Trăm nỗi tơ vò đầu năm học mới của trẻ em nghèo phố biển

17/08/2018 07:26
Phan Tuyết
(GDVN) - Không ít phụ huynh nghèo xóm biển quê tôi, đang ngày đêm lo lắng, biết lấy tiền đâu để sắm sửa sách vở, đồ dùng học tập, giày dép, quần áo và tiền học cho con.

LTS: Chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn với nỗi lo đầu năm học mới, cô giáo Phan Tuyết mong rằng sách giáo khoa đừng thay đổi quá thường xuyên gây tốn kém và lãng phí.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau hai tháng hè, năm học mới lại sắp bắt đầu. Đây là niềm vui của nhiều học sinh và gia đình các em. 

Nhưng không ít phụ huynh nghèo xóm biển quê tôi, đang ngày đêm lo lắng, biết lấy tiền đâu để sắm sửa sách vở, đồ dùng học tập, giày dép, quần áo và tiền đóng học cho con mình…

Trăm khoản phải lo

Cứ làm một phép tính đơn giản, một học sinh tiểu học vào năm học mới số tiền cần phải chi ít nhất khoảng vài triệu đồng. 

Ngoài tiền quần áo, giày, dép, tiền sách giáo khoa, vở, bút viết, cặp… đã ngốn hết tiền triệu. 

Tiền học cho con là khoản lo lắng của nhiều gia đình khó khăn. Ảnh mang tính chất minh hoạ, nguồn: TTXVN
Tiền học cho con là khoản lo lắng của nhiều gia đình khó khăn. Ảnh mang tính chất minh hoạ, nguồn: TTXVN

Rồi tiền học phí cho học sinh bậc trung học phổ thông, tiền buổi 2 cho học sinh tiểu học. Đặc biệt là tiền 2 loại bảo hiểm y tế và tai nạn chiếm gần 1 triệu đồng.

Ngoài ra còn khoản tiền vệ sinh, tiền ghế ngồi, nước uống, ấn phẩm…

Thường thì những gia đình nghèo xóm biển quê tôi, nhiều nhà có 3,4 đứa con đi học. 

Vì thế, số tiền để lo cho các con vào mùa tựu trường có gia đình phải chi đến gần chục triệu bạc.

“Đầu tắt mặt tối”

Chị Phương ở Phước Lộc là phụ huynh của tôi, khi được hỏi: “Chị đã chuẩn bị gì cho con vào năm học mới?", chị thoăn thoắt vừa lặt đầu cá cơm vừa nói: 

Chưa lo được tiền cô ạ, đang đợi ba nó đi biển vào xem sao. 

Cận ngày quá, tôi đi vay lãi lo cho con chứ biết làm sao, đâu phải một đứa, nó còn anh chị học cấp 2, 3 nữa”. 

Rồi chị kể, cả tháng ba lênh đênh trên biển nhưng cũng chỉ kiếm được dăm triệu, có chuyến đi vào lỗ tiền dầu coi như công cốc. 

Trăm nỗi tơ vò đầu năm học mới của trẻ em nghèo phố biển ảnh 2Đã có Quỹ hội phụ huynh sao còn Quỹ lớp?

Thường thì, chị đi làm từ sáng sớm đến đêm khuya mới về, mỗi ngày cũng được gần hai trăm ngàn, đủ lo đắp đổi qua ngày chứ không dư giả gì. 

Chưa nói đến mùa bấc, không có việc làm, chủ yếu vay mượn để ăn qua ngày. 

Nói rồi chị hồ hởi khoe: "Cũng may bé Mai chịu khó, biết thương cha mẹ, nên hè cũng theo mẹ đi làm, cháu dành được gần năm trăm ngàn đồng, nói để mua quần áo, sách vở". 

Còn gia đình em Tuấn, bố mất sớm, mẹ làm quần quật đủ thứ nghề ở cảng để lo cho ba con đi học, nên tiền kiếm được hằng ngày chi tiêu một cách tằn tiện cũng không đủ, thì lấy đâu tiền mua sắm và đóng học cho con.

Lo không nổi, tôi muốn cho bớt đứa lớn nghỉ học, nhưng vì học giỏi, ham học, cháu năn nỉ mẹ cho được đi học, xót lòng thấy không nở. 

Tôi vừa đi vay 5 triệu đồng về lo cho chúng. Quần áo, sách vở có thể dùng đồ cũ, nhưng tiền mua đồ dùng học tập và tiền trường phải có. 

5 triệu vay nơi này, một tháng phải trả năm trăm ngàn lãi đó cô”, mẹ Tuấn chia sẻ. 

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều gia đình nghèo phố biển, vất vả lo cho con trước thềm năm học mới. 

Giáo dục thay đổi liên tục chất thêm gánh nặng lên vai phụ huynh

Nhiều năm trở lại đây, ở các trường từ Trung học cơ sở đến các trường Tiểu học trên địa bàn thị xã La Gi - tỉnh Bình Thuận, đã huy động thành lập tủ sách dùng chung. 

Cứ vào cuối mỗi năm học, các lớp kêu gọi học sinh và phụ huynh ủng hộ sách giáo khoa cũ cho nhà trường. 

Thư viện nhận, lựa chọn và phân loại. Các lớp lập danh sách học sinh có nhu cầu mượn để phát sách cho các em. 

Trăm nỗi tơ vò đầu năm học mới của trẻ em nghèo phố biển ảnh 3Con trẻ tựu trường rồi mà vẫn đầy ắp tâm tư

Vào năm học mới, khi phụ huynh đăng ký cho con vào lớp 1, lớp 6 nếu có nhu cầu nhà trường cũng sẽ cho mượn luôn bộ sách…

Thế nhưng vài năm trở lại đây, với sự xuất hiện của chương trình VNEN thì những bộ sách giáo khoa cũ đã ít được sử dụng lại. 

Phụ huynh phải cắn răng mua cho con bộ sách (cả sách Anh văn) trị giá tới nửa triệu đồng. 

Rồi nhiều trường học lại phát động xin phụ huynh không còn nhu cầu ủng hộ lại cho trường để giúp học sinh nghèo khóa sau. 

Thế là, tủ sách VNEN của một số trường cũng được hình thành từ đó. 

Nhiều giáo viên mừng thầm cho những gia đình phụ huynh nghèo sẽ đỡ được một khoản tiền kha khá dành cho việc mua sách giáo khoa. 

Nhưng niềm vui chưa bao lâu lại nhận được tin sách VNEN năm nay sẽ được chỉnh sửa và thay đổi mẫu mã. 

Thế là, hàng ngàn bộ sách VNEN còn mới ở nhiều trường học phút chốc biến thành giấy lộn và tương lai gần chỗ của chúng là những vựa đồng nát quanh vùng. 

Nhiều học sinh không còn cơ hội xin sách cũ, một số em không thể sử dụng lại sách của chính anh chị mình. 

Dù nghèo đến đâu, dù giá sách cao đến chừng nào thì cha mẹ các em vẫn phải bỏ tiền ra để mua về. 

Những gia đình khá giả bỏ tiền mua bộ sách giáo khoa dăm trăm ngàn còn thấy xót lòng. 

Huống hồ gì những gia đình nghèo phải mua một lúc vài bộ cho vài đứa con nhập học thì số tiền bỏ ra đôi khi là cả một gia tài. 

Chưa hết, sách Anh văn, sách Tin học cũng thường xuyên được thay mới vì sự chỉnh sửa hay đổi chương trình học…

Và chỉ sang năm thôi, toàn bộ sách giáo khoa lớp 1 năm nay cũng sẽ bị thay thế bằng những bộ sách giáo khoa mới khác. 

Việc thay mới sách giáo khoa liên tục như thế sẽ là niềm vui cho những nhà xuất bản, những nhà viết sách và những cửa hàng văn phòng phẩm. Bởi họ sẽ có tiền, có nhuận bút. 

Nhưng với phụ huynh đó là những nỗi lo, nỗi buồn, là bài toán kinh tế đè nặng trên vai các bậc cha mang đang có con tuổi cắp sách đến trường.

Phan Tuyết