Việt Nam chú trọng đến phụ nữ và trẻ em vùng sâu, vùng xa

01/04/2015 06:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Bà Trương Thị Mai: "Việt Nam cũng là một trong số nước đứng đầu bảng liên quan đến mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em".

Hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

Ngày 31/3, Ủy ban Thường trực về Dân Chủ và Nhân quyền đã thảo luận về thực hiện Nghị quyết năm 2012 của IPU về “Quyền cơ bản về tiếp cận y tế - vai trò của quốc hội trong việc giải quyết những thách thức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em”.

Nghị quyết của IPU về "Quyền cơ bản về tiếp cận y tế - vai trò của quốc hội trong việc giải quyết những thách thức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em" được thông qua tại Đại hội đồng IPU-126 năm 2012. Nghị quyết kêu gọi nghị sỹ và các nghị viện IPU đưa ra những chính sách và triển khai nguồn lực cần thiết để thực hiện 2 trong 8 Mục tiêu thiên niên kỷ là: Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và Cải thiện sức khỏe bà mẹ. Cụ thể, giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở bà mẹ vào năm 2015, đồng thời phổ cập chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Các Nghị sĩ IPU - 132 thảo luận quyền tiếp cận y tế, sức khỏe bà mẹ trẻ em. ảnh: ipu việt nam.
Các Nghị sĩ IPU - 132 thảo luận quyền tiếp cận y tế, sức khỏe bà mẹ trẻ em. ảnh: ipu việt nam.

Tại buổi thảo luận, đại diện các nước Chi Lê, Bangladesh, Uganda và Rwanda chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Bà Betty Amnongi đến từ Uganda cho biết, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở nước này đã giảm dáng kể từ 178/1.000 trẻ năm 1990 xuống còn 69/1.000 trẻ vào năm 2012 và đang tiến tới Mục tiêu thiên niên kỷ của nước này là giảm còn 59/1.000 trẻ sơ sinh tử vong vào năm nay.

Bà Betty Amnongi nói: “Chúng tôi đặt ưu tiên cho vấn đề cải cách chính trị và ngân sách. Theo đó, thực hiện những chính sách tài chính minh bạch và hiệu quả không chỉ nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em mà chúng tôi cũng tăng cường các chính sách về chống HIV/AIDS để bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương nhất là bà mẹ và trẻ em. Uganđa đã có luật kiểm soát thuốc lá, khi rất nhiều phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của khói thuốc, trong đó nhiều trường hợp đã tử vong. Phụ nữ tại Uganda được chăm sóc không chỉ tại các bệnh viện của chính phủ mà, mà tại tất cả những cơ sở y tế trên cả nước. Uganđa cũng có những chương trình để khuyến khích các bác sĩ tới làm việc tại các vùng nông thôn”.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong 2 mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện sức khỏe bà mẹ, song nhiều nghiên cứu cho thấy: Hiện mỗi ngày trên toàn thế giới có tới 1.500 phụ nữ tử vong do các biến chứng trong lúc mang thai và khi sinh. Riêng trong năm 2002, số bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong đã làm tổn thất 15 tỷ USD. Đến nay, mặc dù tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em đã giảm đáng kể so với những năm 2000, nhưng thế giới vẫn mất 287.000 phụ nữ trong năm 2010 và 6,9 triệu trẻ em trong 2011.

Việt Nam đang làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

Nói về những nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm sóc bà mẹ, trẻ em, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Viêt Nam, cho biết: "Đối với Việt Nam, đánh giá lại mục tiêu thiên niên kỷ về lĩnh vực này thì chúng ta đã hoàn thành và trong khu vực. Việt Nam cũng là một trong số nước đứng đầu bảng liên quan đến mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em".

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam. ảnh: Xuân Hải.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam. ảnh: Xuân Hải.

Theo bà Trương Thị Mai, để đạt được mục tiêu bền vững sau năm 2015 đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thì Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt, đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng dân tộc ít người... Ngoài ra, những khuyến nghị từ hội nghị này có thể là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, lắng nghe những khuyến nghị của thế giới và chúng ta cũng phải lựa chọn những mục tiêu phù hợp với Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng: Những tiến bộ đạt được trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em thời gian qua tuy có tiến bộ, nhưng kết quả này đang bị đe dọa bởi những thách thức như: Xung đột, biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng và di cư. Nếu chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em không được quan tâm nhiều trong thời gian tới, sẽ tác động tiêu cực đối với sự phát triển chung của các quốc gia.

Ông Regis Akitaya đến từ quốc đảo Palau kiến nghị:“Vấn đề thúc đẩy chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em là vấn đề không của riêng ai mà là của tất cả các quốc gia. Tôi cho rằng, việc đảm bảo để tất cả phụ nữ và trẻ em tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản là rất khó khăn và với các nước lớn có đông dân số thì đây là thách thức lớn. Thông điệp của tôi là, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa và có hành động pháp lý hơn nữa để giải quyết những thác thức còn tồn tại. Nhà lập pháp tại tất cả các nước cần phải tiếp tục nỗ lực hiện nay và triển khai nguồn ngân sách hiệu quả cho vấn đề chăm sóc y tế ”.

Trong khi đó, bà Libby Davies, nghị viên của Canada nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong việc đưa trách nhiệm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em vào các quy định của pháp luật. Bà Libby Davies cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan Chính phủ mà còn của từng thành viên trong cộng đồng.

Bầu Phó Chủ tịch Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện

Sáng 31/3, Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã tiến hành bầu Phó Chủ tịch.

Danh sách ứng viên được đưa ra gồm ông Abdulla Moqbul (Bangladesh), ông Shumsher K.Sheriff (Ấn Độ), ông Ayad Namik Majid (Iraq) và ông Philippe Schwab (Thụy Sĩ). Kết quả, theo bà Doris Katai Katebe, Chủ tịch ASGP, ông Philippe Schwab đã trúng cử với số phiếu đạt trên 50%.

Các đại biểu bỏ phiếu tại Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP). ảnh: ipu việt nam
Các đại biểu bỏ phiếu tại Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP). ảnh: ipu việt nam

ASGP là cơ quan tham vấn của IPU. Mục tiêu hoạt động của ASGP nhằm trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các Ban Thư ký Nghị viện và tăng cường quan hệ công tác giữa các Tổng Thư ký Nghị viện, kể cả các Nghị viện không phải là thành viên của IPU. Hệ thống thành viên của ASGP độc lập với IPU, bao gồm Tổng Thư ký và Phó Tổng thư ký của các Nghị viện quốc gia, kể cả các Nghị viện không phải là thành viên của IPU.

ASGP có chức năng nghiên cứu các văn bản pháp luật, quy trình, thực tiễn và phương thức hoạt động của các Nghị viện và đề xuất biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và phương thức hoạt động của các Nghị viện; đồng thời duy trì quan hệ hợp tác giữa các cơ quan giúp việc nghị viện của các nước.

Khi có yêu cầu, Hiệp hội cũng tham mưu giúp IPU về những nội dung trong phạm vi chuyên môn của mình. Hiệp hội hoạt động trên cơ sở Quy chế và Phương thức hoạt động riêng. Các cơ quan của Hiệp hội bao gồm Ban Chấp hành và Thường trực Hiệp hội. 

Tại Hội nghị lần này, ASGP tiếp tục tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động Nghị viện của các cơ quan giúp việc Nghị viện. Hội nghị sẽ thảo luận các chủ đề về mối quan hệ giữa công chúng với truyền thông; hoạt động chính trị tại Nghị viện và tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc Nghị viện hoạt động hiệu quả.

Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện sẽ kết thúc vào ngày mai (1/4/2015).

Ngọc Quang