Lên lớp bây giờ, thầy cô phải là đạo diễn để dàn dựng và phân vai cho học trò

20/05/2018 07:45
Tấn Tài
(GDVN) - Trước những yêu cầu thay đổi về chương trình, sách giáo khoa phổ thông, các trường sư phạm cũng cần có những chuẩn bị để “đón đầu” cuộc đổi mới này.

LTS: Xung quanh vấn đề đổi mới trong phương pháp đào tạo giáo viên để chuẩn bị cho những cải cách, đổi mới của ngành giáo dục, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Đà Nẵng về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Phóng viên: Thưa thầy, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, vậy nhà trường có những thay đổi gì trong cách đào tạo giáo viên hiện nay?

Phó Giáo sư Lưu Trang: Trước thực tế thay đổi chương trình các cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trong những năm qua đã trang bị tâm thế “đón đầu” cho cuộc đổi mới này.

Chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng cần phải thay đổi để "đón đầu" cuộc đổi mới giáo dục. Ảnh: TT
Chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng cần phải thay đổi để "đón đầu" cuộc đổi mới giáo dục. Ảnh: TT

Từ việc mở mã ngành đào tạo giáo viên mới theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới;

Việc biên soạn lại chương trình đào tạo Đại học, sau Đại học đáp ứng chương trình đổi mới tổng thể, đến cập nhật, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Tất cả đều được lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các khoa vào cuộc. Không chỉ vậy, nhà trường cũng rà soát, thay thế, bổ sung những ngành đào tạo phù hợp với phương thức đào tạo tích hợp của chương trình phổ thông.

Thầy Tạ Quang Sum và 3 chỉnh đốn trong đào tạo ngành sư phạm

Ngoài ra, trong thời gian sắp đến, trong chiến lược tái cấu trúc nhà trường, sẽ thành lập Khoa/liên Khoa Sư phạm để kịp thời đáp ứng công tác đào tạo đội ngũ giáo viên mới giảng dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên, Sử - Địa…

Đồng thời, có thể đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để giảng viên sẵn sàng thích ứng với sự đổi mới căn bản toàn diện, nhà trường tổ chức những đợt tập huấn, trao đổi giữa các chuyên gia với giảng viên và sinh viên hình dung một cách toàn diện về quy trình đổi mới giáo dục này.

Nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, không chỉ tập trung vào công tác đào tạo mà nhà trường còn thay đổi cách thức đào tạo giáo viên.

Không chỉ giảng dạy là chia sẻ tri thức mà còn phát huy năng lực tự chủ, năng lực tự quản lý bản thân của giáo viên bởi kịch bản một giờ dạy phổ thông hiện nay đòi hỏi người thầy phải sắm vai nhà đạo diễn để dàn dựng và phân vai cho người học thực hiện kịch bản đó.

Muốn vậy, nhà trường đại học phải thay đổi cách thức đào tạo giáo viên theo hướng chuyên nghiệp, tăng cường tính đối thoại, phản biện trong giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

Tăng những học phần nghiệp vụ sư phạm trong chương trình đào tạo giáo viên. Trang bị những kĩ năng giảng dạy liên ngành, liên môn để đáp ứng đào tạo một giáo viên mới có thể đối mới giáo dục hiện nay.

Vừa qua, dư luận bức xúc trước tình trạng một số giáo viên có cách hành xử với học sinh, phụ huynh không đúng.

Điển hình như một cô giáo ở Sài Gòn đi dạy nhưng không nói gì suốt một học kỳ, hay một trường hợp khác là giáo viên bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng.

Vậy trong quá trình đào tạ, nhà trường có chú trọng đào tạo kỹ năng cho các thầy cô ra sao?

Phó Giáo sư Lưu Trang: Nhà trường chú trọng nâng cao kĩ năng giao tiếp, ứng xử cho giảng viên.

Sinh viên Đại học sư phạm Đà Nẵng trong các hoạt động hướng về biển đảo. Ảnh: VS
Sinh viên Đại học sư phạm Đà Nẵng trong các hoạt động hướng về biển đảo. Ảnh: VS

Đây là công việc luôn được đặt ngang hàng với chủ trương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nhà trường.

Trước những câu chuyện đáng buồn của ứng xử, giao tiếp giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh như thời gian qua.

Thiết nghĩ người làm nghề dạy học chỉ coi trọng chuyên môn nghiệp vụ mà thờ ơ với các phạm trù đạo đức nghề nghiệp.

Chỉ có những con người ưu tú mới đào tạo ra những con người xuất sắc

Và không dành sự quan tâm đúng mức vào một số kĩ năng ứng xử, giao tiếp trong đó có kĩ năng tác động tâm lí đến người học… thì ngành giáo dục còn tồn tại nhiều hiện tượng đáng báo động khác.

Có thể đánh mất lòng tin của xã hội đối với nghề cao quý này. Do đó, trong chương trình đào tạo của trường luôn có những nội dung chuyên sâu để đào tạo các em, hướng dẫn các em xử lý các tình huống phù hợp với đạo đức, tư cách của một người làm thầy, làm cô.

Xin trân trọng cảm ơn thầy!

Tấn Tài