Nghịch lý khủng hoảng Triều Tiên và ẩn ý của ông Donald Trump

18/10/2017 08:41
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Đây có thể là một nước cờ trong chiến lược của ông Trump khi mà Trung Quốc - đối thủ lớn nhất của Mỹ trong khu vực này cũng đang nuôi tham vọng quân sự hóa.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng có những diễn biến hết sức căng thẳng và khó lường, khiến thế giới quan ngại về một cuộc xung đột quân sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Trong những ngày gần đây, các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng này đã liên tục có những phát biểu và hành động bất nhất, làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.

Đổ lỗi cho nhau trong hành trình tìm giải pháp ngoại giao

Trả lời báo giới hôm 16/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Hoa Kỳ đang “quan tâm nhiều nhất” đến việc sẽ đàm phán với Triều Tiên, nhưng có vẻ Bình Nhưỡng không quan tâm đến đối thoại khi họ tiếp tục có những động thái chuẩn bị cho các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân mới.

“Chúng tôi muốn có một cuộc đàm phán, một cuộc đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận thấy rằng Triều Tiên quan tâm đến đề nghị của chúng tôi vào thời điểm này”, bà Nauert nói.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Heather Nauert (Ảnh Yonhap).
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Heather Nauert (Ảnh Yonhap).

Bà Nauert cho biết thêm, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “chiến dịch gây áp lực ôn hòa” và trừng phạt Bình Nhưỡng với hy vọng nước này sẽ cùng với chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán.

“Vì Bình Nhưỡng không quan tâm đến đối thoại, nên đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch gây áp lực ôn hòa”.[1]

Cùng động thái tương tự, ông Ahn Ho-young Đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ cũng có phát biểu trước một phái đoàn Quốc hội nước này hôm 16/10 rằng:

Các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã bảo đảm với Hàn Quốc, các lựa chọn quân sự chống lại Triều Tiên chỉ là phương án cuối cùng.

“Các quan chức chính phủ có trách nhiệm tại Hoa Kỳ lưu ý rằng, mặc dù tất cả các lựa chọn quân sự đều đã đặt trên bàn, nhưng sẽ có rất nhiều điều có thể được thực hiện trước khi đưa ra các lựa chọn quân sự.

Đó là thông điệp nhất quán và thuyết phục.

Mục đích của các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng và chiến dịch áp lực cuối cùng là một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên”. [2]

Nghịch lý khủng hoảng Triều Tiên và ẩn ý của ông Donald Trump ảnh 2

Tiếp cận “hai chiều” - cách duy nhất để tháo ngòi nổ chiến tranh Mỹ - Triều

Trong khi đó, Phó Đại sứ Triều Tiên Kim In Ryong phát biểu trong cuộc thảo luận về vũ khí hạt nhân tại Ủy ban Giải trừ quân bị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 16/10:

Triều Tiên không muốn chiến tranh, Triều Tiên cũng muốn giải quyết xung đột bằng đàm phán.

Nhưng tình hình hiện nay rất khó để Triều Tiên chấp nhận điều này. Ông nói:

“Vì chính sách thù địch của Hoa Kỳ khiến chúng tôi phải làm như vậy.

Triều Tiên muốn tiến hành một giải pháp ngoại giao, nhưng Hoa Kỳ cần phải thay đổi chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân đối với Bình Nhưỡng.

Nếu không, chúng tôi sẽ không bao giờ đặt vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn đàm phán dưới bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Rõ ràng, lời phát biểu của tất cả các quan chức của các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều thể hiện muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột, nhưng lại cáo buộc nhau không có tiếng nói chung.

Còn trên thực tế, hành động của các bên như thế nào?

Hành động lại đưa cuộc xung đột đến miệng hố chiến tranh

Mỹ và Hàn Quốc nói rằng, luôn thể hiện sự “quan tâm nhiều nhất” đến một giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng, nhưng hiện tại họ lại đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn, điều đó không khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

Hãng thông tấn Yonhap hôm 16/10 cho biết, cuộc tập trận mang tên Chiến dịch ứng phó đặc biệt trên biển (MCSOFEX) giữa Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu diễn ra trên vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Tham gia cuộc tập trận có tàu sân bay USS Ronald Reagan và hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke là USS Stethem và USS Mustin đến từ hạm đội 7 của Mỹ.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ (Ảnh Reuters).
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ (Ảnh Reuters).

Ngoài ra, còn có hàng không mẫu hạm USS Eisenhower cùng với một đội tàu chiến đã rời San Diego đến phía Tây Thái Bình Dương.

Phía Hàn Quốc điều tàu khu trục Sejong the Great, máy bay chống ngầm P-3 Orion cùng các chiến đấu cơ A-10, F-15K, FA-18 và các trực thăng tấn công AH-64E Apache, Lunx… cùng một số khí tài quân sự khác tham gia cuộc tập trận.

Trong khi đó, tình báo Mỹ và Hàn Quốc cho biết, đã phát hiện được những dấu hiệu cho thấy có thể Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm tên lửa mới.

Theo đó, một vệ tinh của Mỹ đã ghi lại được hình ảnh các tên lửa đạn đạo đặt trên bệ phóng được di chuyển khỏi một kho chứa đến khu vực phía bắc tỉnh Pyongan.

Giới chức quân sự Mỹ tin rằng, hình ảnh trên cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa tương đương với vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hawsong-14 hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung Hawsong-12.

Hoặc cũng có thể là một vụ thử tên lửa Hawsong-13, là loại tên lửa sử dụng năng lượng rắn, có thể bay xa hơn cả tên lửa Hawsong-14.

Ông Shin Beomchul, giáo sư Học viện ngoại giao quốc gia Hàn Quốc nhận định:

“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, đặc biệt là trong thời gian diễn ra đại hội đảng ở Trung Quốc và trong thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm khu vực”.

Như vậy, giữa lời nói và hành động của các bên là bất nhất. Vậy thì làm sao mà có thể tiến tới một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột như các bên đã thể hiện là “mong muốn tìm kiếm”?!

Có thể là nước cờ trong chiến lược của Mỹ

Hành động trên thực tế của cả Mỹ và Triều Tiên đi ngược lại với lời nói khiến cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục lâm vào bế tắc.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay có lẽ không phải đơn thuần chỉ là vấn đề khủng hoảng của Triều Tiên, mà phải đặt câu hỏi đằng sau động thái khiêu khích quân sự của các bên là gì?

Đối với động thái chuẩn bị cho vụ thử nghiệm tên lửa mới của Bình Nhưỡng có thể hiểu được, đó là những nỗ lực trong việc chạy đua với thời gian để nhanh chóng hoàn thiện chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này, trước sức ép ngày càng lớn từ Mỹ và đồng minh.

Trong khi đó về phía Washington, có lẽ chưa ai có thể hiểu hết rốt cuộc Mỹ đang làm gì.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh Reuters).
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh Reuters).

Washington hoàn toàn có thể hiểu rằng, việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chỉ làm tăng thêm những nỗ lực trả đũa từ Bình Nhưỡng, chứ không thể khuất phục được nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Nhưng vì sao Mỹ vẫn tiến hành các cuộc tập trận?

Các chuyên gia nhận định, hành động tập trận của Hoa Kỳ với các đồng minh không chỉ đơn thuần là để gây sức ép đối với Bình Nhưỡng.

Mà đây còn là thời cơ để Mỹ tăng cường thêm sự hiện diện quân sự của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng đối với Mỹ.

Mặc dù hồi tháng 3, Mỹ đã tuyên bố chấm dứt chiến lược “xoay trục sang châu Á” mà chính quyền tiền nhiệm đã khởi xướng.

Tuy nhiên, không ai tin rằng Mỹ sẽ không có chiến lược mới tại khu vực này, mà rốt cuộc vẫn là chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có chăng chỉ khác về tên gọi.

Điều này cũng đã được thể hiện ngay sau đó, khi Ngoại trưởng Rex Tillerson có chuyến công du đầu tiên tới châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 3 đã nhấn mạnh việc chính quyền Donald Trump vẫn duy trì các cam kết của Mỹ với khu vực.

Nghịch lý khủng hoảng Triều Tiên và ẩn ý của ông Donald Trump ảnh 5

Mỹ tập trận với Campuchia, cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc

Một động thái khác để chứng minh cho việc Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ chiến lược “xoay trục sang châu Á”:

Đó là hồi tháng 4, Mỹ đã tăng cường thêm 1.500 lính thủy đánh bộ đến thành phố Darwin của Australia nhằm đảm bảo an ninh trong thời điểm căng thẳng này, và dự kiến sẽ còn tăng thêm.

Rồi việc Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc;

Tiếp đó là sự sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự ở các căn cứ đặt tại các nước đồng minh càng chứng minh rõ hơn cho những dấu hiệu này.

Vì vậy, các chuyên gia nhận định, có thể Mỹ đang dựa vào cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên để tăng cường các cuộc tập trận chung với đồng minh cũng như tăng thêm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà không chịu sự phản đối của các nước trong khu vực cũng như dư luận trong nước.

Qua đó, sẽ tăng thêm sức mạnh răn đe của Mỹ đối với bất kỳ sự trỗi dậy nào trong khu vực này làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo số 1 thế giới cũng như an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Đây có thể là một nước cờ trong chiến lược của ông Trump khi mà Trung Quốc - đối thủ lớn nhất của Mỹ trong khu vực này cũng đang nuôi tham vọng quân sự hóa và độc chiếm Biển Đông, để rồi tiến tới “giấc mơ” trở thành siêu cường số 1 thế giới thay Mỹ.

Và như vậy, “quả bom đầu tiên” trong cuộc chiến với Triều Tiên có lẽ sẽ còn lâu mới nổ.

Tài liệu tham khảo: 

[1] Yonhap North Korea/ North Korea - Yonhap News Agency/ U.S. 'most interested' in talking with N. Korea at right time: State Department.

[2] Yonhap North Korea/ North Korea - Yonhap News Agency / U.S. military options for N. Korea are last resort: envoy.

[3] Reuters/ North Korea warns states: Don't join any U.S. action and you're safe.

PHẠM DOÃN TÌNH