"Tuyên bố Hà Nội" sẽ được IPU gửi tới Liên Hợp Quốc

08/04/2015 17:11
Ngọc Quang
(GDVN) - “Tuyên bố Hà Nội” là văn kiện quan trọng nhất của IPU-132, phản ánh cơ bản cam kết của các nghị viện về mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.

Chiều nay (8/4), tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại - ông Nguyễn Văn Hằng đã báo cáo về công tác tổ chức IPU - 132.

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 và các hội nghị liên quan (IPU-132) tại Hà Nội từ 28/3 đến 1/4 đã được tổ chức thành công tốt đẹp, thu hút sự tham dự của gần 2000 khách quốc tế và khoảng 80 đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Trong gần 2000 khách quốc tế có đến từ 174 đoàn với 715 nghị sỹ (201 nữ nghị sĩ) của 133 nghị viện thành viên, 23 quan sát viên, 9 thành viên liên kết của IPU và 9 khách mời của IPU, trong đó có 51 Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện, 49 Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện và lãnh đạo các tổ chức quốc tế, khu vực quan trọng.

Trong số khách quốc tế có bao gồm 104 cán bộ IPU, 394 cán bộ đại diện đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và gần 100 phóng viên báo chí nước ngoài tham gia phục vụ, đưa tin về mọi mặt trong quá trình IPU-132.

Dấu ấn đậm nét của nước chủ nhà Việt Nam

Trong thời gian diễn ra IPU-132 đã có khoảng 100 cuộc tiếp xúc song phương của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các đoàn đại biểu các nước dự IPU-132.

Tại các cuộc gặp, các đoàn đều bày tỏ ngưỡng mộ đối với sự phát triển của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập; đánh giá cao Việt Nam trong việc chuẩn bị và công tác tổ chức IPU-132; bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên nghị viện; đồng thời đề nghị các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục... với Việt Nam.

IPU - 132 mang dấu ấn đậm nét của nước chủ nhà Việt Nam, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. ảnh: ipu việt nam.
IPU - 132 mang dấu ấn đậm nét của nước chủ nhà Việt Nam, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. ảnh: ipu việt nam.

Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò nước chủ nhà cũng như thể hiện vai trò thành viên tích cực, trách nhiệm trong Đại hội đồng IPU-132.

Đây là hội nghị quốc tế đa phương có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất mà ta đăng cai tổ chức với sự tham gia của gần 2000 khách quốc tế, trong đó khoảng 100 vị lãnh đạo nghị viện các nước trên thế giới.

Việt Nam đã vận động mời được 3 nghị viện Brunei, Fiji và Nauru (không phải thành viên IPU) tham dự Đại hội đồng IPU-132, trong đó có một số nghị viện thể hiện mong muốn trở thành thành viên chính thức của IPU. Đây là thành công của nước chủ nhà IPU-132, có ý nghĩa quan trọng đối với IPU và được IPU đánh giá cao.

Chủ đề tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng do Việt Nam đề xuất đã thu hút sự quan tâm, thảo luận rất sôi nổi của các đoàn tham dự, thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề này. Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động tại các Diễn đàn và Hội nghị; đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các dự thảo nghị quyết và văn bản của các phiên họp.

Đại hội đồng IPU-132 đã thông qua các văn kiện chính, gồm:

“Tuyên bố Hà Nội”; Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh toàn cầu”;

Nghị quyết về “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước”;

Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”;

Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp “Vai trò của Nghị viện chống lại các hành động khủng bố do các tổ chức như Daesh, Boko Haram đối với thường dân vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.

“Tuyên bố Hà Nội”, sáng kiến của Việt Nam, là văn kiện quan trọng nhất của IPU-132 được thông qua, là kết quả của quá trình chuẩn bị, tham vấn và vận động kỹ lưỡng giữa ta với Ban Thư ký IPU.

Văn kiện cuối cùng "Tuyên bố Hà Nội" được thông qua tại phiên bế mạc (ngày 1/4) đã tiếp thu hầu hết các điểm then chốt của ta, trở thành tuyên bố có ý nghĩa hết sức quan trọng của IPU-132 cũng như đối với IPU. Văn kiện này phản ánh được các nội dung cơ bản về cam kết và hành động của nghị viện đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015.

“Tuyên bố Hà Nội” sẽ là văn kiện chính thức được IPU chuyển tới Hội nghị toàn cầu các Chủ tịch Quốc hội và Nghị viện (tháng 8/2015), Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về các Mục tiêu phát triển bền vững được tổ chức ngay trước thềm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 70 (tháng 9/2015).

"Tuyên bố Hà Nội" sẽ là văn kiện chính thức IPU gửi tới Liên Hợp Quốc. ảnh: TTXVN.
"Tuyên bố Hà Nội" sẽ là văn kiện chính thức IPU gửi tới Liên Hợp Quốc. ảnh: TTXVN.

"Tuyên bố Hà Nội" khẳng định thành công của IPU-132, khẳng định nghị viện sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ các nước thành viên thực hiện tốt các mục tiêu SDGs, đáp ứng quan tâm và kỳ vọng của người dân về một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng.

Tuyên bố cũng khẳng định sự phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm phải dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền của con người, xóa đói giảm nghèo dưới mọi hình thức, xóa bỏ bất bình đẳng, trao quyền cho các cá nhân để phát huy hết các tiềm năng của họ.

Điều này đòi hỏi phải có hòa bình và an ninh quốc tế, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật pháp quốc tế.

Quan trọng hơn hết, tuyên bố khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nghị viện, nghị sĩ thông qua qua chức năng lập pháp, giám sát và quyết định phân bổ các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các chương trình nghị sự phát triển của các quốc gia thành viên.

Đối với Việt Nam, Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại IPU-132 thể hiện sự chủ động và tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Quốc hội Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, trên trường quốc tế.

Một trong những kỳ Đại hội tốt nhất lịch sử IPU

Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU cho rằng đây là một trong những kỳ Đại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua, nước chủ nhà đã nâng tầm tiêu chuẩn tổ chức của một kỳ Đại hội đồng IPU.

Các nhà lãnh đạo IPU đánh giá cao nước chủ nhà đã không chỉ đóng góp tích cực cho công tác tổ chức mà còn tham gia vào đề xuất chủ đề của Phiên thảo luận toàn thể “Các Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được nhiều đoàn đánh giá cao; chủ đề ở Ủy ban Thường trực 2 về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại; các cuộc thảo luận tại các cuộc họp, và đề xuất “Tuyên bố Hà Nội” là văn kiện cuối cùng được Đại hội đồng ủng hộ.

Lãnh đạo IPU bày tỏ cảm kích trước công tác tổ chức của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã hết sức thành công trong việc mở rộng IPU và đưa hình ảnh của IPU đến gần hơn với nhân dân.

Chủ tịch IPU - Ngài Saber Chowdhury cho rằng, Việt Nam đã đóng góp rất tích cực cho IPU - 132 và là thách thức với công tác tổ chức của các quốc gia khác. ảnh: Ngọc Quang.
Chủ tịch IPU - Ngài Saber Chowdhury cho rằng, Việt Nam đã đóng góp rất tích cực cho IPU - 132 và là thách thức với công tác tổ chức của các quốc gia khác. ảnh: Ngọc Quang.

Trong tiếp xúc chính thức cũng như bên lề IPU - 132, các đoàn tham dự đều đánh giá cao công tác tổ chức, lòng mến khách và sự đón tiếp nhiệt tình của nước chủ nhà Việt Nam. Công tác lễ tân, an ninh, y tế được đảm bảo; không để xảy ra sai sót hoặc sự cố lớn. Công tác hậu cần được triển khai cụ thể, đảm bảo đầy đủ điều kiện vật chất cho các hoạt động của IPU-132.

Qua IPU-132, các đại biểu quốc tế từ khắp nơi đến Hà Nội đều khẳng định sự thành công của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức hội nghị, khẳng định hình ảnh của Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình, hiếu khách, một hành viên chủ động, tích cực của IPU. Có thể nói, công tác chuẩn bị tổ chức IPU-132 được triển khai chủ yếu dựa trên Thỏa thuận tổ chức IPU-132 đã ký hồi tháng 3/2014.

Ông Trần Văn Hằng đánh giá, thành công của IPU-132 là kết quả của sự chỉ đạo sát sao của Bộ chính trị, Ban Bí thư, sự nỗ lực, đóng góp của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và địa phương hữu quan và nhân dân Việt Nam nói chung với tư cách là nước chủ nhà trên tất cả các khâu, từ nội dung tới công tác tổ chức hội nghị, lễ tân, hậu cần, thông tin – tuyên truyền, an ninh, y tế… với tinh thần chuyên nghiệp, nghiêm túc, trọng thị, mến khách, chân thành và cởi mở. 

Ngọc Quang