Bao giờ dân hết phải còng lưng gánh thuế xăng, dầu?

24/03/2016 06:50
Việt Hoài
(GDVN) - Lỗ hổng của chính sách đã khiến người dân phải cõng số tiền hơn 3.500 tỷ đồng mà các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nghiễm nhiên được hưởng.

Bàng hoàng, bất bình, bức xúc, phẫn nộ…đó là trạng thái của đông đảo ý kiến người dân đã bao năm “còng lưng cõng thuế xăng, dầu”, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu được hưởng lợi khoản tiền chênh lệch khi nhập hàng từ các thị trường có thuế thấp hơn mức thông thường.

Số tiền chênh lệch doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu được hưởng lên tới 3.500 tỷ đồng, đâu phải là nhỏ.

Người dân được báo giới nhận định là hơn một năm qua đã bị “móc túi” số tiền lớn đó. Truyền thông lên tiếng đòi phải trả cho dân, với những: Phải trả lại tiền; xin lỗi dân, quy trách nhiệm…

Doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi lớn trong một thời gian dai từ cách áp thuế nhập khẩu xăng dầu - ảnh: H.Lực/giaoduc.net.vn
Doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi lớn trong một thời gian dai từ cách áp thuế nhập khẩu xăng dầu - ảnh: H.Lực/giaoduc.net.vn

Câu hỏi đặt ra mà người dân chờ đợi: Ai là người trả lại cho dân và trả như thế nào?.

Không chỉ chuyên gia mà ngay cả Đại biểu Quốc hội - ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban tài chính và ngân sách của Quốc hội trả lời trên truyền thông, rằng: Cần thu lại khoản thuế nhập khẩu xăng, dầu vốn đã chảy vào túi doanh nghiệp để nộp lại ngân sách, hoặc đưa vào quỹ bình ổn để đảm bảo lợi ích cho người dân.

Trên phương tiện truyền thông cũng đã có người hiến kế ‘trả lại dân” số tiền đã bị doanh nghiệp móc túi.

Đổ hết lên đầu doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu xem phần cũng hàm oan cho họ. Họ đã căn cứ theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu; quy định của liên Bộ Tài chính- Công Thương, được tính thuế nhập khẩu theo thị trường. Chính nhờ  lỗ hổng “ưu ái” này mà các doanh nghiệp đã bỏ túi “ngon ơ” 3.500 tỷ đồng.

Con số tổng số thu thuế nhập khẩu xăng dầu năm 2015 đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, có lẽ ai cũng biết, nhưng con số hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu là 3.500 tỷ đồng lại chẳng ai hay.

Xin được nhắc thêm rằng, số tiền hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu chủ yếu hoàn cho các mặt hàng có xuất xứ từ ASEAN, Hàn Quốc… do được hưởng thuế ưu đãi. Doanh nghiệp nghiễm nhiên được hưởng lợi.

Dư luận băn khoăn, có hay không chuyện “ông đưa chân giò, bà thò nậm rượu”?

Thế mới biết doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đã được “ngồi mát ăn bát vàng” như thế nào.

Bao giờ dân hết phải còng lưng gánh thuế xăng, dầu? ảnh 2

Vì sao giá xăng tăng ở mức 670 đồng/lít?

(GDVN) - Mức tăng giá xăng 670 đồng/lít thay vì 1.700 đồng/lít nhờ tăng sử dụng quỹ bình ổn.

Bao giờ dân hết phải còng lưng gánh thuế xăng, dầu? ảnh 3

Yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu trả lại phần lợi nhuận do chênh lệch thuế

(GDVN) - "Rõ ràng doanh nghiệp đạt lợi nhuận lớn đến từ cách tính thuế sai. Do đó, không thể để doanh nghiệp "bỏ túi" phần chêch lệch này mà phải thu lại...".

Thông tư 48/2016 vừa được Bộ Tài chính ban hành. Nội dung sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu có hiệu lực từ ngày 18/3, được cho là “điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu.

Thực tế thì thuế nhập khẩu “dầu” có được giảm, nhưng lạ lùng thay, xăng khoáng và xăng sinh học thì vẫn là 20%. Vì sao-vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan có thẩm quyền.

Dư luận lại lên tiếng đòi hỏi Bộ Tài chính có câu trả lời rõ ràng, nếu vẫn cứ áp 20% thuế với mặt hàng xăng, vẫn là tạo cơ hội để các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu hưởng lợi từ chênh lệch, trong khi bắt đầu từ năm 2016, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam giảm về 5%, thuế xăng về 10%, tại sao Bộ Tài chính vẫn quyết giữ thuế xăng nhập khẩu là 20%?

Trước áp lực của dư luận, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương  đã trình Thủ tướng phương án khắc phục, thu hẹp khoảng cách chênh lệch thuế suất nhập khẩu xăng dầu.

Và Thủ tướng đã đồng ý.

Như vậy, với cách tính này sẽ thu hẹp chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế và mức thuế nhập khẩu đã được “đóng khung” của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cách tính mới là thay đổi cách xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở điều hành bán lẻ xăng dầu.

Bộ Tài chính giải thích “môn na, dễ hiểu” là sau mỗi quý, cơ quan quản lý sẽ căn cứ trên lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối từ các thị trường khác nhau, để đưa ra thuế suất trung bình, để tính giá quý sau.

Thời gian tính bình quân theo quý nhằm đảm bảo tính ổn định trong số liệu nhập khẩu.

Đành rằng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tầm quan trọng đặc biệt, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế, sự ổn định xã hội của mỗi quốc gia. Nhưng không thể vì tầm quan trọng đặc biệt của mặt hàng này mà không có chính sách để tạo sân chơi bình đẳng trong kinh doanh?

Lẽ nào thuế nhập khẩu thực tế xăng dầu đầu vào thì thấp, khi vào nội địa tiêu thụ thì doanh nghiệp nhập khẩu  lại được “áp” mức thuế suất cao gấp nhiều lần.

Vậy có đáp ứng mục tiêu là “tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế, sự ổn định xã hội của mỗi quốc gia”?

Còn nhớ thời Hàng không Việt Nam chỉ mỗi mình “Vietnam Airlines” một chợ. Mua được vé đi máy bay là điều xa xỉ với người dân.

Bây giờ, khi hàng không Việt Nam không còn chuyện độc quyền thì người dân ít tiền cũng có thể vi vu với hàng không giá rẻ.

Các hãng muốn có khách phải tung đủ các “chiêu” để câu khách.

Viễn thông Việt Nam cũng phá thế độc quyền, người dân được hưởng lợi, đâu còn cái cảnh “điện thoại bàn” cũng phải “xin ngược, xin xuôi”.

Trước tình cảnh xăng dầu “tăng giá thì nhanh, giảm giá thì nhỏ giọt” với đủ các lý do được các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đưa ra, cách đây hơn nửa năm, truyền thông cũng đã đặt vấn đề “phá độc quyền xăng dầu và điện”.

Cơ quan quản lý tầm vì mô, không thể gánh thay việc của doanh nghiệp trong việc “định giá thành”.

Xăng dầu, điện…không còn độc quyền thì người dân mới được hưởng quyền lợi theo đúng nghĩa “đáng đồng tiền bát gạo”.

Việt Hoài