Sở Giáo dục Đà Nẵng nhận có thiếu sót khi để học trò “đơn độc” đi thi bơi

07/08/2018 06:08
Tấn Tài
(GDVN) - Sở thừa nhận có thiếu sót trong việc họp đoàn, đối với học sinh chưa chu đáo nhưng chủ trương của ngành là cắt giảm các cuộc thi và không chi ngân sách.

Có thiếu sót

Trước đó, tại cuộc thi bơi lặn “Đường đua xanh 2018” do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, một số phụ huynh của đoàn Đà Nẵng đã bày tỏ bức xúc vì ngành giáo dục địa phương thiếu quan tâm đến con em họ.

Trong đó, có việc thành lập đoàn nhưng các trưởng đoàn, phó đoàn (cán bộ Sở phụ trách) không đến hỏi han, động viên thí sinh dự thi.

Cuộc thi "Đường đua xanh 2018" có sự tham gia của nhiều học sinh đến từ 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: TT
Cuộc thi "Đường đua xanh 2018" có sự tham gia của nhiều học sinh đến từ 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: TT

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, đã nắm qua sự việc nói trên.

Ông Vĩnh cho rằng, về chủ trương chung của giáo dục thành phố là cổ động tất cả phong trào, cuộc thi, kể cả môn thể dục (trong trường học) cũng học theo môn tự chọn.

“Cuộc thi đường đua xanh lần này cũng như các cuộc thi khác, Sở cổ động tham gia chứ không cấm đoán.

Mình tổ chức trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh tham gia. Còn phụ huynh phản ánh là phải bỏ kinh phí ra tự túc đi thì đó là chủ trương từ trước đó của Sở.

Có hàng trăm cuộc thi/năm thì Sở sẽ không đủ kinh phí để trang trải, lo hết cho thí sinh và phụ huynh được”.

Bộ Giáo dục yêu cầu rà soát các cuộc thi trong trường học

Ông Vĩnh nói tiếp, ngoài cuộc thi về bơi lặn còn có thi về lắp ghép lê-gô cũng đang diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng bơi lặn cũng có đến hàng chục cuộc thi mỗi năm.

Trong số hàng trăm cuộc thi như thế sẽ lựa chọn những môn mà học sinh Đà Nẵng có thế mạnh để tham gia, Sở ủng hộ và thành lập đoàn.

Còn trong cuộc thi “Đường đua xanh 2018” vừa qua, dù Sở đã ban hành quyết định thành lập đoàn nhưng cũng có thiếu sót.

“Sở giao trọng trách trưởng đoàn cho ông Châu Phi – Phó trưởng phòng giáo dục trung học (sở giáo dục) nhưng ông Phi lại nằm trong danh sách các thầy cô ra đề thi cho cuộc thi tuyển giáo viên sắp tới.

Do đó, ông Phi bị “cách ly” khi tham gia ra đề thi. Còn ông Hồ Anh Dũng – chuyên viên phụ trách thì lại được Bộ giáo dục điều động sang tập huấn tại Malaysia.

Nên việc họp đoàn, quán triệt và tổ chức cổ động cho các em học sinh không được chu đáo. Chúng tôi thừa nhận có thiếu sót đó, vì đáng lẽ tất cả các cuộc thi phải có họp đoàn”.

Riêng các năm trước đều có họp đoàn, quán triệt rõ ràng, ví như chuyến đi ở Quảng Trị phải họp đoàn thì phụ huynh, học sinh ra đó mới được tiếp nhận, tham gia thi – ông Vĩnh cho hay.

Cắt giảm các cuộc thi

Đà Nẵng được xem là địa phương tiên phong trong việc rà soát, cắt giảm các cuộc thi trong nhà trường, trong đó nhiều cuộc thi mang tính phong trào, không trọng điểm đều bị tinh giảm.

Theo ông Vĩnh thì ngay cả Hội khỏe Phù Đổng cũng cắt giảm, chỉ tổ chức thi luân phiên các môn để nhằm giảm áp lực cho các trường, giảm kinh phí tổ chức hoạt động.

Chờ Bộ quá lâu, Đà Nẵng dừng cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay

Và đặc biệt giúp cho các thầy cô, nhất là Ban Giám hiệu tập trung vào việc theo dõi các hoạt động dạy học bình thường và các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cần thiết khác.

Nhiều cuộc thi khác như: giải toán trên máy tính, cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông và An toàn giao thông… cũng được cắt giảm.

“Trong xu thế chung của Bộ là tinh giảm các cuộc thi và Sở cũng thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, vẫn cổ động học sinh và phụ huynh tham gia các cuộc thi một cách tự nguyện, còn không bỏ. Trên quan điểm là phù hợp và tự nguyện của các em.

Đà Nẵng không đặt nặng vấn đề thành tích nhưng vẫn tuyên dương các em đạt giải. Sở cổ động, nhà trường vẫn tuyên dương khen thưởng các thí sinh xuất sắc. Còn có hàng trăm cuộc thi thì rất khó để sở trang trải hết kinh phí…”, ông Vĩnh nói.

Tấn Tài