Thói sĩ diện hão của nhiều ông bố, bà mẹ đang làm hại các con

14/06/2018 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Giấy khen, trường chuyên, lớp chọn... của con cái bấy lâu nay đang là thứ trang sức phục vụ cho thói sĩ diện hão của nhiều ông bố, bà mẹ.

Mùa tổng kết năm học cũng là lúc các mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh giấy khen, thành tích học tập của con trẻ, kèm theo đó là những status (trạng thái) đầy vẻ tự hào của bố mẹ.

Để rồi sau đó họ lại lao vào cuộc chạy đua trường chuyên, lớp chọn… cho con và tỏ ra vô cùng tự hào vì con em mình học ở đó.

Nhưng những hạnh phúc đó của bố mẹ nhiều lúc không phải là hạnh phúc của các con. Những đứa trẻ phải vùi đầu vào sách vở, phải chịu đủ thứ áp lực về điểm số và dần đánh mất tuổi thơ, mất hết những sự hồn nhiên mà chúng đáng ra phải được tận hưởng ở lứa tuổi này.

Tất cả cũng chỉ vì những lo lắng thái quá, vì thói sĩ hão của bố, mẹ và vì cái tâm lý con mình luôn phải giỏi hơn con hàng xóm.

Nhìn ở một góc nhỏ tích cực thì sĩ diện của con người có thể coi là động lực để vươn lên trong lao động, học tập, tự khẳng định mình. Mỗi cá nhân phát triển tốt thì gia đình tốt, xã hội tốt và đất nước hùng cường.

Thế nhưng, đó là câu chuyện của những người đã trưởng thành, sĩ diện của bố mẹ không có nghĩa là kéo cả con cái vào, biến chúng trở thành những thứ “trang sức” cho sĩ diện của bố mẹ.

Đến hẹn lại lên, giấy khen của các con lại ngợp trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh chụp từ màn hình)
Đến hẹn lại lên, giấy khen của các con lại ngợp trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh chụp từ màn hình)

Rất nhiều gia đình luôn kỳ vọng con mình học giỏi, thậm chí tự huyễn hoặc con thông minh như thần đồng, tự định hướng - ép con vào trường chuyên, lớp chọn mà không quan tâm tới mong muốn, cảm xúc của con. Họ bắt con "chín ép", gánh số sách vở có cân nặng vượt quá khả năng của chúng.

Trong khi các bậc phụ huynh lớn tiếng phê bình bệnh thành tích trong giáo dục, tại trường, tại lớp nhưng họ vẫn muốn con mình phải là thần đồng, phải học, học và học.

Sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh vào thành tích học tập của con là một sự kỳ vọng chính đáng nhưng sự kỳ vọng đó phải phù hợp với khả năng và sở trường của con cái.

Danh hiệu, điểm số, đội tuyển không chỉ là những thứ áp lực đặt trên vai con trẻ mà nó còn thể hiện rằng lòng tham, sự ích kỷ và vô cảm của bố mẹ đã và nó khiến cho bệnh thành tích của cả xã hội trầm trọng hơn.

Thật xót xa khi có những đứa trẻ đã hành động dại dột là tìm đến cái chết để giải thoát mình.

Đầu tháng 1/2018, một nữ sinh 12 tuổi tại Hà Tĩnh tự tử ngay tại lớp học. Em đã để lại lời xin lỗi tuyệt mệnh.

Em xin lỗi vì không thể tiếp tục vui chơi cùng bạn bè. Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.

Gia đình và thầy cô đã xót xa rằng tại sao em lại dại dột như thế nhưng trước khi tìm đến cái chết, không ai chịu lắng nghe tâm sự và cho em một lần được nói.

Cũng trong năm 2018, nam sinh lớp 10 vừa khóc vừa cười nhảy xuống từ tầng xuống sân một trường Trung học phổ thông nội trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tương tự, nam sinh này cũng để lại thư tuyệt mệnh kể rằng cậu quá áp lực vì học tập.

Các con sẽ thành thiên tài vì... giấy khen? (Ảnh minh hoa DAD)
Các con sẽ thành thiên tài vì... giấy khen? (Ảnh minh hoa DAD)

Đó chỉ là hai trong nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra để lại những xót xa cho thầy cô và bạn bè.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần.

Đáng báo động là hiện tương những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, cảm xúc rối loạn vì áp lực học hành đang có xu hướng tăng.

Nhìn vào lịch học của các học sinh thành phố cũng như nông thôn, lịch học của học sinh từ tiểu học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông khiến nhiều người phải ngán ngẩm.

Cuộc đời các em khổ từ khi mới vào mẫu giáo cho tới suốt những năm đi học cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi đại học, vì sự kỳ vọng này của cha mẹ.

Đến trường là bố mẹ bắt con phải học phải giỏi, phải điểm cao, phải vào được trường chuyên lớp chọn, phải vào đại học, phải học những ngành được xã hội trọng vọng, phải là kỹ sư, bác sĩ…

Thói sĩ diện hão của nhiều ông bố, bà mẹ đang làm hại các con ảnh 3Một học sinh lớp 8 nhảy sông tự vẫn, nghi bị mẹ la mắng vì làm bài thi không tốt

Trẻ em ở thành phố thì hết học ở trường lại phải học thêm; hết học chữ lại học ngoại ngữ… vòng quay cứ liên tục như vậy và chúng mất luôn cả tuổi thơ, chỉ vì cha mẹ muốn chúng trở thành hoàn hảo, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi.

Các em cứ phục tùng, lặng im trước áp lực nhưng những dồn nén cứ tích tụ lại đợi một ngày bộc phát với những hành động dại dột.

Trong một bài viết đăng trên báo phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn đã nêu quan điểm: “Cần thay đổi nhận thức về sự giỏi giang và thành công của con cái.

Sự thành công của đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm số hay kiến thức mà trẻ đang có.

Sự thành công của con người phụ thuộc nhiều vào các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng sống hay trí tuệ xã hội”.

Mục đích của giáo dục là tạo ra con người có hiểu biết, có tri thức và nhận thức được giá trị chân - thiện - mỹ đích thực.

Một con người được giáo dục một con người là chính mình, họ không phải đóng vai, đóng thế theo những kịch bản do người khác dựng lên.

* Tài liệu tham khảo:

1. http://infonet.vn/bao-dong-tinh-trang-roi-loan-tam-ly-o-hoc-sinh-do-ap-luc-hoc-hanh-thi-cu-post258436.info

2. https://tuoitre.vn/tiec-gi-cai-giay-khen-ha-thay-749442.htm

3. https://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-sinh-tu-tu-vi-thieu-cho-dua-tinh-than-tam-ly-920448.html

4. http://phunuonline.com.vn/giao-duc/giam-tai-ap-luc-hoc-hanh-hay-cho-con-mot-diem-tua-111048/

5. http://phunuonline.com.vn/giao-duc/giam-tai-ap-luc-hoc-hanh-hay-cho-con-mot-diem-tua-111048/

Trần Phương