Nếu Mỹ không thận trọng có thể tạo ra "Triều Tiên thứ 2"

17/10/2017 06:43
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran có thể tạo ra một “Triều Tiên” thứ hai, gây thêm những căng thẳng mới ở khu vực Trung Đông vốn đã bất ổn hàng chục năm qua

Thỏa thuận hạt nhân Iran đang trở thành vấn đề nóng trong thời gian gần đây, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi thỏa thuận, hoặc các bên phải đàm phán lại thỏa thuận này.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo, Iran sẽ không đàm phán lại thỏa thuận, và Mỹ sẽ phải trả giá bởi hành động đơn phương ấy.

Thỏa thuận hạt nhân Iran có ý nghĩa gì?

Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được Iran và nhóm P5+1 gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức, ký ngày 14/7/2015.

Đây là kết quả của các nỗ lực nhằm giúp chấm dứt những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 16/01/2016, theo đó Iran được Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp trừng phạt về tài chính, kinh tế và dầu mỏ, giúp Tehran vực dậy nền kinh tế đang khủng hoảng của nước này.

Nếu Mỹ không thận trọng có thể tạo ra "Triều Tiên thứ 2" ảnh 1

Nga: Phương Tây không nên ép Iran khi Tehran đã sẵn sàng hợp tác

Đổi lại, Iran sẽ giảm lượng làm giàu uranium xuống dưới mức có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân, và cho phép mở rộng việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này.

Đây là một thành công rất lớn sau 12 năm đàm phán dai dẳng giữa Iran với nhóm P5+1.

Thỏa thuận còn góp phần làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông và củng cố công cuộc chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Đồng thời, thỏa thuận còn giúp Iran xích lại gần hơn với phương Tây và cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế, cũng như tạo tiền đề cho việc giải quyết những vấn đề nóng mà cả thế giới cùng quan tâm.

Đúng như Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã từng nói:

“Thỏa thuận đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran và thế giới, là cơ hội để Iran phát triển, cải thiện phúc lợi, tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như trên thế giới”. [1]

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 đã từng được đánh giá là một thành công mang tính lịch sử, và là di sản để đời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Không ai muốn phá bỏ thỏa thuận này ngoài Mỹ

Trong một thông điệp phát đi ngày 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không xác nhận việc Iran tuân thủ nghiêm túc các điều khoản đặt ra trong thỏa thuận.

“Chúng ta sẽ không tiếp tục lộ trình mà kết quả có thể đoán trước sẽ bạo lực hơn, khủng khiếp hơn và nguy cơ rất thực là việc Iran đạt được tới cấp độ làm giàu uranium đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh Reuters).
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh Reuters).

Và đây cũng chính là nội dung bản đánh giá mà ông Trump trình lên Quốc hội Mỹ hôm 15/10 về sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân. [2]

Trái lại với lập trường của Mỹ, các nước Anh, Pháp, Đức, Nga đã có những phản ứng về việc tiếp tục ủng hộ và thực thi thỏa thuận này.

Tại Brussels (Bỉ), bà Federica Mogherini, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU cho rằng, Washington không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân.

“Chúng ta không thể hủy bỏ một thỏa thuận hạt nhân đang có hiệu lực. Thỏa thuận này không phải là thỏa thuận song phương.

Cộng đồng quốc tế, trong đó có EU đã chứng minh rõ ràng thỏa thuận đó là gì và vẫn sẽ tiếp tục thực thi”, bà Mogherini nói.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của ba nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung cảnh báo Mỹ không được đưa ra những quyết định có thể gây tổn hại tới thỏa thuận.

Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng TASS hôm 15/10 rằng:

“Iran đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với thỏa thuận, điều mà Hoa Kỳ đã không phản ánh đúng về họ.

Các tín hiệu từ Washington về việc đàm phán lại thỏa thuận là điều không thể. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ hãy nên thực hiện nghiêm thỏa thuận”.

Ông Ryabkov cho biết thêm, Trung Quốc cũng đồng quan điểm về việc giữ nguyên thỏa thuận hạt nhân, và Nga đang có kế hoạch tiến hành các cuộc tiếp xúc với Iran trong tương lai gần. [3]

Những hệ lụy khó lường nếu hủy bỏ thỏa thuận

Chưa biết trong 60 ngày nữa Quốc hội Mỹ có quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran hay không, nhưng ngay từ lúc này đã gây ra những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ với Iran và các nước liên quan đến thỏa thuận này.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: SBS).
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: SBS).

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra cảnh báo sẽ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran đã đặt Mỹ vào thế đối đầu với các nước EU, Nga và Trung Quốc, khi liên tục vấp phải những chỉ trích của các quốc gia này.

Điều này có thể khiến nảy sinh những bất ổn mới trên chính trường quốc tế và cả những mâu thuẫn trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi giải quyết những vấn đề nóng của thế giới.

Bên cạnh đó, Tehran đã có những phản ứng rất gay gắt để đáp trả những cáo buộc của ông Donald Trump về việc nước này vi phạm thỏa thuận.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Iran sẽ không tái đàm phán thỏa thuận và sẽ tăng gấp đôi nỗ lực nhằm mở rộng năng lực quốc phòng, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo.

Đồng thời phát đi cảnh báo, các căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại các nước Trung Đông như ở Iraq, Israel, Oman, Bahrain, Afghanistan sẽ phải rời đi và phải ở cách xa biên giới Iran 2.000 km.

Ngoài những tuyên bố của Iran, các chuyên gia cũng lo ngại rằng:

Nếu Quốc hội Mỹ thúc đẩy một dự luật đòi hỏi Tehran một sự nhượng bộ hơn nữa, hoặc tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này, có thể sẽ khiến Iran rút khỏi thỏa thuận, trục xuất các thanh sát viên quốc tế và tái khởi động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.

Khi đó có thể tạo ra một “Triều Tiên” thứ hai, gây thêm những căng thẳng mới ở khu vực Trung Đông vốn đã vô cùng bất ổn trong hàng chục năm qua.

Và tệ hại hơn là có thể dẫn tới việc Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực Trung Đông lại tiến hành một cuộc “vây giáp” mới nhằm vào Iran để ngăn ngừa nước này phát triển vũ khí hạt nhân như những gì mà Mỹ đang làm đối với Triều Tiên.

Một cơ sở hạt nhân của Iran ở ngoại ô thành phố Isfahan (Ảnh Reuters).
Một cơ sở hạt nhân của Iran ở ngoại ô thành phố Isfahan (Ảnh Reuters).

Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ rõ ràng về một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran, bởi thực tại những diễn biến trên chiến trường Sirya và Iraq đang đặt lực lượng quân sự của Mỹ và Iran ở vào vị trí rất gần nhau.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang vô cùng căng thẳng mà vẫn chưa có cách nào để tháo gỡ.

Nếu Mỹ lại tiếp tục tạo ra một cuộc xung đột mới với Iran, bằng việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sẽ khiến thế giới nói chung và Triều Tiên nói riêng không còn tin Mỹ và không thể tin Mỹ được nữa.

Khi đó, hy vọng về một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Không biết rồi đây Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải giải quyết như thế nào với cùng một lúc hai “thùng thuốc súng” (Iran và Triều Tiên) khổng lồ này.

Nhưng trước mắt, thế giới sẽ phải đứng trước viễn cảnh bất an bởi những hiểm họa khôn lường về bài toán hạt nhân không đáp số của cả cũ và mới này.

Tài liệu tham khảo:

[1] Reuters/ Could shooting off his mouth be shooting himself in the foot.

[2] Yonhap North Korea/ North Korea - Yonhap News Agency/ U.S. not recertifying Iran deal sends 'perfect message' to N. Korea: Haley.

[3] TASS/ TASS Russian News Agency/ Moscow calls on Washington ‘not to fix what if not broke’ in Iran nuclear deal.

PHẠM DOÃN TÌNH