Những lời bàn sâu sắc của thầy Tạ Quang Sum về thi quốc gia

18/09/2018 06:51
TẠ QUANG SUM
(GDVN) - Tại sao đề thi vào các trường đại học chỉ tập trung lặp lại những kiến thức về Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh… mà không có những bài trắc nghiệm tâm lý, khoa học...

LTS: Đưa ra quan điểm và góc nhìn của mình về cách thức tổ chức thi cũng như phương pháp nhằm đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thầy giáo Tạ Quang Sum đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 đã đi qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng.

Cuộc tọa đàm “Đổi mới thi cử, thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do Báo Đại biểu Nhân Dân tổ chức ngày 13/9 vừa qua tại Hà Nội đã có nhiều ý kiến bổ sung nhưng sức phản biện không lớn. Đó chỉ là một buổi đánh giá tổng kết mà lẽ ra là việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tất nhiên kỳ thi sẽ được tiếp tục duy trì cho đến năm 2020 như lịch trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một số giải pháp sẽ được triển khai nhằm tạo rào cản kỹ thuật, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, để không lặp lại những tiêu cực như nhận định “một loạt vụ việc tiêu cực ở kỳ thi năm 2018 là chưa có từng có”.

Thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Thực ra nó đã xuất hiện ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cài đặt mục tiêu 2 trong 1 nâng cấp danh xưng lên kỳ thi quốc gia.

Truy xuất không khó, nhưng việc xử lý và khắc phục hệ quả từ những tiêu cực ấy đang diễn tiến đến hiện nay là không thể.

Vì sẽ đụng đến hàng nghìn con người đang ngồi trong các trường đại học, có thể đã được bổ nhiệm vào nhiều vị trí trong bộ máy công quyền.

Vậy thì, việc điều chỉnh khâu này, khâu kia của kỳ thi sẽ diễn ra vào 2019 thuộc trách nhiệm của bộ phận khảo thí và tổ chức.

Vấn đề mà các nhà hoạch định chiến lược phát triển giáo dục, cần thận trọng, nên cẩn trọng và trịnh trọng đặt ra vào lúc này để chỉnh trị dòng chảy nhằm tạo sự phát triển bền vững, phải làm sao cho mục tiêu trung thực – tin cậy – khách quan không còn bị chà đạp một cách thô bạo, kết quả kỳ thi không còn bị trưng dụng cho mục đích vụ lợi bất chính.

Một cách nghiêm túc mang định hướng chiến lược cho việc cải tổ thi cử, chính là trả lại cho kỳ thi này chức năng cơ hữu và chính thống là xét tốt nghiệp bậc học phổ thông. Và, dừng ngang đó thôi, thì mọi chuyện sẽ trở lại đúng trật tự cố hữu mà nó đã được mặc định.

Như thế thì  nên giao cho các sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi một cách bình thường – an toàn – nghiêm túc.

Bố trí coi thi, chấm thi, công nhận kết quả, xét tốt nghiệp theo đúng nghiệp vụ khảo thí và các quy định liên quan, như đã từng trải qua trước năm 2015.

Những lời bàn sâu sắc của thầy Tạ Quang Sum về thi quốc gia ảnh 2Chỉ thị năm học 2019 có 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp, cần bổ sung điều gì nữa không?

Không trưng tập các trường đại học, giảng viên đại học tham gia kỳ thi này vì họ không liên quan và không phải việc của họ.

Đề thi chỉ cần ra với mức độ phổ thông đại trà, không nhất thiết phải phân hóa.

Tỉ lệ tốt nghiệp 99 hay 100% cũng được chấp nhận, vì kỳ thi mang tính danh dự hơn là sát hạch gắt gao, nó chỉ có mục đích công nhận kết thúc bậc học phổ thông.

Kết quả kỳ thi và tấm bằng tốt nghiệp được sử dụng vào mục đích gì, tùy thuộc vào mỗi cá nhân, tổ chức tuyển dụng lao động, bậc học tiếp theo.

Chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông là công dân có quyền ghi danh vào các trường đại học khu vực – cộng đồng, để nâng cao dân trí, để được đào tạo nghề cơ bản phổ thông.

Điểm và thứ hạng tốt nghiệp sẽ là dữ liệu tham khảo, để các tổ chức tiếp theo tạo ra tiêu chuẩn thủ tục, nếu cần khống chế chỉ tiêu hoặc các bước đánh giá mang tính hành chính khác nhằm phân luồng.

Những trường đại học trọng điểm: các Học viện Kỹ thuật, Quân sự, Hành chính quốc gia; các Trường đại học Y khoa, Sư phạm… nhất thiết phải được tổ chức kỳ thi tuyển sinh gắt gao, để tìm ra được những con người có đủ phẩm chất - năng lực, nhằm đào tạo ra lực lượng chuyên viên giỏi phục vụ sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.

Không nên chìm đắm quá lâu trong quan niệm ghép các cuộc thi lại với nhau trong một kỳ nhằm tiết kiệm nhằm giảm chi phí của người đi học.

Phải vận động nhân dân góp sức nhiều hơn cho giáo dục vì đó là tương lai của cá nhân – gia đình – xã hội.

Hãy để cho người đi học cân nhắc năng lực tài chính, hoàn cảnh kinh tế bản thân và gia đình, nhất là nội lực trí tuệ để định hình và định hướng tương lai của mình.

Không để người đi học có cảm giác vào đại học như là cấp 2 xong thì lên cấp 3, cấp 3 xong thì vào cấp 4.

Những lời bàn sâu sắc của thầy Tạ Quang Sum về thi quốc gia ảnh 3Tôi ủng hộ một số câu hỏi khó trong đề thi Quốc gia

Chính sự việc người người phải vào đại học, nhà nhà phải có con vào đại học, cả làng sánh vai nhau vào đại học… đã làm phá sản chiến lược phân luồng, gây mất cân đối lực lượng lao động trên bình diện quốc gia.

Chính việc dễ dàng nâng cấp trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học, tuyển sinh vào trung cấp với khẩu hiệu liên thông tới tận đại học.

Chạy theo giáo dục đại trà lơ lửng không nổi không chìm, giáo dục cao cấp với chi phí thấp đã không tạo ra được mũi nhọn, thì làm sao lập ra được thời kỳ mới nền tảng mới để tiếp thu công nghệ 4.0.

Lo gì chuyện tốn kém, với công nghệ truyền thông hiện nay chỉ cần một cái nhấp chuột là gửi xong hồ sơ đăng kí nhập học vào một trường đa ngành nào đó.

Chắc chắn sẽ không có cùng lúc hàng trăm ngàn người nộp đơn dự thi vào các Trường đại học Y khoa, Bách khoa, Học viện quân sự, Học viện ngoại giao, Học viện hành chính quốc gia…

Vì năng lực trí tuệ và sức học tương thích với loại trường này đâu phải ai cũng có đến mức đại trà đâu mà dự thi và theo học.

Bình đẳng trước các cổng trường có nghĩa là ai cũng được tham gia vào cuộc chạy đua, nhưng trí tuệ nội lực phải là điều kiện tiên quyết.

Mỗi trường đại học, cao đẳng đều phải lấy hiệu quả kinh tế làm đầu để thực hiện mục tiêu giáo dục, nhưng đừng vì mục đích kinh doanh giáo dục mà chào mời, quảng cáo cứ như Grab hoặc Go Việt.

Phải để cho người đi học chọn ra môi trường học tập trước cổng ngôi trường mà mình sẽ và chọn, họ có trách nhiệm với quyết định này.

Không nên lại chuyển thành kỳ thi “2 trong 1 buổi”, tức là chúng ta phải có 2 phần đề (tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học).

Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì

Những lời bàn sâu sắc của thầy Tạ Quang Sum về thi quốc gia ảnh 4Tôi vẫn chưa hết lo về tiêu cực có thể phát sinh trong coi thi

Đoàn lữ hành vừa trải qua một chặng đường dài 12 năm, mới phát hiện ở chân trời xa một thảo nguyên.

Hãy để họ dừng chân nghỉ ngơi lấy lại sức, để họ hỏi chính mình và bàn với nhau về hướng đi, lối đi và cách cất bước tiếp theo.

Thậm chí cần vận động số đông họ tham gia vào thị trường lao động, để được xâm nhập thực tế và trải nghiệm. Năm sau chắc họ sẽ tỉnh táo chọn trường đi học.

Ngoài ra phải hỏi: Tại sao đề thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng chỉ tập trung lặp lại những kiến thức về Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh… mà không có những bài trắc nghiệm về tâm lý, về nhận thức khoa học, về chọn nghề. Đó mới là những cái mới cần bàn!

Bài toán khó có lẽ dễ có lời giải không ảo nếu nó được công nhận trị riêng. Vấn đề là những nhà quản lý giáo dục có muốn giải không hay vẫn triền miên đi tìm lời giải siêu nhiên khác.

Mọi hoạt động của xã hội trong một quốc gia đều phải nhằm mục đích phát triển, đều phải dựa trên những chuẩn mực kinh tế dài hạn.

Làm kinh tế phải kê lên mà tính, nhưng tính ngắn quá bởi cứ loanh quanh gỡ rối mà không chịu vứt hẳn mớ bùng nhùng để quay cuộn tơ mới, co hẹp trong các nhóm lợi ích thì thiệt hại rất lớn cho quốc gia và dân tộc.

TẠ QUANG SUM