Những ai làm méo mó chủ trương của Nhà nước?

01/03/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, sự vào cuộc cũng như giải pháp của Bộ Giao thông Vận tải rất chậm và chưa làm hài lòng người dân về các dự án BOT.

Đầu năm 2018 căng thẳng liên tiếp bùng phát tại các trạm BOT giao thông như Cần Thơ – Phụng Hiệp, Sóc Trăng, Tam Kỳ (Quảng Nam), Ninh An (Khánh Hòa)… điều này khiến giao thông ùn tắc kéo dài buộc các trạm BOT phải xả trạm.

Xung đột giữa tài xế, người dân và chủ đầu tư tại các trạm BOT đã gây mất trật tự tại nhiều địa phương trên cả nước.

Trước tình hình trên, ngày 18/1, Bộ Giao thông Vận tải phải tiến hành cuộc họp báo để thông tin về các dự án BOT.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hệ thống các trạm BOT và đang rà soát. Năm 2018 sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề BOT.

Cũng trong ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chuyển hồ sơ, tư liệu các đối tượng gây rối sang Bộ Công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Cuối năm 2017, tình hình phức tạp diễn ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy đã buộc chủ đầu tư phải xả trạm 30 lần chỉ trong vài ngày. Ảnh: Nam Thái/TTXVN.
Cuối năm 2017, tình hình phức tạp diễn ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy đã buộc chủ đầu tư phải xả trạm 30 lần chỉ trong vài ngày. Ảnh: Nam Thái/TTXVN. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia nghiên cứu giao thông - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy đã có những phân tích đánh giá toàn diện các dự án BOT gây nhức nhối dư luận vừa qua.

Ông Thủy cho rằng: “Lĩnh vực giao thông đòi hỏi kinh phí rất lớn để làm đường giao thông, bởi vậy việc xã hội hóa bằng các hình thức đầu tư BOT để nâng cao hệ thống giao thông là chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án này còn nhiều vấn đề, gần như chúng ta đang thương mại hóa mạng lưới giao thông.

Trong khi đó, mạng lưới giao thông thực chất được nhà nước đầu tư để nhân dân đi lại thuận tiện. Thương mại hóa mạng lưới giao thông khiến người dân cứ bước ra đường là phải trả phí”.

Những ai làm méo mó chủ trương của Nhà nước? ảnh 2Xung đột lợi ích BOT giao thông bao giờ mới chấm dứt?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm: “Thời điểm ông Đinh La Thăng còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã tận dụng và huy động nguồn tiền từ xã hội làm BOT là cách làm đúng.

Nhưng việc ông Thăng cho cắt khúc Quốc lộ 1 từ Bắc tới Nam làm BOT tôi đã phản đối rất gay gắt.

Quốc lộ 1 là quốc lộ duy nhất, độc đạo thì phải để phục vụ người dân chứ không thể thương mại hóa được.

Nếu làm BOT một đường cao tốc Bắc Nam mới thì không có gì phải nói, phương tiện nào muốn đi đường đẹp, đi nhanh phải mất phí, còn không thì họ vẫn có đường quốc lộ 1 cũ đi.

Việc quốc lộ 1 bị cắt khúc để làm BOT dẫn đến người dân phản ứng, bức xúc, thậm chí còn gây mất an ninh trật tự xã hội, vì thế đây là bài học sâu sắc về BOT phải rút kinh nghiệm và không để tái diễn”. 

Người dân, tài xế bức xúc trước vị trí đặt trạm BOT và mức phí thu quá cao bởi không ít tuyến đường chủ đầu tư chỉ "tráng men", nhưng lại thu phí như đường mới, trong đó thì cơ quan chức năng và báo chí từng đề cập tới dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, dù chỉ đầu tư 30% nhưng đã thu tiền như đường làm mới. 

Về vị trí đặt trạm BOT, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy chỉ rõ: “Đặt vị trí trạm BOT sai, đường chủ đầu tư xây dựng không đặt trạm BOT mà lại đặt ở đường không đầu tư vì lượng phương tiện đi lại lớn.

Mục đích là thu được nhiều tiền, nhưng anh không đầu tư thì làm sao anh được đặt như vậy. Điều đó rất vô lý. Đó chính là sự sai lầm của cơ quan quản lý và nhà đầu tư đã coi thường nhận thức của người dân.

Người dân hoàn toàn có thể nắm được luật, chính sách và những bất thường trong việc đặt trạm thu phí cũng như mức thu phí của chủ đầu tư.

Người dân khi thấy những bất cập, sai phạm của chủ đầu tư thì họ thiếu lòng tin, ác cảm với BOT từ đó dẫn đến những phản ứng thái quá”.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, thương mại hóa hệ thống giao thông khiến người dân bước ra đường là phải trả phí. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, thương mại hóa hệ thống giao thông khiến người dân bước ra đường là phải trả phí. Ảnh: Vũ Phương. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn cho rằng: "Các trạm BOT không chỉ đặt sai vị trí trạm, chủ đầu tư còn chỉ sửa chữa, "tráng men" lớp nhựa mà thu phí như làm đường mới, mức phí quá cao thì sao người dân chịu nổi.

Chủ đầu tư có thể thu phí, nhưng nên thu mức phí hợp lý chứ không phải muốn thu cao và thu trong thời gian dài. Điều này có lợi rất lớn cho chủ đầu tư, còn người dân bị thiệt nặng".

Ông Thủy phân tích thêm: “Thời kinh tế thị trường, mức phí của anh hợp lý người dân đi ngay, nhưng không thì họ sẽ đi đường chất lượng thấp hơn nhưng miễn phí.

Tâm lý ai cũng thích đi đường rộng, đường đẹp, nhưng phí quá cao thì người dân sao chịu nổi. Phương thức đầu tư các dự án giao thông bằng hình thức BOT là cần thiết, nhưng quản lý như thời gian vừa qua lại rất yếu kém.

Thứ nhất là quản lý về việc thu phí. Cách thu phí rất thủ công như hiện nay sẽ tiềm ẩn nhiều tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. 

Như đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, kiểm tra số tiền vé thu thực tế chênh lệch rất nhiều so với thực tế… biến chủ trương BOT tốt thành xấu, tiêu cực.

Một điểm nữa, thực hiện BOT vừa qua làm một cách tràn lan, gần như tuyến nào cũng làm BOT. Điều này dẫn đến đường giao thông công cộng đang trở thành tư nhân hóa, thương mại hóa.

Người dân ra đường phải trả phí chồng phí trong khi họ đã đóng phí bảo trì đường bộ…điều này rất vô lý.

Bất cập của BOT trong thời gian qua là thiếu nhân văn và không đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước”.

Những ai làm méo mó chủ trương của Nhà nước? ảnh 4Cấm dừng quá 5 phút có bắt được bệnh ùn tắc của BOT?

Tiến sĩ Thủy nhấn mạnh: “Bộ Giao thông Vận tải phải cương quyết trong việc thực hiện việc thu phí không dừng, tức thu phí điện tử để đảm bảo công khai minh, bạch.

Cuối năm 2017 đã nói đến việc 100% phải thu phí điện tử, nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình chây ì.

Họ cố tình chây ì, trì hoãn áp dụng thu phí tự động vì thu phí bằng vé như hiện tại dễ tiêu cực và thất thoát hơn.

Vừa mới đây, lại có thêm chỉ đạo của Thủ tướng thì Bộ Giao thông Vận tải phải cương quyết, xử lý nghiêm các trạm không thực hiện. Thế giới áp dụng từ lâu rồi, không có lý do gì mà Việt Nam không áp dụng".

Nói về trách nhiệm, sự vào cuộc cũng như cách giải quyết của Bộ Giao thông Vận tải trong vấn đề BOT vừa qua chưa làm hài lòng người dân, Tiến sĩ Thủy cho rằng: “Bộ Giao thông Vận tải vừa qua xử lý một số vấn đề còn chậm. Như trạm BOT Cai Lậy, Sóc Trăng… là ví dụ, đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Có thể nói thẳng ra Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm cho những cán bộ yếu kém về bản lĩnh, tư duy, cho nên mới dẫn đến tình trạng này. Không chỉ BOT mà nhiều công trình trọng điểm của đất nước liên tục phải kéo dãn kế hoạch đến vài năm liền và đội giá.

Người đứng đầu Bộ cần quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận “hy sinh” để giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại của ngành để lấy lại lòng tin.

Khi lấy lại được lòng tin của người dân rồi thì các trạm BOT khác sẽ thông. Khi đó, người nào cố tình gây cản trở, mất an ninh trật tự thì hoàn toàn có thể xử lý”.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cũng cho biết thêm: “Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa qua đã cầu thị và hứa với nhân dân. Hai con đường trở lên mới làm BOT và không BOT các quốc lộ. 100% các trạm sẽ áp dụng thu phí tự động. Điều này chúng ta phải chờ đợi lời hứa của Bộ trưởng thực hiện như thế nào”.

Vũ Phương