Hành trình gian nan trở thành giáo viên của thầy giáo người Rục

18/11/2017 06:32
Thủy Phan
(GDVN) - Để trở thành một thầy giáo được đứng trên bục giảng như hiện nay, thầy Hồ Tiến Nam đã trải qua những tháng năm phấn đấu học tập đầy khó khăn và vất vả.

Thầy Hồ Tiến Nam, (sinh năm 1988), hiện là giáo viên tiểu học của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa, (huyện Minh Hóa, Quảng Bình).

Thầy là người dân tộc Rục đầu tiên trở thành giáo viên tại tỉnh Quảng Bình sau những tháng năm phấn đấu học tập không biết mệt mỏi.

Thầy Hồ Tiến Nam là người dân tộc Rục đầu tiên trở thành giáo viên. (Ảnh: NVCC)
Thầy Hồ Tiến Nam là người dân tộc Rục đầu tiên trở thành giáo viên. (Ảnh: NVCC)

Đến tận bây giờ, khi đã có 4 năm đứng trên bục giảng, thầy Hồ Tiến Nam vẫn nhớ như in những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực để theo đuổi con chữ và trở thành thầy giáo.

Hồ Tiến Nam được sinh ra trong một gia đình nghèo, có 8 anh chị em ở xã miền núi Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Trước năm 1959, ông bà và bố mẹ Nam vẫn còn ở trong hang đá. Sau đó, được Bộ đội biên phòng phát hiện và đưa về với thế giới văn minh.

Khi Nam ở độ tuổi đến trường, được giáo viên vận động đến lớp, Nam cũng theo lũ bạn đi học cho vui.

Nhưng không ngờ, cậu bé nhỏ con ấy lại thấy rất hứng thú khi tiếp xúc với con chữ. Trong gần 3 năm đầu học tại Trường tiểu học Yên Hợp, Nam luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập.

Học xong kỳ 1 năm lớp 3, anh phải băng rừng vượt suối về Trường dân tộc nội trú huyện Minh Hóa học. Đường đi thời đó rất khó khăn, Hồ Tiến Nam đã phải trải qua những ngày rất vất vả và gian nan.

Thầy Nam cùng các học trò của mình. (Ảnh: NVCC)
Thầy Nam cùng các học trò của mình. (Ảnh: NVCC)

Những ngày đầu “hạ sơn” về trường mấy người bạn đi cùng. Nhưng rồi, các bạn của Nam bỏ học dần vì đường đi lại quá khó khăn. Có những ngày, Nam phải đi một mình đến trường nhưng anh vẫn quyết tâm không bỏ học.

“Hồi đó nhà mình nghèo lắm, bố mẹ không có tiền nên nhiều lần mình phải gùi theo ít củ sắn ra chợ Trung Hóa bán lấy tiền đi xe ôm. Có khi chẳng có ai mua, nên đành phải đi bộ về xuôi luôn”, Nam kể lại.

Gần 7 năm học, đôi chân của Hồ Tiến Nam vẫn bền bỉ đi trên con đường mòn, xuyên qua những cánh rừng già, những con suối sâu thẳm để đến trường.

Học xong cấp 2, Nam tiếp tục học cấp 3 ở Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình. Ba năm sau, Nam được tuyển vào Trường Đại học Quảng Bình, chuyên ngành sư phạm tiểu học.

Năm 2013, sau 5 năm “dùi mài kinh sử” Hồ Tiến Nam tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại khá. Sau đó, anh được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Yên Hợp (nay là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa).

Thầy Nam tâm sự: “Là người đầu tiên ở địa phương được làm thầy giáo, mình cảm thấy rất vui và tự hào. Qua mỗi tuổi nghề, mình càng thấy tự tin, chín chắn hơn khi đứng trên bục giảng”.

Khi được hỏi về những lời chúc của phụ huynh, học sinh dịp 20/11, thầy Nam cười và nói rằng, ở vùng miền núi biên giới khó khăn, ngày 20/11 cũng giống bao ngày bình thường khác, vì phụ huynh, học sinh không biết ngày 20/11 là ngày gì.

“Chỉ có một số học sinh cấp 2 biết đến ngày này, còn học sinh cấp 1 thì không biết. Nhân dịp này, nhận được từ các em học sinh những con điểm 9, điểm 10 là mình thấy vui lắm rồi. Đó là món quà lớn nhất mà học sinh tặng thầy giáo đó”, thầy Nam nói.

Thầy Cao Tiến Thông, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa cho biết, thầy Hồ Tiến Nam là người đồng bào dân tộc Rục đầu tiên trở thành giáo viên.

Bản thân thầy Nam trước đây cũng là học sinh trường này, em ấy đã chịu khó học tập và thi đỗ vào khoa sư phạm tiểu học, trường Đại học Quảng Bình.

“Khi về công tác tại trường, thầy Nam là người địa phương nên rất am hiểu tập quán, cách sống, đặc thù của học sinh ở đây.

Hơn nữa, thầy luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình giảng dạy, cũng như trong việc phối hợp với nhà trường, bộ đội biên phòng vận động học sinh đến lớp. Vì vậy, việc đảm bảo sỉ số của trường lớp, thầy Nam là người có rất nhiều đóng góp”, thầy Thông nói thêm.

Khoảng những năm 1958-1959, công an vũ trang (nay là biên phòng) phát hiện nhóm người nguyên thủy sống giữa rừng ở khu vực biên giới Quảng Bình. Đầu năm 1960, người Rục được vận động ra sinh sống tập trung, lúc ấy chỉ có 34 người. Đến năm 2012, lần đầu tiên, Đồn biên phòng Cà Xèng giúp người Rục làm lúa nước, tự đảm bảo được một phần lương thực.
Thủy Phan