU đang tích cực vận động, điều chỉnh về tổ chức và chiến lược hoạt động để đáp ứng hiệu quả hơn những mong muốn ngày càng sâu sắc của nhân dân thế giới. Nhiều nội dung nghị sự về an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, khí hậu – môi trường… cần được xem xét, điều phối, hợp tác trên quy mô toàn cầu và phải có sự thảo luận sâu rộng, trong đó tiếng nói của các nghị viện đóng vai trò quyết định và thiết thực.

Đối với Việt Nam, việc tổ chức Đại hội đồng IPU – 132 nhằm mục đích tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, toàn cầu như: hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững, tăng cường quảng bá với các nước trên thế giới về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Thành công của việc tổ chức IPU – 132 sẽ tạo đà thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Việt Nam cũng như của Việt Nam ra các nước.

Việc Việt Nam được chọn tổ chức Đại hội đồng IPU – 132 và các hội nghị liên quan trong năm 2015 là thắng lợi quan trọng của ngoại giao nghị viện Việt Nam nói riêng, ngoại giao Việt Nam nói chung, thể hiện đường lối đối ngoại tích cực, chủ động do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.

Sự kiện này là một điểm nhấn quan trọng trong nền ngoại giao nghị viện nước nhà, là dịp để Việt Nam và các Đại biểu Quốc hội Việt Nam củng cố và phát triển quan hệ đối ngoại song phương với những đối tác quan trọng, các Nghị viện thành viên IPU và những đối tác mà Việt Nam ít có dịp tiếp xúc.

Năm 2015 là năm then chốt thực hiện nhiệm vụ Đại hội Đảng XI, chuẩn bị cho Đại hội XII; là năm bản lề của Việt Nam đánh giá 5 năm triển khai Cương lĩnh Đại hội Đảng XI, trong đó có chủ trương đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”…

Năm 2015 cũng là thời điểm Việt Nam có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại, có ý nghĩa lịch sử như: Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, phải đối diện với vô vàn khó khăn nhưng đang vươn mình mạnh mẽ. Đại hội IPU – 132 sẽ là dịp để nghị sĩ các nước đánh giá kết quả thực hiện MDGs mà các thành viên Liên Hợp Quốc đã trọng thể cam kết từ năm 2000 là nội dung mang tính trọng tâm nhất, thu hút nhiều sự quan tâm nhất của hầu hết các nghị sĩ đến từ các quốc gia.

Đồng thời, Đại hội đồng IPU – 132 tổ chức ở Việt Nam trong những ngày đầu xuân Ất Mùi còn là dịp để nhân dân và Quốc hội Việt Nam bày tỏ tình hữu nghị, đoàn kết với nhân dân và các vị lãnh đạo Quốc hội khắp các châu lục.

Ngọc Quang