Nếu không có thêm trường lớp, cả chục nghìn học sinh Thanh Hóa sẽ học ở đâu?

07/09/2018 13:16
THANH MINH
(GDVN) - Đây quả là thử thách không hề nhỏ cho giáo dục thành phố Thanh Hóa trong bối cảnh ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện việc sắp xếp và tinh gọn bộ máy.

Yêu cầu bức thiết của ngành giáo dục về việc phát triển các trường ngoài công lập

Năm học 2018-2019, nhiều trường công lập, đặc biệt là các trường tiểu học khu vực nội thành ở thành phố Thanh Hóa đang phải căng mình chống đỡ tình trạng quá tải trường lớp học

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tại một số trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố, sĩ số học sinh/lớp không có nhiều biến động.

Năm học 2018-2019 trường tiểu học Phù Đổng – cơ sở giáo dục ngoài công lập có địa chỉ tại phường Quảng Hưng, Thành phố Thanh Hóa tuyển sinh 270 học sinh cho 11 lớp học. Như vậy tính trung bình mỗi lớp học tại trường ngoài công lập này được bố trí 24 học sinh.

Tại trường mầm non Búp Sen Xanh, năm học này nhà trường tuyển hơn 400 học sinh cho 20 nhóm lớp. Trung bình mỗi nhóm lớp có khoảng 20 trẻ (cả hai trường ngoài công lập nêu trên đều do Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và Thanh Hóa đầu tư xây dựng với kinh phí gần 200 tỷ, với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đạt quy chuẩn quốc tế).

Hiện tại, các cơ sở giáo dục nói trên thu hút được học sinh tại nhiều địa bàn dân cư lân cận như Sầm Sơn, Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc. Số học sinh ở các địa chỉ nói trên chiếm khoảng 30% số học sinh theo học tại trường.

Trên thực tế năm học 2018-2019, lượng hồ sơ nộp tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói trên nhiều hơn so với con số đã tuyển sinh, nhưng cơ sở giáo dục này cũng chỉ dám nhận đủ số học sinh theo kế hoạch đề ra nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học.

Cô Lê Thị Hương, Hiệu trưởng trường mầm non Búp Sen Xanh cho biết: “Với số lượng khoảng 24 trẻ/nhóm lớp, các giáo viên sẽ có điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn so với các trường công đang bị áp lực vì sĩ số lớp quá đông.

Bên cạnh đó, với cơ sở vật chất được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là điều kiện lý tưởng để học sinh được trải nghiệm thực tế và phát triển năng lực một cách tốt hơn”, cô Hương chia sẻ.

Một tiết học mỹ thuật tại trường tiểu học Phù Đổng. Ảnh tư liệu do nhà trường cung cấp.
Một tiết học mỹ thuật tại trường tiểu học Phù Đổng. Ảnh tư liệu do nhà trường cung cấp.

Một thực tế có thể thấy rõ, bên cạnh các trường công lập, hiện tại các cơ sở giáo ngoài công lập trên địa bàn thành phố đang phát triển nhanh, thế nhưng theo tính toán của thành phố Thanh Hóa, với tốc độ gia tăng cơ học sĩ số học sinh hiện nay, cơ sở vật chất, quy mô trường lớp nói chung đã bị quá tải.

Đến giai đoạn 2010-2015, nguy cơ “vỡ trận” trường lớp là điều không thể tránh khỏi nếu cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.

Xin được nhắc lại, theo tính toán cơ học, đến năm 2018-2019, số học sinh tiểu học tăng lên 2.038 em so với năm học 2017-2018 (tương đương 70 lớp), với cơ sở vật chất hiện tại thì (đã) không thể bố trí được thêm các lớp học.

Đến giai đoạn 2020-2025, khi số học sinh tiểu học ổn định trên mức 8.000 học sinh/độ tuổi, thì quy mô trường, lớp không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.

Với tốc độ tăng cơ học sĩ số học sinh như hiện nay, đến năm 2015, bậc mầm non sẽ thiếu 120 phòng học, tương đương 13 trường mầm non Hạng 1; bậc tiểu học thiếu 281 phòng, tương đương với 10 trường tiểu học Hạng 1; bậc trung học cơ sở sẽ thiếu 293 phòng học tương đương với 11 trường trung học cơ sở Hạng 1.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu đầu tư cho giáo dục trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đến năm 2025 sẽ là 40 trường, trong đó, mầm non 13 trường; tiểu học 16 trường; trung học cơ sở 11 trường.

Nguyên nhân của tình trạng quá tải được cho là do việc tăng dân số trong khu vực nội thành không tỷ lệ thuận với sự phát triển của hệ thống trường lớp.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều năm trở lại đây, quy mô trường lớp công lập nhất là bậc tiểu học trên địa bàn thành phố Thanh hóa chưa phát triển tương xứng với tốc độ tăng sĩ số học sinh tạo nên các điểm nóng quá tải trường lớp tại khu vực Trần Phú, Đông Vệ, Đông Thọ. 

Nếu không có thêm trường lớp, cả chục nghìn học sinh Thanh Hóa sẽ học ở đâu? ảnh 2Nhiều trường công lập tại Thành phố Thanh Hóa quá tải nghiêm trọng

Ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng, với tình trạng quá tải trường lớp hiện nay trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập là điều hết sức bức thiết và không thể trì hoãn.

“Ngành giáo dục thành phố đang chịu sức ép rất lớn từ việc dân số tăng cơ học trong vài năm trở lại đây.

Nguyên nhân chính là do việc xây dựng nhiều chung cư cao tầng trong nội thành, khiến mật độ dân cư tăng lên nhanh chóng. Trong khi hạ tầng khác như giao thông, trường học xây dựng mới vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học.

Việc quá tải trường lớp cũng là thử thách không hề nhỏ cho giáo dục thành phố trong bối cảnh ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện việc sắp xếp và tinh gọn bộ máy trong phạm vi quản lý.

Do đó, việc xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, giảm tải cho các trường công lập trên địa bàn thành phố là vấn đề bức thiết hiện nay.

Chúng tôi đã nhìn thấy thực tế trên đồng thời đã tham mưu cho Chủ tịch thành phố trong về việc khuyến khích xã hội hóa, phát triển các trường ngoài công lập. 

Chúng tôi cũng mong muốn tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư đặc biệt là vấn đề đất đai để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư hệ thống các trường ngoài công lập nhằm giảm áp lực về sĩ số, cơ sở vật chất, biên chế trong các trường công lập", ông Lựu nói.

Trong khi đó, theo khảo sát sơ bộ của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa  hiện có một số doanh nghiệp có năng lực đã, đang và mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục như: Công ty Tân Thành 1; Công ty Hà Thanh; Công ty Cổ phần phát triển Giáo dục cộng đồng; Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Bình Minh…

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, hiện tại doanh nghiệp đang gặp khó về việc hoàn thiện căn cứ pháp lý, thủ tục đầu tư để được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Một doanh nghiệp (không tiện nêu tên) cho biết: "Hiện tại doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với trường tiểu học, trung học cơ sở và đang xin chủ trương chấp thuận chủ trương đầu tư từ phía tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện tại, phía cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có phản hồi chính thức.

Doanh nghiệp rất mong muốn tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng trường để chúng tôi thực hiện hiện đầu tư xây dựng trường trong thời gian sớm nhất”, vị đại diện doanh nghiệp này kiến nghị.

Mở rộng đầu tư các trường ngoài công lập phải gắn liền với chất lượng dạy và học

Ngày 4/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa thẳng thắn chia sẻ, lãnh đạo Sở cũng rất băn khoăn trước sức ép quá tải tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

“Thực tế hiện nay biên chế ngành giáo dục đang được thắt chặt, trong khi sĩ số học tăng nhanh, nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học.

Ví dụ một lớp có 30 học sinh tiểu học thì việc dạy và học và công tác quản lý sẽ đảm bảo hơn so với lớp có 40 học sinh. Đặc biệt với bậc mầm non, nếu sĩ số lớp quá đông sẽ tạo áp lực và khiến giáo viên vất vả hơn.

Do đó ngành giáo dục gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là khó khăn chung không chỉ riêng Thanh Hóa mà còn là thực trạng tại nhiều địa phương khác trên cả nước.

Do vậy, chủ trương của Chính phủ khuyến khích xã hội hóa giáo dục, khuyến khích xây dựng các trường ngoài công lập để giảm tải áp lực cho các trường công lập là vấn đề hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu về sự học của nhân và ngành giáo dục hiện nay.

Việc đầu tư cơ sở vật chất các trường ngoài công lập cũng là giải pháp giảm áp lực biên chế giáo viên ở khối công lập và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng dạy học”, bà Hằng nhấn mạnh.

Hoạt động thể thao trên sân cỏ của trường tiểu học Phù Đổng. Ảnh do nhà trường cung cấp.
Hoạt động thể thao trên sân cỏ của trường tiểu học Phù Đổng. Ảnh do nhà trường cung cấp.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng cho rằng, để giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập nói chung trên địa bàn tỉnh hiện nay, trước mắt các trường cần thu nhận học sinh đúng tuyến.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều ở các trường để tránh việc học sinh đổ dồn vào một số trường trọng điểm có chất lượng hơn.

Về lâu dài, cần đẩy mạnh xã hội hóa và có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập đặc biệt là đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở. Để thực hiện được việc này, các địa phương cần ưu tiên quy hoạch đất cho phát triển giáo dục. 

“Chúng tôi cho rằng, việc xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập là việc làm cần thiết hiện nay. Sở hoàn toàn ủng hộ việc làm này nếu việc xã hội hóa giáo dục thực hiện đúng quy định và việc đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch...

Hiện nay, trước sức ép quá tải về trường lớp tại một số địa phương trong tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở Giáo dục xây dựng chính sách xã hội hóa, nhằm phát triển các trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở...). Dự kiến vấn đề này sẽ được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến trong kỳ họp hội đồng nhân dân sắp tới”, bà Hằng nói.

Còn nữa

THANH MINH