Trung tướng khai quốc cuối cùng Trương Chấn của Trung Quốc qua đời

05/09/2015 17:40
Đông Bình (nguồn mạng sina)
(GDVN) - Trương Chấn từng là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, có 4 con trai đều được phong tướng, vừa viết bài về học tập tác phẩm của Mao Trạch Đông.

Mạng tin tức sina Trung Quốc ngày 4 tháng 9 dẫn hãng tin CCTV đưa tin, 5 giờ chiều ngày 3 tháng 9, tướng lĩnh cấp cao Quân đội Trung Quốc, nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, trung tướng Trương Chấn qua đời, thọ 101 tuổi. Năm 1955, Trương Chấn được trao quân hàm trung tướng, năm 1988 được trao quân hàm thượng tướng.

Thượng tướng Trương Chấn
Thượng tướng Trương Chấn

Trương Chấn sinh năm 1914, người huyện Bình Giang, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, ông từng làm quyền chỉ huy trưởng kiêm chính ủy tập đoàn quân 24 của Quân đội Trung Quốc, giám đốc Học viện quân sự Giải phóng quân, phó tư lệnh quân khu Vũ Hán, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, hiệu trưởng Đại học Quốc phòng. Từ tháng 10 năm 1992 đến tháng 9 năm 1997 làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Trương Chấn là đại biểu Quốc hội khóa 5, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 11, ủy viên trung ương khóa 12 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nhận được huân chương Bát Nhất hạng Hai, huân chương Độc lập tự do hạng Nhất, huân chương Giải phóng hạng Nhất.

Trương Chấn là trung tương khai quốc cuối cùng của Quân đội Trung Quốc, gần đây cũng viết bài kỷ niệm tròn 70 năm thắng lợi kháng chiến, ông bàn về học tập và nghiên cứu tác phẩm "Bàn đánh lâu dài" của Mao Trạch Đông, xuất bản trên tạp chí "Khoa học quân sự Trung Quốc".

Theo bài báo, Trương Chấn từng tham gia chiến tranh chống Nhật, chiến tranh giải phóng, chiến trang "kháng Mỹ viện Triều".

Trương Chấn (đứng thứ tư từ trái sang) tại căn cứ địa kháng Nhật Hoài Bắc, tháng 8 năm 1944
Trương Chấn (đứng thứ tư từ trái sang) tại căn cứ địa kháng Nhật Hoài Bắc, tháng 8 năm 1944

Năm 1930, Trương Chấn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và gia nhập hồng quân, làm nhân viên tuyên truyền của đại đội đặc biệt của Bành Đức Hoài, sau làm chính trị viên đại đội 4, trung đoàn 1, sư đoàn 1, quân đoàn 3; trước trường chinh làm tiểu đoàn trưởng trung đoàn 10, sư đoàn 4, quân đoàn 3.

Từng làm tuyên truyền viên, chính trị viên đại đội, tiểu đoàn trưởng, tham mưu trưởng trung đoàn. Từng tham gia tác chiến chống "vây quét" các đợt 1, 2, 3, 4, 5 của Khu xô viết Trung ương và trường chinh 25.000 dặm.

Sau khi đến Thiểm Bắc, làm tham mưu trưởng trung đoàn 20, sư đoàn 4, quân đoàn 1, tham gia các chiến dịch như Ngô Khởi Trấn, Trực La Chấn, Sơn Thành Bảo, Đông Chinh và Tây Chinh.

Từ kháng chiến chống Nhật năm 1945 trở đi, Trương Chấn làm tham mưu văn phòng Bát Lộ quân, rồi lên chức trưởng phòng, tham mưu trưởng chi đội du kích Tân Tứ quân, tham mưu trưởng chi đội 6 Tân Tứ quân, tham mưu trưởng tung đội 4 Bát Lộ quân, tham mưu trưởng sư đoàn 4 Tân Tứ quân kiêm tham mưu trưởng Quân khu Hoài Bắc,

tham gia mở căn cứ địa kháng Nhật Dự Hoản Tô Biên, trợ giúp Bành Tuyết Phòng dẫn quân đánh bại cuộc “càn quét” mùa đông năm 1942 của quân Nhật, tham gia chỉ huy chiến dịch Sơn Tử Đầu.

Sau đó làm lữ trưởng lữ đoàn 10, sư đoàn 4 Tân Tứ quân kiêm tư lệnh phân khu Lộ Tây quân Hoài Bắc, dẫn quân tham gia chiến đấu đợt tấn công năm 1945 của căn cứ địa kháng Nhật Hoa Trung. Từng làm phó hiệu trưởng phân hiệu 4 Đại học Quân chính kháng Nhật.

Trương Chấn và vợ năm 1987
Trương Chấn và vợ năm 1987

Thời kỳ chiến tranh giải phóng, làm tư lệnh kiêm chính ủy tung đội 9, quân dã chiến Hoa Trung, phó tư lệnh tung đội 2 quân dã chiến Hoa Đông, tham mưu trưởng binh đoàn 1, tham mưu trưởng quân dã chiến 3, tham mưu trưởng quân khu Hoa Bắc.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, tháng 3 năm 1952, làm trưởng ban tác chiến, Bộ Tổng tham mưu. Tháng 5 năm 1953, làm trưởng ban tác chiến Quân ủy Trung ương, kiêm quyền chỉ huy, quyền chính ủy tập đoàn quân 24 quân tình nguyện nhân dân Trung Quốc, dẫn quân tham gia cuộc chiến mùa hè “kháng Mỹ viện Triều”, trải qua hơn 40 cuộc chiến lớn nhỏ.

Tháng 9 năm 1954, học ở khoa chiến dịch, Học viện quân sự Quân giải phóng, tháng 7 năm 1957 tốt nghiệp, làm phó hiệu trưởng Học viện quân sự Quân giải phóng, tháng 9 năm 1962 lên làm hiệu trưởng trường này.

Tháng 1 năm 1971, làm chính ủy Ban chỉ huy công trình thủy lợi đập Cát Châu. Tháng 4 năm 1972, làm phó tư lệnh quân khu Vũ Hán, tháng 12 năm 1977 lên phụ trách Tổng bộ hậu cần, tháng 1 năm 1980 làm phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc.

Trương Chấn cùng với nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và Lưu Hoa Thanh và Trì Hạo Điền (tháng 3 năm 1996)
Trương Chấn cùng với nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và Lưu Hoa Thanh và Trì Hạo Điền (tháng 3 năm 1996)

Đáng chú ý, ngày 24 tháng 12 năm 1985, Chủ tịch Quân ủy Đặng Tiểu Bình quyết định thành lập Đại học Quốc phòng trên cơ sở sáp nhập Học viện quân sự, Học viện chính trị và Học viện hậu cần, Trương Chấn làm hiệu trưởng đầu tiên.

Được biết, tổng cộng có hơn 10.000 cán bộ lãnh đạo cấp trung đoàn trở lên được đào tạo ở Đại học Quốc phòng rồi ra chiến trường, 95% cán bộ lãnh đạo cấp tập đoàn quân đều tốt nghiệp ở trường này.

Trương Chấn từng được biết đến là người đã đề cập đến những tiêu cực của việc quân đội tiến hành sản xuất kinh doanh và từng viết thư gửi cho Quân ủy Trung ương vào năm 1991. Tháng 10 năm 1992, Trương Chấn lên làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đến tháng 10 năm 1993, Quân ủy Trung ương có quyết định chỉnh đốn đối với hoạt động làm ăn kinh tế của quân đội.

Tháng 11 năm 1993, tại Hội nghị công tác sản xuất kinh doanh toàn quân, Trương Chấn đưa ra tư tưởng chỉ đạo sản xuất kinh doanh của quân đội: phải đặt ở vị trí thích hợp; phải kiên trì phương hướng phục vụ cho nâng cao sức chiến đấu của bộ đội, đây là điểm xuất phát và đích của tiến hành sản xuất kinh doanh; phải có quy mô thích hợp, phạm vi thích đáng; phải thực hiện tách biệt giữa quân đội và doanh nghiệp, làm việc theo các quy luật; phải hạn chế chặt chẽ buôn bán.

Trương Chấn cho rằng, nhìn vào bài học lịch sử, quân đội làm ăn buôn bán là nguyên nhân quan trọng đi đến suy yếu, phải tuân thủ kỷ luật và pháp luật, ngăn chặn nảy sinh các loại hiện tượng tiêu cực. Theo Trương Chấn, kinh doanh buôn bán sẽ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực của quân đội, từ đó mất sức chiến đấu.

Trương Hải Dương là con thứ ba của Trương Chấn, từng làm chính ủy Pháo binh 2, quân hàm thượng tướng
Trương Hải Dương là con thứ ba của Trương Chấn, từng làm chính ủy Pháo binh 2, quân hàm thượng tướng

Sau Đại hội 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 3 năm 1998, Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định không phải lực lượng tác chiến cũng không tiến hành sản xuất mang tính kinh doanh. Tháng 7, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lại đưa ra quyết định quân đội và cảnh sát vũ trang không được kinh doanh.

Sau khi lên làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Trương Chấn triển khai công tác liên quan đến đưa quân đến Hồng Kông khi khu này được sáp nhập vào Trung Quốc. Đến tháng 1 năm 1996, việc thành lập lực lượng đồn trú ở Hồng Kông được hoàn thành.

Trương Chấn có 4 con trai đều là tướng, con trưởng là thiếu tướng Trương Tiểu Dương, từng làm giám đốc Học viện ngoại ngữ Giải phóng quân; con thứ hai là thiếu tướng Trương Liên Dương từng làm chức cục trưởng ở Bộ Tổng tham mưu;

con thứ ba là thượng tướng Trương Hải Dương từng làm chính ủy Pháo binh 2; con thứ tư là thiếu tướng Trương Ninh Dương, từng làm phó trưởng ban giao thông vận tải quân sự thuộc Tổng bộ hậu cần.

Đông Bình (nguồn mạng sina)