Lẽ nào chúng ta bất lực với lạm thu?

30/08/2018 07:10
Nhật Duy
(GDVN) - Phụ huynh thì sợ nhà trường gây khó dễ với con em mình. Nhưng chính quyền xã, (phường) huyện, phòng, sở giáo dục lại cũng “sợ” mấy ông, bà Hiệu trưởng sao?

LTS: Vấn nạn lạm thu đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, tuy nhiên làm thế nào để xử lý dứt điểm vấn đề này thì vẫn là câu chuyện đáng để bàn luận.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết của thầy giáo Nhật Duy về chủ đề này.

Chỉ sau tựu trường của năm học mới được mấy ngày nhưng trên các mặt báo có một số đơn vị trường học “được” báo chí điểm tên, chỉ mặt về tình trạng lạm thu.

Và, có lẽ sẽ còn nhiều những trường tương tự như vậy nhưng chưa có sự vào cuộc của báo chí, chưa bị phụ huynh lên tiếng mà thôi.

Việc lạm thu đã khiến dư luận bất bình đến nỗi vừa qua phụ huynh học sinh một trường tiểu học trên địa bàn huyện biên giới tỉnh Bình Phước đã tố việc lạm thu lên đến Bí thư Tỉnh ủy cho thấy mối quan hệ giữa phụ huynh và lãnh đạo nhà trường không hề có sự thống nhất giữa các khoản thu.

Sự việc trường tiểu học Tân Thành A, Bù Đốp (Bình Phước) đã thông báo yêu cầu phụ huynh đăng ký nhập học cho con vào lớp 1, năm học 2018 - 2019 phải nộp tổng cộng 2.305.420 đồng (chưa gồm tiền đồng phục).

Trong số tiền phụ huynh phải đóng có những khoản chúng ta thấy rất vô lý như: xã hội hóa 400.000 đồng; quỹ phục vụ học tập, vệ sinh 200.000 đồng; phí học 2 buổi là 1.170.000 đồng/9 tháng.

Tình trạng lạm thu đầu năm học khiến dư luận bức xúc. Ảnh minh họa: VTV
Tình trạng lạm thu đầu năm học khiến dư luận bức xúc. Ảnh minh họa: VTV

Học sinh lớp 1 thường đang học chương trình 2 buổi/ngày mà đã thu tiền học thêm hàng triệu đồng như vậy rõ ràng đã thể hiện nhiều bất cập.

Điều trớ trêu hơn nữa là phụ huynh chưa có tiền nộp thì người thu tiền sẽ không cho vào danh sách đăng ký nhập học.

Với một trường học khó khăn ở khu vực biên giới mà thu với một số tiền như vậy là quá sức chịu đựng đối với phụ huynh ở đây nên chuyện “tức nước vỡ bờ” cũng là dễ hiểu.

Từ rất nhiều trường đã lạm thu trong những năm qua và cả bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại gợi cho chúng ta nhiều câu hỏi lớn.

Tại sao ngành giáo dục ở các địa phương đã có một hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn về việc vận động xã hội hóa, việc giám sát của các cơ quan chức năng, về thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị hiện nay mà vẫn xảy ra lạm thu?

Có lẽ cái thiếu cơ bản nhất là cơ chế giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa tốt, chưa chặt chẽ.

Lẽ nào chúng ta bất lực với lạm thu? ảnh 2Phía sau câu chuyện đồng phục trong trường học là gì?

Nhiều trường khi để xảy ra tình trạng vi phạm lạm thu thì chưa được xử lí nghiêm minh.

Thậm chí có nơi còn bao che, bảo vệ cho lãnh nhà trường.

Nhiều Ban giám hiệu nhà trường tìm cách đổ lỗi cho Ban đại diện cha mẹ học sinh để né tránh trách nhiệm.

Việc lạm thu bắt nguồn từ đâu? Chắc chắn là giáo viên thì không thể nào đưa ra quy định thu chi trong nhà trường được rồi.

Chỉ có Hiệu trưởng - người đóng vai trò là thủ trưởng của đơn vị mới có quyền tối cao trong nhà trường để quyết định các khoản thu trong năm học.

Nhưng, có một điều mà dư luận băn khoăn đó là những Hiệu trưởng thì chịu sự quản lý trực tiếp của phòng (sở) giáo dục, được các Chủ tịch Uỷ ban nhân nhân huyện (tỉnh) bổ nhiệm.

Và, cũng chỉ các cơ quan chủ quản này có quyền kỷ luật các Hiệu trưởng mà thôi.

Vậy nhưng, rất ít khi các lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật khi để xảy ra lạm thu. Rõ ràng, vấn đề sử dụng con người của một số nơi, số chỗ chưa tốt, chưa đúng.

Nói thật, một vài triệu bạc đối với những nhà giàu chẳng đáng là bao nhưng với những gia đình lao động chân tay, phải chạy vạy cái ăn từng bữa cho gia đình thì số tiền đó lại là quá lớn.

Vậy nên, chỉ đóng tiền học đầu năm cho con học thôi thì gia đình các em học sinh sẽ khó khăn vô cùng khi lo cái ăn, cái tiêu trong những ngày đầu năm học?

Đó là chưa kể tiền sách vở, đồ dùng học tập đầu năm cho các em, tiền chi phí hàng ngày cho các em ở trường…

Lẽ nào chúng ta bất lực với lạm thu? ảnh 3

Trăm phương ngàn kế lách luật để lạm thu!

Chúng ta đều biết, cuộc sống của người dân chốn thôn quê, những vùng biên giới còn rất nhiều khó khăn, gian nan và vất vả lắm.

Đã đến lúc các Hiệu trưởng hãy bớt dùng các mĩ từ để kêu gọi đóng góp như “xã hội hóa giáo dục”; “nhờ sự chung tay của phụ huynh”; “trên tinh thần tự nguyện” nữa.

Đừng lấy lí do là trường thiếu kinh phí để cho cho các hoạt động giáo dục mà kêu gọi tinh thần “tự nguyện” của phụ huynh.

Ngân sách nhà nước cấp cho trường hàng năm chưa phải là nhiều nhưng không phải là quá thiếu thốn để cân đối các khoản thu-chi trong nhà trường. Bởi, ngành tài chính đã tính toán kĩ lưỡng.

Và, quan trọng hơn là hàng năm nhà trường đều làm dự toán ngân sách cho đơn vị mình thì cớ gì thiếu thốn đến nỗi cứ phải xin phụ huynh hỗ trợ?

Tại sao chúng ta vẫn thấy nhiều trường chủ trương không thu bất kỳ khoản phụ phí nào với học sinh ngoài học phí, bảo hiểm y tế và bảo hiểm toàn diện mà họ vẫn hoạt động bình thường được.

Bởi vì người ta biết “liệu cơm gắp mắm” và quan trọng hơn là lãnh đạo nhà trường là những người liêm khiết, coi trọng dạy tri thức, uốn nắn nhân cách học trò hơn là việc thu hàng triệu đồng của phụ huynh học sinh.

Môi trường giáo dục đâu phải là cứ thích là làm kế hoạch thu tiền, là gửi thư ngỏ kêu gọi phụ huynh đóng góp.

Làm sao để tránh được tình trạng làm thu? Chẳng lẽ xã hội bất lực trước việc lạm thu của một số nhà trường, giáo viên thì “thấp cổ bé họng” lên tiếng thì sợ bị trù dập.

Phụ huynh thì sợ nhà trường gây khó dễ với con em mình. Thế nhưng, chính quyền xã, (phường) huyện, phòng giáo dục, sở giáo dục lại cũng “sợ” mấy ông, bà Hiệu trưởng hay sao?

Hệ thống pháp luật của chúng ta ở đâu mà để những ông, bà Hiệu trưởng lộng quyền, coi thường kỉ cương phép nước đến vậy.

Những người mang danh là thầy là cô, là lãnh đạo nhà trường mà không động lòng trắc ẩn đến đời sống gia đình học sinh hay sao? 

Nhật Duy