Giật mình với chiêu “cò gỗ mổ cò thật” của nữ doanh nhân bí ẩn

01/12/2017 09:49
Cường Hải
(GDVN) - Chỉ buôn nước bọt, làm "cò" kết nối, nữ "doanh nhân" trẻ đã có trong tay 40% cổ phần, cùng hàng ngàn m2 đất vàng tại Thành phố Hải Phòng.

LTS: Hàng chục nghìn mét vuông đất ở khu công nghiệp trọng điểm, đất vàng của Thành phố Hải Phòng bị bỏ hoang vì các cổ đông kiện cáo nhau.

Lập công ty xong, lật lọng vi phạm những cam kết lẫn nhau, dùng đủ chiêu trò hất nhau khỏi "mâm cơm chung".

Điều lạ là kẻ hất người khác khỏi mâm cơm lại chính là cổ đông "tay không" nhưng được phân vai đi lo toàn bộ chi phí giao dịch, liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bằng quan hệ và có thể làm được "việc nhẹ, cổ phần cao" này cổ đông tay không ấy đã làm chủ hàng chục công ty lớn bé khác nhau.

"Liên minh" nào đứng sau trong những cuộc lật đổ mâm cơm ngoạn mục như vậy?

Đất vàng bỏ hoang vì bội tín trong làm ăn

Trong tập hồ sơ tố cáo dày gần 300 trang giấy A4, ông Phạm Minh Bằng (sinh năm 1961), trú tại số 323 Đà Nẵng (phường Vạn Mỹ, Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng) cho biết: Năm 1993, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Anh là doanh nghiệp do ông Bằng là Giám đốc, được Ủy ban nhân dân huyện An Hải cho phép khai hoang, phục hóa để nuôi trồng thủy sản theo quyết định số 187-QĐ/UB.

Năm 2003, tuyến đường trục Đình Vũ được xây dựng, khiến cho khu đất này bị biến thành vùng đất xen kẹt, không thể nuôi trồng được thủy sản, đành bỏ vậy, chờ xin làm thủ tục chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản sang làm kho bãi.

Do gặp khó khăn về vốn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Anh đã kêu gọi hợp tác đầu tư. Đã có một số đối tác đến hợp tác làm ăn. Với thỏa thuận này, thì một công ty cổ phần mới được ra đời, thay thế cho doanh nghiệp cũ.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Anh sẽ được đổi tên, các cổ phần ghi danh được hóa đổi.

Theo đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Anh sẽ xin thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, đổi thành Công ty cổ phần đào tạo và dịch vụ cảng biển Hải Phòng.

Một bản hợp đồng hợp tác đầu tư đã ra đời.

Theo bản hợp đồng này, việc phân chia thì trách nhiệm của từng cổ đông được cụ thể hóa bằng các trách nhiệm, các đóng góp của mình.

Cụ thể, ông Phạm Minh Bằng, Giám đốc , Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Anh góp bằng toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án xây dựng kho bãi Contenner, quyền sử dụng 10 ha đất nuôi trồng thủy sản, giữ 20% cổ phần.

Cổ đông thứ 2 là ông Phạm Đạo chịu trách nhiệm điều hành công ty, bỏ vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng giữ 40% cổ phần.

Sau lời hứa của cổ đông Nguyễn Thị Lành, dự án đất vàng của Thành phố Hải Phòng bị bỏ hoang. (Ảnh: NVCC)
Sau lời hứa của cổ đông Nguyễn Thị Lành, dự án đất vàng của Thành phố Hải Phòng bị bỏ hoang. (Ảnh: NVCC)

Một cổ đông “đặc biệt” nữa là bà Nguyễn Thị Lành, sinh năm 1985, trú tại phường Quán Thánh, Hà Nội được ghi danh góp vốn bằng hình thức “bỏ vốn” ra để lo toàn bộ chi phí giao dịch, liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty cổ phần Nhật Anh thực hiện dự án. (Không phải trả tiền mua cổ phần).

Với vai trò đó, bà Nguyễn Thị Lành được ghi nhận cổ phần đến 40% vốn điều lệ tại công ty mới và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Anh đã chuyển đổi thành Công ty cổ phần đào tạo và dịch vụ cảng biển Hải Phòng.

Các cổ đông được ghi danh bao gồm: Nguyễn Thị Lành (1985): 40% cổ phần, Phạm Minh Bằng (sinh năm 1961): 20% cổ phần và Phạm văn Đạo (40%).

Sẽ không có chuyện khiếu kiện lùm xùm khi các bên tôn trọng các cam kết, thậm chí với vị trí đất vàng tại một khu công nghiệp trọng điểm, Công ty cổ phần đào tạo và dịch vụ cảng biển Hải Phòng sẽ có tương lai phát triển tốt.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Bằng cho biết: Trong quá trình làm dự án, bà Nguyễn Thị Lành liên tục yêu cầu các cổ đông góp tiền và để sử dụng đi lo dự án mà không thực hiện như thỏa thuận ban đầu là phần việc này, bà Lành phải lo.

Chính vì những mâu thuẫn đó, khiến cho dự án đổ bể. Đến nay, đã 2 năm trôi qua mà vẫn chỉ là bãi đất hoang.

Ông Bằng khẳng định: Việc thành lập công ty mới, có ghi danh cho bà Nguyễn Thị Lành đứng trong vốn điều lệ với tỷ lệ góp là 40% thực chất chỉ là ghi vào đó, chứ bà Lành chưa đóng góp gì cho doanh nghiệp cả.

Vì sự chậm trễ trong việc lo dự án nên đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, không đưa vào làm gì, gây lãng phí…

Nữ doanh nhân hay "liên minh" chống lưng?

Theo thông tin điều tra của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cổ đông Nguyễn Thị Lành quả thật là một nữ doanh nhân có quá nhiều bí ẩn.

Mặc dù còn rất trẻ (Sinh năm 1985) nhưng nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lành đã “có chân” trong khá nhiều công ty với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Năm 2016, nữ doanh Nguyễn Thị Lành có chân trong Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh chế biến cây nguyên liệu giấy Hải Phòng – Đài Loan, trụ sở tại 409, Lê Lai, Hải Phòng.

Trước đó, doanh nghiệp này vốn dĩ là liên doanh giữa công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy sản Hạ Long và đối tác Đài Loan.

Sau đó, đối tác Đài Loan lặng lẽ chuyển nhượng lại cho Công ty Cổ phần Sơn HUD Việt Nam, có địa chỉ tại số 69, ngách 32, ngõ 76, phố An Dương, Quận Tây Hồ, Hà Nội.

Liên doanh này sau đó chuyển đổi, đồng thời cũng chuyển chủ. Sau chuyển đổi, Nguyễn Thị Lành lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Trách nhiệm hữu hạn liên doanh chế biến cây nguyên liệu giấy Hải Phòng – Đài Loan (gọi tắt là HAITAICO).

Cùng với sự chuyển đổi, doanh nhân Nguyễn Thị Lành tiếp tục làm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty mới.

Không chỉ ở Công ty cổ phần đào tạo và dịch vụ cảng biển Hải Phòng và HAITAICO, công ty cổ phần An Biên cũng đã đưa bà Nguyễn Thị Lành vào công ty góp cổ phần 50% vốn và nữ doanh nhân này không phải mất một đồng nào mua cổ phần.

Về chiêu thức bí ẩn của doanh nhân này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng nội dung chính của văn bản do Công ty cổ phần An Biên ngày 30/10/2017 gửi Bí thư, Chủ tịch và Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố, đồng thời văn bản này có gửi cho Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam do Giám đốc Công ty cổ phần An Biên, Đào Trọng Biểu ký có nội dung như sau:

“Công ty cổ phần An Biên, địa chỉ trụ sở tại số 1 Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng nhận được Công văn số 3061/KHĐT-KTN đề ngày 13/10/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng về việc điều chỉnh Dự án nhà ở thương mại tại số 1 Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân kèm theo Thông báo số 393/TB-UBND ngày 05/10/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng.

(Có công văn số 3061/KHĐT-KTN đề ngày 13/10/2017 và Thông báo số 393/TB-UBND ngày 05/10/2017 kèm theo. Qua nội dung các văn bản nêu trên, Cty cổ phần An Biên có ý kiến như sau:

Thứ nhất: Mảnh đất Cty CP An Biên tại số 1 Lán Bè, quận Lê Chân, Hải Phòng là mảnh đất mà chúng tôi phải bỏ rất nhiều tỷ đồng để mua lại của Nhà nước bằng hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ năm 2004 chứ không phải chúng tôi đi xin đất dự án của Thành phố

(Có Quyết định 1612/QĐ-UB ngày 7/6/2004 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng  v/v chuyển Công ty Cơ khí An Biên là doanh nghiệp nhà nước thành Công ty Cổ phần An Biên kèm theo).

Thứ hai: Thực hiện chủ trương của Thành phố về việc di chuyển cơ sở sản xuất kinh doanh ra khỏi thành phố, chúng tôi đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để thuê đơn vị tư vấn Hải Phòng lập dự án xin đầu tư khu nhà ở thương mại và được Thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 648/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở thương mại tại số 1 Lán Bè, Phường Lam Sơn, Quận Lê Chân ngày 22/4/2010

(Có Quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 22/4/2010 kèm theo).

Thứ ba: Sau khi thành phố Hải Phòng thay đổi lãnh đạo mới, Công ty cổ phần An Biên lại nhận được Công văn số 7128/UBND-XD ngày 19/9/2014 về việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ thu hồi đất của Công ty của chúng tôi

(Có công văn số 7128/UBND-XD ngày 19/9/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng kèm theo).

Ngày 20/7/2015, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có Thông báo số 198/TB-UBND về Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố,  Lê Văn Thành về việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh từ bến xe Tam Bạc đến chân cầu đường bộ Tam Bạc, trong đó có Kết luận về việc kiểm kê, lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất của Công ty cổ phần An Biên tại số 1 Lán Bè, quận Lê Chân

(Có Thông báo số 198/TB-UBND của Ủy ban nhân dân  thành phố Hải Phòng ngày 20/7/2015 kèm theo).

Văn bản của công ty cổ phần An Biên tố việc của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lành.
Văn bản của công ty cổ phần An Biên tố việc của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lành.

Thứ tư: Đứng trước tình hình bị thu hồi đất, chúng tôi đã phải bỏ ra nhiều trăm triệu đồng và phải chấp nhận cắt 50% dự án này để trả này để trả công cho ông Trần Trọng Vượng là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Chính trị nội bộ của Ban tổ chức trung ương bằng hình thức phải đưa vợ ông Trần Trọng Vượng là bà Nguyễn Thị Lành vào Công ty làm cổ đông góp 50% vốn điều lệ nhưng không được nhận của bà Lành đồng nào để ông Vượng đứng ra liên hệ với Thành phố Hải Phòng xin phép cho chúng tôi được tiếp tục thực hiện dự án

(Có Biên bản làm việc giữa Chủ tịch hội đồng quản trị và bà Nguyễn Thị Lành – vợ ông Trần Trọng Vượng ngày 16/10/2016 kèm theo).

Thứ năm: Sau khi chi phí và cắt 50% dự án cho ông Trần Trọng Vượng, bà Nguyễn Thị Lành, ngày 16/11/2015, Công ty cổ phần An Biên được Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng cho phép hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định, tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại theo Quyết định số 1650/QĐ-UBND ngày 17/10/2011 của UBND thành phố

(Có Thông báo số 314/TB – UBND ngày 16/11/2015 Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng kèm theo)…”.

Lại một lần nữa Nguyễn Thị Lành lại ra tay phù phép để hưởng không 50% vốn điều lệ của Công ty cổ phần An Biên.

Không khó nhận ra Nguyễn Thị Lành dựa vào thế lực nào để thao túng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tý dự án, đồng thời ngang nhiên chiếm và giữ cổ phần 40% đến 50% của các dự án khác nhau.

Hiện tại theo thống kê, Nguyễn Thị lành đã đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và giữ vốn điều lệ chi phối của nhiều công ty trên toàn đất nước này.

Đã đến lúc các cơ quan bảo vệ Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm vào cuộc làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ của một vài cán bộ và hành vi của bà Nguyễn Thị Lành.

Đồng thời, xem xét làm rõ và xử lý trách nhiệm (nếu có) trong việc thao túng gây khó khăn cho doanh nghiệp của một số cán bộ thành phố Hải Phòng .

Cường Hải