Những nút thắt và khó khăn khi áp dụng Thông tư 22 về đánh giá học trò

19/05/2017 08:05
Hoàng Nam
(GDVN) - Hiện nay, các trường đang tiến hành công việc xếp loại, nhận xét học sinh nhưng trong quá trình thực hiện Thông tư 22 đã nảy sinh nhiều bất cập.

LTS: Từ ngày 6/11/2016, các trường tiểu học trên cả nước chính thức thực hiện Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT (Thông tư 22) của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư 30 trước đó. 

Những điểm mới trong Thông tư 22 không chỉ giảm gánh nặng cho giáo viên mà còn giúp cho các bậc phụ huynh nhận biết năng lực của con em mình rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay khi năm học chuẩn bị kết thúc, nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn và trăn trở với Thông tư 22 đặc biệt công việc xếp loại, nhận xét học sinh. Hôm nay, thầy giáo Hoàng Nam (một giáo viên Tiểu học đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh) nêu ra những bất cập này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30 (ban hành năm 2014) chứ không thay thế Thông tư 30. 

Do đó, khi Thông tư 22 có hiệu lực (từ ngày 06/11/2016), việc đánh giá học sinh tiểu học thực hiện theo các quy định của Thông tư 30 và những sửa đổi, bổ sung được quy định trong Thông tư 22, thể hiện trong văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28/9/2016 Thông tư đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau 1 năm thực hiện, Thông tư 22 gặp những bất cập gì? (Ảnh minh họa: Báo Hưng Yên)
Sau 1 năm thực hiện, Thông tư 22 gặp những bất cập gì? (Ảnh minh họa: Báo Hưng Yên)

Thực tế chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải trong quá trình thực hiện Thông tư 30. 

Còn các tư tưởng nhân văn: đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh,… trong Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22.

Đến thời điểm hiện nay, các trường đang tiến hành công việc xếp loại, nhận xét học sinh nhưng trong quá trình thực hiện đã cho thấy những vấn đề chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chi tiết. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Cách tính điểm của môn Tiếng Việt

Tại Điều 10 của Thông tư 22 quy định về đánh giá định kì chỉ nêu những cách thức về đánh giá định kì của học sinh Tiểu học mà không hướng dẫn cách tính điểm cho phân môn Tiếng Việt. 

Những nút thắt và khó khăn khi áp dụng Thông tư 22 về đánh giá học trò ảnh 2

Nhóm Việt Cường nêu ý kiến về thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học

Do đó, các trường hiện nay vẫn áp dụng cách tính điểm cho phân môn này dựa trên Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 10 năm 2009, điều này trái ngược với quy định của pháp luật (bởi Thông tư 32 đã được thay thế bằng Thông tư 22). 

Cụ thể Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT quy định về cách tính điểm môn Tiếng Việt như sau:

-Điểm đọc = điểm đọc thành tiếng + điểm đọc thầm ->làm tròn điểm. 

-Điểm viết = điểm chính tả + điểm tập làm văn ->làm tròn điểm. 

-Điểm môn Tiếng Việt = (điểm đọc + điểm viết)/2 ->làm tròn điểm. 

Thứ hai: Vấn đề Khen thưởng cuối năm học

Điều 16 khen thưởng, Thông tư 22 đã chỉ dẫn cụ thể hơn Thông tư 30
Mục 1a nêu: “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên”.

Ví dụ một học sinh có điểm kiểm tra cuối năm: Toán: 9; Tiếng Việt: 9; Khoa học: 10; Lịch sử và Địa lý: 10; Ngoại ngữ: 9; Tin học: 9.

Những nút thắt và khó khăn khi áp dụng Thông tư 22 về đánh giá học trò ảnh 3

Bộ Giáo dục thay Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học

Như vậy, chỉ cần môn Ngoại ngữ hay Tin học không đạt điểm 9, nghĩa là học sinh đó không được khen thưởng Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện…, nhưng thực tế học sinh đó xứng đáng để được khen thưởng xuất sắc.

Ngược lại, những học sinh không học Tin học hay Ngoại ngữ đều được khen thưởng: Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, chỉ cần: Toán: 9; Tiếng Việt: 9; Khoa học: 9; Lịch sử và Địa lý: 9.

Thứ ba: Học sinh có điểm kiểm tra bất thường được kiểm tra lại

Điều 10 mục 2d quy định “Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.”

Điều này hoàn toàn không thực hiện được do trong suốt năm học, giáo viên có thể “dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời” (Điều 6 mục 2a). 

Như vậy sẽ không có cơ sở để so sánh giữa điểm kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên của giáo viên trên lớp.

Việc kiểm tra lại này được thực hiện vào lúc nào? Học sinh này có được xếp vào nhóm học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học hay không?

Do vậy, chúng tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và chi tiết trong quá trình thực hiện Thông tư 22 để chất lượng giáo dục Tiểu học đạt hiệu quả hơn.

Hoàng Nam