Thông tin bất ngờ về năng suất nghiên cứu khoa học ở một số đại học lớn

19/09/2015 07:51
Phương Thảo
(GDVN) - Thống kê đáng ngạc nhiên của hai Nghiên cứu sinh cho thấy có sự đột phá về năng suất nghiên cứu khoa học ở các trường đại học non trẻ.

Hai nghiên cứu sinh Phạm Hiệp và Huỳnh Hữu Hiền vừa công bố kết quả thống kê có tính chất tham khảo của mình về năng suất nghiên cứu khoa học (số lượng bài báo công bố trên ISI trên tổng số cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ) của một số đại học có số lượng công bố quốc tế hàng đầu Việt Nam tính từ đầu năm 2015 đến nay.

Khá bất ngờ khi năng suất cao nhất lại thuộc về 2 đại học non trẻ là trường Đại học Duy Tân và trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Hai nghiên cứu sinh cho biết, để ra được số lượng công bố của tốp 7 trường có kết quả công bố quốc tế cao nhất Việt Nam tính từ đầu năm 2015 đến nay, họ đã tổng hợp dữ liệu từ trang Web of Science.

Cụ thể:

 STT  Tên trường Số lượng Tiến sĩ  Số bài báo ISI 2015 Số bài ISI/Tiến sĩ  Thứ hạng năng suất nghiên cứu
 1 ĐHQGHN  881  141 0,16 5
 2  ĐH Bách khoa HN  703  138  0,20 3
 3  ĐHQGH TP HCM  1.087 94 0,09 7
 4  ĐH Tôn Đức Thắng  187  73  0,39 2
 5  Đại học Cần Thơ  285 57 0,20 3
 6  Đại học Duy Tân  122  52 0,43 1
 7  Đại học Sư phạm HN  387 51  0,13 6

 Riêng Đại học Tôn Đức Thắng, số lượng 187 gồm tiến sĩ và nghiên cứu sinh.

Về số lượng cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, hai nghiên cứu sinh cho biết họ đã lên từng website các trường để ghi nhận dữ liệu.

Kết quả thống kê cho thấy, năng suất nghiên cứu khoa học của các đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ… đều xếp sau Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) và Đại học Tôn Đức Thắng.

Đại học Duy Tân dẫn đầu năng suất nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa website nhà trường.
Đại học Duy Tân dẫn đầu năng suất nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa website nhà trường.

Riêng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có số lượng tiến sĩ nhiều nhất với 1.087 người nhưng chỉ có số bài báo ISI là 94 (tỷ lệ 0,09 bài ISI/tiến sĩ), xếp cuối cùng trong 7 trường được khảo sát. 

Trong khi đó trường Đại học Duy Tân có 122 tiến sĩ nhưng lại có tới 52 bài báo ISI được công bố (tỷ lệ 0,43 bài ISI/tiến sĩ) đứng ở vị trí dẫn đầu về năng suất công bố quốc tế.

Đánh giá về kết quả thống kê ban đầu này, mặc dù chỉ mang tính chất tham khảo vì thời điểm thống kê từ tháng 1/2015 trở lại đây, có thể không phản ánh bức tranh chung nhưng cũng có thể thấy kết quả này có một số điểm đáng chú ý.

Nghiên cứu sinh Huỳnh Hữu Hiền cho rằng, tỷ lệ này là hợp lý vì những trường có chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học tốt sẽ đạt được kết quả công bố quốc tế cao.

“Những trường có hiệu suất công bố quốc tế cao đã có chiến lược đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học; họ đã thực hiện hợp tác quốc tế hiệu quả trong nghiên cứu khoa học.

Các trường này đã tăng cường thu hút, xây dựng, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu cơ hữu tại trường một cách hiệu quả. Hơn nữa trường có chế độ khen thưởng, khuyến khích nghiên cứu khoa học tốt” nghiên cứu sinh Huỳnh Hữu Hiền cho biết.

Việc hai Đại học Quốc gia có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất, đó cũng là điều dễ hiểu vì đây là hai đại học lâu đời, nhưng không vì thế mà năng suất lại cao, năng suất cao thuộc về hai đại học còn khá non trẻ (Đại học Duy Tân và Đại học Tôn Đức Thắng).

“Đây là tín hiệu tốt cho thấy bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng, các đại học vốn được coi là không có  truyền thống nghiên cứu đang vươn lên mạnh mẽ.

Đó đều là các trường đại học năng động, có tầm nhìn, có định hướng quốc tế hóa, kết quả này rõ ràng không phải tự nhiên mà có” nghiên cứu sinh Phạm Hùng Hiệp cho biết.

Trước sự năng động của một số trường đại học non trẻ hiện nay, chắc chắn các trường đại học lớn cảm nhận được sức ép này. Nghiên cứu sinh Phạm Hùng Hiệp cho rằng, về nguyên tắc cạnh tranh càng nhiều, lượng nghiên cứu và đào tạo càng tốt và người học càng được lợi.

Phương Thảo