Quốc ca Việt Nam và thói quen lười biếng, vô ý thức

02/07/2015 07:25
Ngọc Quang
(GDVN) - Lâu nay, ở rất nhiều sự kiện, chỉ còn bật nhạc chứ chẳng mấy người hát quốc ca. Ngay cả ở Quốc hội chuyện hát quốc ca cũng có lúc trồi, lúc sụt.

Kỳ họp Quốc hội thứ 9 Quốc hội khóa 13 đã khép lại và được đánh giá là đạt được nhiều thành công. Nhưng đáng tiếc là đi cùng với những thành công ấy lại vẫn còn những “hạt sạn” không nhỏ.

Đấy là chuyện nhiều phiên thảo luận trực tiếp tại Nghị trường, số Đại biểu vắng khá nhiều.

Đấy là chuyện Quốc hội bỗng dưng nghỉ sớm hơn 2 giờ đồng hồ vì không có Đại biểu nào phát biểu.

Đấy là chuyện có dấu hiệu Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật hộ cho nhau – chuyện đã từng xảy ra ở kỳ họp trước, nay lại tái diễn.

Và, thêm một chuyện buồn nữa được tìm thấy ở kỳ họp này là nhiều Đại biểu Quốc hội không hát quốc ca trong cả phiên khai mạc và bế mạc.

Vì sao người Việt Nam lại không chịu hát quốc ca Việt Nam trong một sự kiện trọng đại của đất nước như vậy? Nói không ngoa, nếu chúng ta quên hát quốc ca thì cũng đồng nghĩa với việc đánh rơi mất sự tự tôn tinh thần dân tộc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng, có lần Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kể tại Mặt trận tổ quốc Việt Nam là ông đã từng sang một nước Bắc Âu. Khi cử hành quốc ca thì thấy ông Vua của nước bạn đứng cạnh hát rất lớn.

Nhưng đến khi quốc ca Việt Nam nổi lên thì không nghe thấy tiếng hát. Và ông Vua quay sang hỏi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Quốc ca nước bạn không có lời à? Và chính Chủ tịch nước đã nói rằng, câu hỏi của bạn làm tôi rất xấu hổ.

Nhân chuyện hát Quốc ca ở Quốc hội lúc trồi, lúc sụt, ông Quốc bình luận: “Mọi người phải ý thức, lãnh đạo càng to thì phải hát càng to, chứ đừng nghĩ mình có đặc quyền gì ở đây cả”.

Đại biểu Quốc hội không hát quốc ca là một thói quen lười biếng? ảnh: TTBC Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội không hát quốc ca là một thói quen lười biếng? ảnh: TTBC Quốc hội.

Ngược dòng lịch sử, ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bốn ngày sau (17/8/1945), trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát lớn, Tiến quân ca lần đầu tiên đã được cất lên trước đông đảo quần chúng nhân dân.

Hai ngày sau, cũng tại Quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19/8/1945, trong khí thế long trời lở đất của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dưới cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát vang Tiến quân ca.

Quốc ca Việt Nam và thói quen lười biếng, vô ý thức ảnh 2

Quốc hội dứt khoát không thể có thị phi, gian dối, rơi vãi cả sự tôn nghiêm

Rồi tới ngày 2/9/1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trọng thể trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiến quân ca được cất lên trong hoạt động đối ngoại của nước ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì lúc tổ chức lễ đón phái đoàn Hoa Kỳ tại trung tâm Hà Nội, lần đầu tiên vào năm 1945.

Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến hôm nay và về sau, Tiến quân ca vẫn là Quốc ca Việt Nam, và được khẳng định trong Hiến pháp 2013.

Suốt mấy chục năm qua, Quốc ca đã được đưa vào các trường học phổ thông như một yêu cầu bắt buộc vào sáng thứ 2 hàng tuần. Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên nền nhạc hùng tráng, mỗi thiếu niên đã được hun đúc tinh thần yêu quê hương, đất nước, nhắc nhở các em nhớ rằng nước Việt Nam có một lịch sử hào hùng, nhưng trong đó luôn chứa đựng những đau thương chưa bao giờ chìm lấp.

Ở độ tuổi hồn nhiên trong sáng ấy, các em hát vang bài Quốc ca của dân tộc, như một phần máu thịt của chính mình. Và thật cảm động khi ngay cả những trường dạy học sinh bị khiếm thị, khiếm thính ở nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng được dạy hát quốc ca… bằng tay.

Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi biết chuyện đã rất buồn và băn khoăn, nhiều khóa trước đây Quốc hội thực hiện hát quốc ca rất tốt, vậy thì vì sao bây giờ nhiều Đại biểu lại lười nhác như vậy?

Và, ông Mão nói thẳng: “Đấy là ý thức, là trách nhiệm của mỗi Đại biểu Quốc hội khi được đại diện cho nhân dân cả đất nước này. Không hát quốc ca thì đúng là không thể chấp nhận được”.

Nguy hiểm là thói quen vô thức ấy đã xảy ra ở rất nhiều sự kiện khác nhau chứ không riêng gì tại Quốc hội. Quốc thiều được cử lên dường như chỉ là một thủ tục hết sức qua loa. Rất ít người hát. Nhiều người hát sai lời. Thậm chí tại một số sự kiện còn sử dung bản ghi âm có sẵn khi thực hiện nghi thức chào cờ.

GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ rằng, khi tham gia hai khóa Quốc hội XI, XII lần nào họp ông cũng hát quốc ca. Mỗi khi tham dự các sự kiện có lễ chào cờ, ông đều hát quốc ca.

Giáo sư Thuyết bình luận: “Chúng ta lâu nay vẫn có thói quen bật nhạc chứ không hát quốc ca, đấy là thói quen lười biếng, vô ý thức. Có lẽ bây giờ chỉ còn học sinh hát quốc ca chăng?”.

Người Việt Nam mà không hát quốc ca Việt Nam, nhìn ở góc độ nào thì cũng là điều không thể chấp nhận được. Chính phủ thì đã ra hẳn một Nghị định từ năm 2013 để chấn chỉnh vấn đề này, thế nhưng kết quả thu được có lẽ cũng chưa được khả quan cho lắm, mà minh chứng rõ nhất là ngay ở Quốc hội, nhiều vị Đại biểu... lười hát Quốc ca.

Ngọc Quang