Quả tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Mỹ quay lại làm lãnh đạo chống IS?

28/11/2015 08:26
Việt Dũng
(GDVN) - Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 Nga đã đem lại không ít lợi ích chiến lược cho Mỹ, giúp Mỹ quay trở lại làm lãnh đạo chống khủng bố Trung Đông và giúp Obama...

Tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 27 tháng 11 có bài viết bình luận cho rằng, vài ngày gần đây, tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay chiến đấu Nga, Nga đã phá tan đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ,

Nga chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ đồng lõa với chủ nghĩa khủng bố và thọc dao sau lưng. Thổ Nhĩ Kỳ phản hồi cho rằng Nga ném bom vào “người thân” của Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải phần tử khủng bố.

Máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ
Máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ

Có tin cho rằng, trước khi bắn rơi máy bay chiến đấu Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama “cho phép”. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đấu nhau đã làm cho IS có được cơ hội “thở dốc” trên chiến trường, cũng đã giúp Mỹ có được không ít lợi ích chiến lược.

Thổ Nhĩ Kỳ là một nước thành viên NATO, an ninh của họ được bảo vệ bởi hiệp ước đồng minh. Thổ Nhĩ Kỳ chủ động tấn công, có nghĩa là đã đẩy toàn bộ NATO lên “chiến xa” của họ.

Bất chấp chân tướng sự việc thế nào, NATO đều không có nhiều khả năng bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ mà bênh vực cho Nga. Quan hệ NATO-Nga tiếp tục xa lánh thực sự đã phủ định khả năng Nga-Pháp tăng cường hợp tác và xây dựng liên minh chống khủng bố rộng rãi hơn.

Trước khi quan hệ Nga-Thổ xấu đi, Nga chủ động tấn công mạnh mẽ IS, hầu như đã đoạt lấy quyền lãnh đạo chống khủng bố Trung Đông trong tay Mỹ. Đặc biệt là Pháp với mong muốn cấp bách báo thù (vì các cuộc tấn công khủng bố ở Pháp gần đây) đã gần gũi với Nga, làm cho chính quyền Barack Obama cảm thấy có khủng hoảng to lớn.

Mỹ đã thu được nhiều lợi ích chiến lược từ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga?
Mỹ đã thu được nhiều lợi ích chiến lược từ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga?

Mỹ không có lý do tốt để tiến hành trực tiếp khuyên can, còn đi theo liên minh tấn công IS của Pháp-Nga thì không giữ được sự tôn nghiêm của “nhà lãnh đạo thế giới”.

Xung đột xảy ra giữa Nga-Thổ lần này đã hạ thấp vị thế chiến lược của Nga ở Trung Đông và phần nào đã giúp Mỹ quay trở lại làm “anh cả”.

Bất kể là Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga can thiệp vấn đề Syria, tấn công IS đều có nhiều mục đích. Thổ Nhĩ Kỳ muốn đồng thời tấn công lực lượng vũ trang Partiya Karkerên Kurdistan (PKK) người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ khu vực biên giới, muốn bảo vệ “người thân” – tộc người Turkmen.

Trong khi đó, thông qua can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria, Nga muốn đồng thời tấn công lực lượng vũ trang phe đối lập Syria và bảo vệ chính quyền Assad, một đồng minh truyền thống.

Xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dã làm cho quan hệ lợi ích giữa lực lượng vũ trang địa phương của Syria với các nước ngày càng rõ ràng, về khách quan đang có lợi cho Mỹ.

Vài năm qua, chính quyền Obama luôn đặt chiến trường chính tấn công IS ở lãnh thổ Iraq, không dám mạo hiểm can thiệp sâu vào vấn đề Syria.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã đến Syria (ảnh minh họa)
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã đến Syria (ảnh minh họa)

Vấn đề là, Mỹ đã không làm rõ được các lực lượng vũ trang phe đối lập ở Syria, xem đâu là phái ôn hòa, đâu là phe cấp tiến, phái nào có thể coi trọng, còn phe nào thì cần xa lánh và tấn công.

Xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ giúp cho hành động “tìm đồng minh” của Mỹ trở nên hiệu quả hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ “đánh tiên phong”, đã giành lấy thời gian “hòa hoãn chiến lược” hiếm có cho Mỹ, cũng giúp cho chính quyền Obama đã có nhiều sự lựa chọn chính sách hơn.

Về đối nội, tính phức tạp của vấn đề Syria được bộc lộ ra từ cuộc khủng hoảng lần này đủ để chặn đứng những lời chỉ trích của phái cứng rắn Đảng Cộng hòa Mỹ, rửa sạch tiếng xấu “chỉ hô hào mà không làm” của Tổng thống.

Về đối ngoại, cuộc khủng hoảng lần này giúp cho Mỹ có nhiều lý do hơn để chỉ ra “mối đe dọa” từ nước Nga, tăng cường đoàn kết của mặt trận phương Tây, đồng thời có thể “nâng giá” trong việc mở rộng liên minh chống khủng bố Trung Đông, làm cho đồng minh gánh lấy nhiều trách nhiệm hơn.

Đồng thời, trước khi chống khủng bố nâng cấp lên thành một ý thức hệ của chủ nghĩa thế giới và được các nước chủ yếu trên thế giới tiếp nhận, hành động tấn công IS của Mỹ và Nga ở Syria đều chỉ có thể là công cụ đấu đá chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục hành động như thế nào trong cuộc chiến Syria?
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục hành động như thế nào trong cuộc chiến Syria?

Ở khu vực không lớn Syria, hai ý thức hệ đối chọi nhau, các nước có thực lực quân sự mạnh nhất tự mình chống khủng bố, luôn có những thời điểm “chạm trán” trực tiếp. Một quả tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tan biến áp lực “chạm trán” giữa Mỹ-Nga.

Trước khi quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi, Mỹ không thể dự tính được Thổ Nhĩ Kỳ lại trực tiếp “can đảm” (bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 Nga) như vậy, nhưng đối với tính cách của đối phương thì chắc đã sớm hiểu được và sớm có thỏa thuận ngầm về chính sách.

Một quả tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện của sức mạnh cường quyền khu vực, đã tạo ra một vành đai “giảm xóc” cho xung đột Mỹ-Nga, đã giúp cho Mỹ có được nhiều không gian xoay xở hơn. 

Việt Dũng