Sở Giao thông Thanh Hóa thấy có bất thường trong giữ xe 5 ngày mới lập biên bản

29/03/2018 07:44
DU THIÊN
(GDVN) - Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết sẽ cho kiểm tra lại quy trình xử lý phương tiện biển kiểm soát 36C - 15235.

Sở Giao thông chỉ đạo kiểm tra quy trình xử lý 

Không khó để nhận thấy một số điểm bất thường trong vụ Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa câu lưu xe tải nhiều ngày.

Trước khi đề cập sâu vào vụ việc này, cần khẳng định rằng, pháp luật không dung túng cho những hành vi vi phạm (nếu có) do người điều khiển phương tiện gây ra, thậm chí hành vi đó xuất phát từ lực lượng chức năng.

Nói cách khác, bất cứ hành vi vi phạm (nếu có) dù là ai cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói như vậy có nghĩa rằng, ngay cả khi phương tiện có dấu hiệu vi phạm về trọng tải thì quy trình kiểm tra xử lý cũng cần phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định để người xử phạt và người bị xử phạt đều tâm phục khẩu phục.

Điều này cũng có nghĩa rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có cái lý của họ khi "bắt lỗi" cơ quan có thẩm quyền nếu Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa thực hiện không đúng quy định về xử lý vi phạm.

Chiếc xe tải do tài xế H.I.Q. điều khiển bị câu lưu nhiều ngày tại trạm cân xã Quảng Trạch.
Chiếc xe tải do tài xế H.I.Q.  điều khiển bị câu lưu nhiều ngày tại trạm cân xã Quảng Trạch.

Quay trở lại sự việc nói trên, hàng loạt các câu hỏi đặt ra cho cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm, vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng, như: Tại sao xe tải bị câu lưu tới 5 ngày mới bị lập biên bản xử lý?

Liệu có sự sách nhiễu, gây phiền hà của một số cán bộ thanh tra giao thông đối với chủ xe, lái xe? 

Trách nhiệm của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa (nếu có) trước những dấu hiệu gây tổn hại tới tài sản của người điều khiển và phương tiện lưu thông? 

Rõ ràng, khi cơ quan có thẩm quyền chưa giải đáp thỏa mãn những nghi vấn đó thì việc xử lý các dấu hiệu vi phạm trong vụ việc nói trên sẽ thiếu tính thuyết phục.

Hôm 27/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết, Sở sẽ chỉ đạo, kiểm tra làm rõ quy trình xử lý vụ việc của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa theo phản ánh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Sở Giao thông Thanh Hóa thấy có bất thường trong giữ xe 5 ngày mới lập biên bản ảnh 2

Giữ xe 5 ngày mới lập biên bản, Thanh tra giao thông Thanh Hóa muốn điều gì?

"Chúng tôi đã tiếp nhận được báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông vận tải khi xử lý xe tải biển kiểm soát 36C - 15235.

Theo báo cáo ban đầu, trong khi xử lý vi phạm, tài xế xe tải không xuất trình giấy tờ để làm căn cứ kiểm tra trọng tải mà đóng cửa xe bỏ đi", ông Tuấn cho biết. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong tất cả các văn bản mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp cận được trong vụ việc này, không có văn bản nào khẳng định tài xế điều khiển xe mang biển kiểm soát 36C - 15235 có dấu hiệu chống đối, hoặc không hợp tác với lực lượng thực thi nhiệm vụ. 

Thậm chí, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cũng không trình được văn bản cho rằng, tài xế chống đối hay làm khó lực lượng chức năng.

Về việc này, ông Tuấn cho biết: "Chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra quy trình thực hiện xử lý vụ việc của Thanh tra Sở Giao thông vận tải", ông Tuấn cho biết.

Tài xế tiếp tục gửi đơn khiếu nại

Hôm 27/3, tài xế H.I.Q. (quê quán Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tiếp tục có đơn khiếu nại gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa trong việc câu lưu xe nhiều ngày, đồng thời cho rằng, hành vi trên là không thể chấp nhận được.

"Hàng hóa trên xe sau 5 ngày mưa gió và các yếu tố khác tác động sẽ ảnh hưởng đến phương tiện và hàng hóa. Do đó, khi kiểm tra trọng tải sẽ không đúng với trọng lượng và số lượng ban đầu. 

Vì vậy, tôi đề nghị Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 19/3/2018, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc minh xét sự việc nói trên", tài xế kiến nghị.

Tài xế Q. cũng khẳng định lại, không có chuyện chống lệnh lực lượng chức năng khi kiểm tra trọng tải xe. Ảnh nhân vật cung cấp.
Tài xế Q. cũng khẳng định lại, không có chuyện chống lệnh lực lượng chức năng khi kiểm tra trọng tải xe. Ảnh nhân vật cung cấp.

Tài xế Q. cũng khẳng định lại, không có chuyện chống lệnh lực lượng chức năng khi kiểm tra trọng tải xe.

Mặt khác, việc làm của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa có dấu hiệu gây tổn hại về kinh tế của tài xế, doanh nghiệp. 

"Không lâu sau khi có lệnh của thanh tra, chiều ngày 15/3 tôi đã có đầy đủ giấy tờ xe. Tuy nhiên, ngay cả khi có đầy đủ giấy tờ xe thì họ cũng không kiểm tra trọng tải xe, mặc dù nhiều ngày sau đó, cán bộ thanh tra vẫn có mặt tại trạm cân.

Gần 1 tuần sau họ mới kiểm tra trọng tải và lập biên bản xe. Tại sao lại có chuyện vô lý như vậy? Thanh tra làm như vậy nhằm mục đích gì?

Bên cạnh đó, việc câu lưu xe gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế cho tôi và doanh nghiệp.

Bình thường mỗi ngày phương tiện chuyên chở vật liệu có thể đưa lại hiệu quả kinh tế khoảng 8 triệu đồng. Như vậy, với 5 ngày bị câu lưu, thiệt hại cho cả tài xế và doanh nghiệp là không hề nhỏ.

Ai có trách nhiệm trước những thiệt hại này của chúng tôi khi xe bị câu lưu nhiều ngày", tài xế Q. điều khiển xe biển kiểm soát 36C - 15235 cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về tính pháp lý khi xử lý phương tiện giao thông trong trường hợp nói trên, Luật sư Nguyễn Văn Bình (đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: 

"Theo quy định về luật xử phạt vi phạm hành chính, khi tạm giữ phương tiện vi phạm thì phải lập biên bản.

Nguyên tắc đầu tiên là phải lập biên bản sau đó mới được giữ xe. Biên bản đó phải thể hiện đó là phương tiện gì? tại sao lại giữ...?

Do đó, khi giữ xe mà không lập biên bản là vi phạm luật xử phạt vi phạm hành chính", Luật sư Nguyễn Văn Bình nói.

DU THIÊN