Số lượng sinh viên đang chững lại và giảm sút

17/08/2018 11:06
Thùy Linh - Trinh Phúc
(GDVN) - Nếu năm học 2012-2013 tổng số sinh viên của cả nước lên tới hơn 1,8 triệu thì đến năm học 2017-2018 tổng số sinh viên chỉ ở mức 1,7 triệu.

Ngày 17/8, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo giáo dục 2018: Giáo dục đại học – chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. 

Tham dự hội thảo có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo… 

Mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định: 

Trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò và ý nghĩa nhất định. 

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, giáo dục đại học là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng của hệ thống giáo dục để đưa sản phẩm giáo dục ra xã hội, là cấp học có vai trò quyết định trong việc xây dựng và phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. (Ảnh: Trinh Phúc)
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, giáo dục đại học là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng của hệ thống giáo dục để đưa sản phẩm giáo dục ra xã hội, là cấp học có vai trò quyết định trong việc xây dựng và phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. (Ảnh: Trinh Phúc)

Giáo dục đại học là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng của hệ thống giáo dục để đưa sản phẩm giáo dục ra xã hội, là cấp học có vai trò quyết định trong việc xây dựng và phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước hội nhập tích cực. 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được bổ sung, đổi mới. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học.

Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho giáo dục đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng. 

Nhờ đó, mạng lưới các trường đại học phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, cấp bậc, ngành nghề đào tạo; 

Quy mô đào tạo tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện. 

Giáo dục đại học đã cung cấp cho đất nước hàng triệu nhân lực có trình độ đại học, hàng vạn cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. 

Đây là lực lượng quan trọng, giữ vai trò nòng cốt của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. 

“Ngày nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa – những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức – giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước mà còn có sức hội nhập, cạnh tranh”, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh. 

Số lượng sinh viên đang chững lại và giảm sút ảnh 2Hội đồng trường ở Đại học công lập: Nhu cầu tự thân hay dân chủ hình thức?

Trong phát biểu đề dẫn, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng:

Giáo dục đại học là một khâu then chốt quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Với sứ mệnh là nơi sáng tạo ra tri thức mới, thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu xã hội, giáo dục đại học giữ vai trò là đòn bẩy quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, hướng đến sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh thêm: “Chủ đề hội thảo năm nay được xem là nội dung nền tảng, những yêu cầu cơ bản đối với sự phát triển giáo dục đại học nước nhà. 

Ban tổ chức mong muốn từ vị thế và góc nhìn của mỗi đại biểu, với tâm huyết chung vì một nền giáo dục đào tạo “khỏe mạnh”, tạo nền tảng cho sự phát triển đất nước, trong khuôn khổ hội thảo hôm nay chúng ta tập trung vào 3 chủ đề: Năng lực hệ thống  giáo dục đại học – Tự chủ đại học – Quản lý nhà nước và quản trị đại học”. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc thông tin, cả nước hiện nay có 236 trường đại học, học viện và 41 viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. 

Trong đó có 171 cơ sở giáo dục công lập, 60 cơ sở tư thục và 5 cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài. 

Số lượng sinh viên đang chững lại và giảm sút ảnh 3Hiệu trưởng Kinh tế quốc dân nêu khó khăn khi thực hiện tự chủ đại học

Nếu năm học 2012-2013, tổng số sinh viên của cả nước lên tới hơn 1,8 triệu thì đến năm 2017-2018 tổng số sinh viên chỉ ở mức 1,7 triệu. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết, năm học 2016-2017, tốp 20 đại học của Việt Nam công bố ISI với số lượng bài báo là 2.590 bài. 

Như vậy, nếu so sánh với giai đoạn 2011-2015, số bài báo khoa học được công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI của các nhà khoa học của tốp 20 trường đại học của Việt Nam, trong năm học 2016-2017 đã tăng hơn 2 lần. 


Thùy Linh - Trinh Phúc