Bánh Trung thu xách tay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi chất lượng thả nổi

01/09/2018 06:15
Trần Phương
(GDVN) - Mùa Trung thu 2018 xuất hiện nhiều loại bánh xách tay được quảng cáo từ Hồng Kông, nhưng chất lượng ra sao thì chưa cơ quan nào xác thực.

Rộ mốt bánh trung thu "hàng ngoại" xách tay

Từ đầu tháng 8 (tức là trước Rằm tháng 7 âm lịch), nhiều loại bánh Trung thu đã xuất hiện trên thị trường. Năm nay, bên cạnh sự xuất hiện của các thương hiệu bánh trong nước còn có một số loại bánh trung thu xách tay với đủ chủng loại, xuất xứ từ Hồng Kông, Đài Loan...

Dù ít xuất hiện tại các cửa hàng nhưng bánh trung thu xách tay lại quảng cáo nhan nhản trên… mạng xã hội.

Rất nhiều tài khoản trên trạng mạng facebook đang tích cực quảng cáo cho các sản phẩm bánh trung thu xách tay bằng những lời có cách như: thanh mát, dịu ngọt và không ngọt gắt như bánh Việt Nam, hàng xuất châu Âu…

Theo khảo sát của phóng viên, những loại bánh trung thu được cho là xách tay này có rất nhiều giá khác nhau. Nếu chỉ tính loại bánh Lava Hồng Kông, có nơi bán giá từ 1.200.000 đồng – 1.250.000 đồng/hộp 8 chiếc 50gram nhưng cũng có chỗ chỉ bán 650.000 – 700.000 đồng/hộp.

Đối với các thương hiệu khác như Keewah (Hồng Kông thậm chí được giao ở mức 1,700.000 đồng/hộp, các loại bánh Đài Loan, Nhật Bản cũng nhảy múa tùy theo giá bán của đại lý.

Không ai dám khẳng định rằng những hình ảnh sản phẩm bán hàng trên mạng như vậy có đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng hay không. (Ảnh chụp từ màn hình)
Không ai dám khẳng định rằng những hình ảnh sản phẩm bán hàng trên mạng như vậy có đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng hay không. (Ảnh chụp từ màn hình)

Trong vai một khách hàng đồng thời muốn làm đại lý cho một số tài khoản đang bán online phóng viên đã tìm hiểu thị trường qua mạng và phát hiện còn quá nhiều nguy cơ đối với loại hàng xách tay như vậy. Bởi các chủ cửa hàng này đều khẳng định mình luôn có bánh trung xách tay thường có sẵn, khách chỉ cần gọi điện đặt hàng là có thể nhận được ngay.

Có nhiều chủ hàng khẳng định mình nhập hàng trăm hộp, thậm chí sẵn sàng tuyển đại lý phân phối.

Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng và nói về rủi ro, các đại lý chỉ khẳng định hàng của mình là hàng "xịn" và đảm bảo sẽ không có rủ ro về an toàn thực phẩm. Không hề có một cam kết hay trách nhiệm nào.

Chị Phương Thảo (Quảng An, quận Tây Hồ) cho biết: "Trước đây, nếu muốn đặt mua bánh ngoại đều phải chờ chờ 2-3 ngày mới có nhưng giờ các loại bánh trung thu xách tay bán tràn ngập, cần là có ngay, kể cả số lượng lớn. Các loại bánh xách tay này rất hợp với đem đi biếu tặng vì trông sang trọng và đỡ bị đụng hàng".

Khi được hỏi về chất lượng, chị Thảo cho rằng chất lượng của nước ngoài chắc chắn sẽ hơn Việt Nam. Các cửa hàng online này phải đảm bảo chất lượng để làm ăn lâu dài. Bình thường họ bán cái khác, đến mùa Trung thu họ tranh thủ mặt hàng kiếm thêm. (?)

Hiện nay, rất nhiều người vẫn tin tưởng hàng xách tay từ nước ngoài về vì cho rằng nó mới lạ và cao cấp hơn hàng trong nước. Rất nhiều người vì tin vào sản phẩm hàng xách tay nên vô tình quên luôn chất lượng, an toàn thực phẩm cho chính bản thân.

Thực tế hiện naym, chất lượng sản phẩm của hàng xách tay chỉ dựa nhau theo kiểu niềm tin là chính khi người bán "quảng cáo", người mua thầy bùi tai là mua. Trên thực tế, thị trường hàng xách tay hiện gần như đang được "thả nổi".

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết bánh trung thu xách tay trên thị trường đều không có tem nhãn phụ, tất cả chỉ có tiếng Trung Quốc, Anh hoặc Nhật (tùy theo xuất xứ in trên hộp bánh). Các loại bánh như vậy có thành phần ra sao, chất lượng dinh dưỡng thế nào và thậm chí thời hạn sản xuất cũng rất mập mờ.

Cẩn trọng với chất lượng bị thả nổi

Thông thường, các loại mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam phải thông qua rất nhiều thủ tục kiểm tra theo quy định của pháp luật. Từ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng hàng hóa do cơ quan chức năng tại Việt Nam cấp nhằm đảm bảo hàng bán cho người tiêu dùng là hàng chính hãng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng...

Tuy nhiên, tất cả những loại giấy tờ theo quy định này đều không hề tồn tại trên hàng xách tay bởi chúng được đưa vào thị trường nội địa Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch.
Bên cạnh đó, với mặt hàng thực phẩm như bánh Trung thu, việc bảo quản sản phẩm là rất quan trọng, thậm chí phải tuân thủ nhiều điều kiện khác nhau để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Với các đại lý bán hàng xách tay thì những điều kiện như vậy rất khó được đáp ứng, chính vì vậy khi phát sinh  vấn đề về chất lượng của thực phẩm xách tay, mọi rủi ro đều rơi vào người tiêu dùng mà khó có thể đòi hỏi trách nhiệm người bán hàng hay nhà sản xuất.

Nếu có rủi ro, khách hàng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. (Ảnh chụp màn hình)
Nếu có rủi ro, khách hàng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. (Ảnh chụp màn hình)

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia về Công nghệ thực phẩm, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo người dân không nên mua những loại bánh giá rẻ như cho, không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.

Theo vị chuyên gia này, khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh trung thu thì quan trọng nhất khi lựa chọn bán là phải chú ý đến nhãn mác và thành phần sản phẩm.

Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối không mua, bởi ăn những sản phẩm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh cũng nhấn mạnh: "Bánh trung thu mà mang đi xa rất dễ bị hỏng nên người ta thường cho chất bảo quản vào, nhưng không phải là cứ có nhãn mác là không có chất bảo quản, thậm chí chất bảo quản có thể vượt quá mức cho phép.

Các cơ quan chức năng nên tổ chức lấy xác suất một số mẫu bột làm bánh trên thị trường để xem có gây mất an toàn thực phẩm hay không, nếu không an toàn phải cấm lưu hành.

Bánh Trung thu xách tay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi chất lượng thả nổi ảnh 3Thực phẩm bẩn hoành hành, nhờn với tính mạng người dân vì phạt quá nhẹ

Để đảm bảo sức khỏe cho mình, nếu người tiêu dùng mua về mà thấy có dấu hiệu hư hỏng thì không được dùng, kể cả bánh chính hãng".

Do đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng trước khi mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm quảng cáo là hàng "xách tay" mà chưa qua xác nhận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để tránh trường hợp "tiền mất, tật mang".

Liên quan tới vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế,  đã có công văn số 4971/BYT – ATTP ngày 27/08/2018 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2018.

Trong đó văn bản có ghi rõ: Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trần Phương