Cứ trả tiền là có thông tin cá nhân người khác thì còn gì quyền riêng tư nữa?

06/07/2018 06:42
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng: “Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình..."

Đề xuất cho thành phố Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp chia sẻ các dữ liệu dân cư với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác... đang gặp sự phản biện của dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc trao đổi, mua bán, chia sẻ dữ liệu dân cư vi phạm đến quyền riêng tư. 

Để có góc nhìn sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc công ty Luật trách nhiệm hữu hạn HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Giám đốc công ty Luật trách nhiệm hữu hạn HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - ảnh Trinh Phúc.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Giám đốc công ty Luật trách nhiệm hữu hạn HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - ảnh Trinh Phúc.

Quan điểm của luật sư Hùng cho rằng: “Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước công dân: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc chia sẽ cơ sở dữ liệu công dân bước đầu đã tạo được những tín hiệu tích cực hứa hẹn sẽ tạo ra lợi ích lớn.

Ưu điểm của nó là nhanh chóng, thuận tiện vì giúp cho cơ quan nhà nước cũng như công dân dễ dàng trong việc tra cứu thông tin cá nhân, tiết kiệm thời gian làm việc.

Tuy nhiên, xét về lâu dài chúng ta có thể đánh đổi nó với việc đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu của cá nhân và liệu rằng người dân có phải là người trực tiếp được hưởng lợi từ chính thông tin của mình hay không?”.

Cứ trả tiền là có thông tin cá nhân người khác thì còn gì quyền riêng tư nữa? ảnh 2Dữ liệu dân cư là gì, Hà Nội có được "bán" để thu tiền không?

Theo Luật sư Hùng: “Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Luật Căn cước công dân quy định: Công dân có quyền được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định.

Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật Nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân.

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ được sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính.

Vậy, khi cơ sở dữ liệu dân cư được chia sẻ rộng rãi mà bất kì ai cũng có thể tra cứu được thì có còn là bảo đảm bí mật nữa hay không?

Nếu suy nghĩ đơn giản cơ sở dữ liệu được chia sẻ chỉ là thông tin cơ bản trong chứng minh thư chứ không phải là thông tin cá nhân thì chứng minh thư không thuộc thông tin cá nhân thì là cái gì?

Kể cả chứng minh thư chỉ bao gồm nội dung cơ bản về họ tên, ngày tháng năm sinh, hộ khẩu đăng kí thường trú nhưng không phải ai cũng muốn người khác biết được thông tin này của mình và họ cho rằng đó là hành vi xâm phạm thông tin cá nhân”.

Theo quan điểm cá nhân của Luật sư Hùng, “Việc chia sẻ dữ liệu dân cư một cách công khai là không hợp lí, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của công dân.

Sơ hở này sẽ làm cho đời sống cá nhân bị ảnh hưởng vì hiện nay không ít người đã bị quấy nhiễu bởi các cuộc gọi điện thoại chào mời, bảo hiểm, tập thể hình…

Thêm vào đó, một khi các dữ liệu về nơi thường trú, chỗ ở hiện tại được chia sẻ rộng rãi thì ai sẽ bảo đảm người dân sẽ được bảo vệ?

Do đó, cần phải cân nhắc và hoàn thiện khung pháp lý chuẩn về chia sẽ dữ liệu quốc gia trước khi triển khai dự án”.

Cứ trả tiền là có thông tin cá nhân người khác thì còn gì quyền riêng tư nữa? ảnh 3Phát hiện mới: “Con ông cháu cha… vỉa hè”!

Cuối cùng Luật sư Hùng cho rằng: “Phải lấy ý kiến của người dân, phải để cho người dân thấy được thông tin cá nhân được số hóa nhưng vẫn được đảm bảo an toàn, và lợi ích của việc chia sẽ dữ liệu cá nhân mang lại cho chính cá nhân họ.

Khi có được sự đồng thuận của người dân thì dự án mới được đảm bảo thực hiện và phát triển mang lại lợi ích cho xã hội”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia pháp lý – xin giấu tên cho rằng, thông tin cá nhân của người dân là bí mật đời tư.

Cụ thể, Điều 21 Hiến pháp 2013  quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. 

Điều 387 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết;

Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”.

Do đó, nếu đem thi giá dịch vụ dữ liệu dân cư đòi hỏi phải đảm bảo được bảo vệ bí mật cá nhân và phải quản lý được bên mua không sử dụng vào mục đích khác. Muốn làm được điều này, cần thiết phải có các quy định pháp lý chặt chẽ.

Trinh Phúc