Philippines đồng ý "khai thác chung" ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ thắng

19/08/2018 07:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Dân Philippines muốn Tổng thống Rodrigo Duterte đàm phán tỉ lệ ăn chia với Trung Quốc lớn hơn 60/40, bởi đó là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình.

Tờ Manila Standard ngày 19/8 có bài bình luận "Bạn bè với nhau", nhận định: cuối cùng thì Tổng thống Rodrigo Duterte cũng nói những lời mà dân Philippines cần nghe từ ông về xung đột với Trung Quốc trên một phần Biển Đông.

Tại một sự kiện của con gái mình ở thành phố Davao ngày thứ Sáu 17/8, ông Rodrigo Duterte đã nói về phản ứng của Trung Quốc trên Biển Đông xua đuổi máy bay quân sự Philippines tuần tiễu qua các đảo nhân tạo xây dựng bất hợp pháp:

"Các bạn không thể tạo ra các hòn đảo ở đó để đòi yêu sách biển. Đó không phải là một hòn đảo (thực sự), đảo nhân tạo không thật và bị cấm trong vùng biển quốc tế. Đó là luật pháp."

Manila Standard cho rằng, cách thức những người bạn thực sự có lòng tin và hành xử tốt với nhau là phải tôn trọng ranh giới và không bắt nạt lẫn nhau, không bao giờ tận dụng lợi thế hiện tại của mình hay khai thác điểm yếu của người khác để phục vụ ý đồ bản thân.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.

Quan hệ bạn bè được thiết lập theo các chuẩn mực không thể bỏ qua ý kiến của cơ quan tài phán / trọng tài trong trường hợp có tranh chấp chỉ vì những phán quyết này không thuận lợi cho họ.

Ông Rodrigo Duterte đã bị chỉ trích vì thiếu sự quan tâm rõ ràng của mình trong việc khẳng định chiến thắng của Philippines trong Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, tuyên bố yêu sách "quyền lịch sử" trong đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. [1]

Tuy nhiên, ngày 31/7 CNN Philippines đã dẫn lời Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano cho biết, dự thảo khung hợp tác thăm dò dầu khí chung giữa Philippines và Trung Quốc trên một phần Biển Đông dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng Chín này.

Ngoại trưởng Philippines nói rằng, 2 nước đã liệt kê các nguyên tắc được đưa vào thỏa thuận chung, và đang xem xét từng dòng thỏa thuận.

Sau khi hoàn thành dự thảo, họ sẽ ngồi xuống với Bộ Năng lượng và công ty Forum Energy xem có cần thêm bớt điều khoản nào không.

Forum Energy trước đó đã có hợp đồng khoan thăm dò bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Ông Alan Peter Cayetano bình luận về sự thỏa thuận này:

Philippines đồng ý "khai thác chung" ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ thắng ảnh 2

Ông Rodrigo Duterte bất ngờ phản pháo Trung Quốc

"Chúng tôi không muốn làm điều này theo cách sẽ phá hủy bất kỳ quyền lợi hoặc yêu sách nào trong tương lai, thứ hai, chúng tôi phải đảm bảo rằng thỏa thuận này có thể vượt qua sự giám sát của Tòa án Tối cao.

Chúng tôi đang gấp rút triển khai nó bởi nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 6 năm, nếu bạn muốn thực hiện kế hoạch thì tốt nhất nên làm trong vòng 4 năm đầu tiên của nhiệm kỳ." [2]

Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng, một kế hoạch cho phép Trung Quốc "hợp tác cùng khai thác" dầu khí trên (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Philippines ở) Biển Đông có thể giúp Trung Quốc về chính trị.

Truyền thông Philippines đã dẫn lời ông Alan Peter Cayetano cho biết, Trung Quốc đang mở khả năng chấp thuận phương án ăn chia Philippines 60% và họ 40% nếu thỏa thuận hợp tác khai thác chung được thực hiện.

Giáo sư Alan Chong từ Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho biết, thỏa thuận 60/40 có thể giúp Trung Quốc theo nhiều cách.

Nó báo hiệu cho các nước Đông Nam Á khác rằng Trung Quốc "sẵn lòng trở thành một người hỗ trợ khác", cải thiện hình ảnh của Bắc Kinh trong các dự án thuộc khuôn khổ Vành đai và Con đường.

Thỏa thuận như vậy cũng giúp Tổng thống Rodrigo Duterte giảm bớt áp lực từ dư luận trong nước.

Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho rằng thỏa thuận này nếu có, sẽ có ý nghĩa đối với Trung Quốc: "Bằng cách đồng ý nhận một phần nhỏ hơn, Trung Quốc có thể "giải giáp" phe đối lập ở Philippines".

Tuy nhiên Giáo sư Maria Ela Atienza từ Đại học Diliman Philippines cho rằng, người dân Philippines muốn ông Rodrigo Duterte đàm phán tỉ lệ ăn chia lớn hơn 60/40, bởi đây là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Philippines, không nên được "chia sẻ".

Nguồn:

[1]http://manilastandard.net/opinion/editorial/273352/between-friends.html

[2]http://cnnphilippines.com/news/2018/07/31/DFA-Alan-Peter-Cayetano-China-West-Philippine-Sea.html

[3]https://learningenglish.voanews.com/a/oil-gas-deal-with-philippines-could-help-china-politically/4531531.html

Hồng Thủy