Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông dịp cuối năm

04/11/2016 14:07
Diệu Linh
(GDVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa ký Công điện số 23/CĐ-UBATGTQG về thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quý IV/2016.

Năm 2016, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, song vẫn chưa đạt mục tiêu giảm số người chết vì tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Ủy ban An Toàn giao thông Quốc gia, từ ngày 16/12/2015 đến 15/6/2016, toàn quốc đã xảy ra 10.227 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 8.939 người, làm chết 4.362 người, giảm 116 người chết (tức chỉ giảm được 2,59%).

Có 39 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông và 22 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 12 tỉnh tăng trên 10%.

Đặc biệt, số người chết vì tai nạn giao thông trong tháng 5 và tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, còn xảy một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, điển hình là 2 vụ tai nạn xe khách tại Bình Thuận (ngày 22-5) và Lâm Đồng (ngày 4-6) làm 20 người chết và hàng chục người bị thương.

Cùng với đó, trên tuyến đường thủy nội địa cũng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong số 176 vụ việc và sự cố uy hiếp an toàn bay, một sự cố uy hiếp an toàn hàng không cao mức B đã xảy ra tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong giai đoạn quý III và quý IV, các bộ ngành, địa phương tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cả về người và kinh tế từ các vụ tai nạn giao thông.

Để nâng cao hơn nữa những nỗ lực trong đảm bảo an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa ký Công điện số 23/CĐ-UBATGTQG về thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quý IV/2016.

Mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp cuối năm 2016, tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

Trong đó tiếp tục tăng cường tuần tra lưu động, tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, chở quá tải trọng và khai thác cát, sỏi trái phép.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong giám sát và xử phạt vi phạm hành chính.

Bộ Giao thông vận tải siết chặt kiểm tra việc chấp hành các quy định, quy tắc an toàn quản lý chất lượng dịch vụ và phương tiện trên các tuyến vận tải hành khách đường thuỷ nội địa và từ bờ ra đảo.

Đẩy mạnh kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải gắn với siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.

Bên cạnh đó, siết chặt kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu và xử lý dứt điểm hiện tượng xe quá hạn đăng kiểm, xe hết niên hạn tham gia giao thông; giảm thiểu số vụ việc uy hiếp an toàn bay có nguyên nhân từ quản lý kỹ thuật phương tiện.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp tốt để nâng cao an toàn giao thông dịp cuối năm. ảnh minh họa: TTXVN.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp tốt để nâng cao an toàn giao thông dịp cuối năm. ảnh minh họa: TTXVN.

Khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông

Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ; bảo đảm an toàn giao thông tại các nút giao giữa đường phụ ra đường chính, đường ngang đường bộ với đường sắt không có rào chắn; ngăn chặn hành vi xâm phạm hàng rào, công trình bảo vệ đường cao tốc.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh, thành phố; lập trạm phối hợp giữa lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải để tổ chức kiểm soát tải trọng đối với những tuyến, điểm phức tạp.

Đặc biệt, Ban an toàn giao thông thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông; chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm siết chặt quản lý sử dụng vỉa hè, lòng lề đường, hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cầu vượt, xử lý điểm thắt về hạ tầng; đổi mới phương tiện và hợp lý hoá luồng, tuyến xe buýt; có phương án ứng trực sẵn sàng xử lý, khắc phục sự cố tại các điểm có nguy cơ ùn tắc cao.

Nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông

Các Bộ, ngành, các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh Tiểu học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn quốc lồng ghép việc giảng dạy, phổ biến “Văn hóa giao thông” cho học sinh Tiểu học trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa năm học 2016-2017;

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh Trung học cơ sở; chú trọng giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh trung học.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện "Năm An toàn giao thông 2017" với trọng tâm là xây dựng văn hoá giao thông và kế hoạch xây dựng văn hoá giao thông giai đoạn 2016-2020; tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2016.

Diệu Linh