Vĩnh Phúc “tuýt còi” dạy thêm, học thêm

20/09/2018 07:11
Lư Nguyên
(GDVN) - Siết chặt học thêm đại trà trong trường lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã hành động đúng, nhằm từng bước kiểm soát, chấn chỉnh vấn nạn dạy học thêm.

LTS: Trước tình trạng dạy thêm, dạy thêm trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tác giả Lư Nguyễn đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Giáo dục Vĩnh Phúc luôn đứng vào nhóm các tỉnh thành top đầu của cả nước trong nhiều năm qua.

Những thành tích cao của giáo dục Vĩnh Phúc có liên quan đến việc dạy thêm, học thêm?

Vì sao Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc lại ban hành văn bản số 999/SGDĐT-GDTrH ngày 29/8/2018, chính thức siết chặt việc dạy thêm, học thêm?

Vài nét giáo dục Vĩnh Phúc thời kỳ đổi mới

Vĩnh Phúc hiện có 557 trường học và cơ sở giáo dục với 311.680 học sinh, sinh viên. Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các ngành học, cấp học, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo.

Cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị giảng dạy tiếp tục được trang bị đồng bộ, theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo yêu cầu phục vụ cho công tác dạy - học đạt chất lượng cao.

Vĩnh Phúc “tuýt còi” dạy thêm, học thêm                              ảnh 1Dạy thêm học sinh chính khóa đã trở thành vấn nạn

Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 89% ở các cấp học, tăng 30 trường so với năm học trước; chất lượng dạy và học ở các bậc học tiếp tục được nâng lên;

Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông được chú trọng, toàn tỉnh có gần 30% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học chương trình giáo dục thường xuyên và dạy nghề.

Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, Vĩnh Phúc là một trong 4 tỉnh có điểm bình quân các môn cao nhất cả nước; tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp đạt 98,74%.

Năm học 2017-2018, có 71 học sinh giành các giải Học sinh giỏi quốc gia; hơn 3.880 học sinh giỏi cấp tỉnh; 1 học sinh đoạt giải Ba cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 [1].

Muôn nẻo dạy thêm học thêm

Không ai phủ nhận lợi ích của học thêm, dạy thêm. Nhu cầu tất yếu của xã hội học tập hiện đại này vẫn còn nhiều người hiểu chưa chuẩn xác. Hiểu nhầm mục đích và nội dung sẽ dẫn việc học thêm, dạy thêm đến ngõ cụt và phản tác dụng.

Mục đích của dạy thêm chỉ cốt kiếm tiền lâu nay bị dư luận lên án nhiều buộc cơ quan quản lí giáo dục phải cấm.

Nhưng, dù tăng cường giải pháp thế nào, dù siết chặt và kỉ luật bằng hình thức nào, dạy thêm học thêm vẫn diễn ra ở khắp nơi cả hợp pháp và không hợp pháp.

Dường như quy luật cung - cầu của dạy thêm, học thêm trở nên tất yếu khách quan đã làm vô hiệu mấy văn bản cấm kia của cơ quan có thẩm quyền?

Dạy thêm bên ngoài nhà trường, có hoặc không giấy phép đều khó xử lí. Không ai có thể cấm được vì mọi lí do đều hợp lệ.

Vài năm nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc, nhiều nhà trường đã ngầm chuyển giao kinh nghiệm nâng chất lượng học sinh và chất lượng thi tuyển sinh, một tiêu chí quan trọng đánh giá thứ hạng mỗi trường của tỉnh qua hoạt động dạy thêm, học thêm.

Dạy trước chương trình vào dịp học hè, dồn tiết để lớp 12, học hết kỳ I đã xong và để toàn bộ thời gian học kỳ II cho ôn thi, cá biệt có đơn vị còn cho phép môn phụ không thi kết thúc chương trình vào tháng 4… Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, nhắc nhở và xử lí kịp thời theo cách “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Vĩnh Phúc “tuýt còi” dạy thêm, học thêm                              ảnh 2Dạy thêm chính khóa lan tràn vì miếng ngon khó bỏ, cần liều thuốc cực mạnh

Một vị lãnh đạo huyện Lập Thạch khẳng định “không học thêm thì làm sao có chất lượng như thế được” thế nên dạy thêm vẫn gần như chưa có văn bản cấm ban hành.

Dạy thêm hợp pháp trong trường ở Vĩnh Phúc nói riêng và nhiều nơi được đặt tên học chuyên đề. Chương trình học chuyên đề không giống nhau và rất lung tung.

Giáo viên bộ môn tự biên soạn, thảo luận nhóm và có phê duyệt của nhóm trưởng và ban giám hiệu và gửi lên Sở Giáo dục và Đào tạo quản lí.

Theo nhu cầu, học sinh phải có đơn, có chữ kí của bố mẹ đồng ý, nhà trường phân công giáo viên theo lớp học chính khóa và nguyện vọng theo khối thi tuyển đại học.

Điều đáng bàn là không ai quản lí được chương trình và chất lượng bài học, hiệu quả học tập và phân công giáo viên theo quan điểm “hoa thơm cùng hưởng”.

Bài chính khóa học 1 thì thêm 2-4 tiết chuyên đề, rồi học trò vẫn thi nhau học thêm nhà cô, rút cục càng học thêm càng tối đầu óc.

Bạn tôi, dạy Ngữ văn trung học phổ thông ở Vĩnh Yên, đã thẳng thắn khi trò đề nghị thầy dạy thêm ở nhà: “Thầy dạy hết trên lớp rồi, không còn gì để dạy các em ở nhà”.

Phần lớn thầy cô dạy thêm chỉ luyện đề mà không ôn tập, củng cố kỹ năng và kiến thức nền cơ bản. Ví như dạy truyện Vợ chồng A Phủ (Văn 12), có người làm 4 ca chuyên đề, mỗi ca 2,5 tiết; hay luyện hàng chục đề Toán, đề Lý, đề đọc hiểu Ngữ văn…cùng một dạng đề.

Việc không thể phân chia theo nhóm đối tượng cũng là thực tế. Người lãnh đạo có thể xếp lớp chọn nhưng không thể chia đối tượng khá giỏi, trung bình và yếu để xếp lớp học thêm. Nếu thầy cô dạy thêm ở nhà, xếp lớp theo đối tượng thì không có học sinh và tan lớp sớm.

Rõ ràng, học thêm ở đâu và dù có hợp pháp thế nào, nếu người thầy không nghĩ đến mục đích người học thì cũng đều dẫn đến học nhiều, biết ít, càng học càng không biết.

Nhưng dạy thêm để tăng thu nhập là điều từ người quản lý cấp Sở, Phòng đến Hiệu trưởng và giáo viên đều thấy mười mươi.

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường hay ngoài trường hiệu quả hơn

Đó là câu hỏi không ai trả lời được thấu đáo. Học ở trường xét về quản lý rất ổn nhưng hiệu quả thì rất kém. Học sinh vẫn chạy sô buổi tối và ngày nghỉ là vì các em chưa thấy yên tâm.

Vĩnh Phúc “tuýt còi” dạy thêm, học thêm                              ảnh 3Phải thu hồi tiền, xử lý mạnh tay các giáo viên vi phạm dạy thêm nghiêm trọng

Dạy thêm hợp pháp trong nhà trường Vĩnh Phúc và các nơi khác diễn ra như một buổi chính khóa vậy.

Trường nào cũng tổ chức học chuyên đề, số tiết học thêm buổi chiều có trường theo tỉ lệ 1 tiết chính khóa/2,5 tiết chuyên đề đối với môn chính theo khối.

Thời gian học sinh học hết 5 buổi/tuần, mỗi buổi 2 ca, mỗi ca 105 phút. Không có thời gian học đội tuyển, học bù hoặc làm các chuyên đề ngoại khóa khác.

Môn chính Toán – Văn - Anh (mỗi môn chính khóa từ 3-5 tiết theo Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) học thêm tại trường từ 80 đến 96 ca/năm học, môn Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh, Công dân 30-40 ca, chưa kể học trong hè theo lớp tại trường.

Nội dung chương trình, đơn xin học thêm và phê duyệt của cán bộ chuyên môn cùng cách quản lý của ban giám hiệu, tổ bộ môn đều được các nhà trường làm đúng quy định và được phê duyệt.

Sự quá tải học tại trường có sự quản lý (sĩ số, nội dung bài học và giảng dạy của thầy cô) nhưng học sinh học cả ngày vẫn thầy cô ấy dạy cả lớp nên hiệu quả kém.

Năm học 2018-2019 thi tuyển vào lớp 10, Vĩnh Phúc có gần 1.000 em bị điểm liệt Toán, hàng trăm em liệt môn tổ hợp và Ngữ văn.

Thi trung học phổ thông quốc gia điểm dưới 4 các môn cũng rất nhiều (do điểm tổng kết 12 được nâng cao nên rất ít em bị trượt).

Quyết siết chặt học thêm tại trường, Sở Giáo dục Và Đào tạo đã tạo nên một cơn chấn động trong học đường.

Nhiều lãnh đạo nhà trường lo lắng chất lượng toàn diện sẽ khó đạt chỉ tiêu giao; không biết tổ chức ngoại khóa thế nào; thu nhập thêm của trường và giáo viên sẽ giảm nhiều…

Giáo viên môn chính và được ưu ái chọn dạy giảm thu nhập đáng kể mỗi tháng trên dưới chục triệu.

Siết chặt thi trung học phổ thông quốc gia, chấm chéo, quản lý bằng công nghệ…chất lượng thật của kỳ thi trung học phổ thông đến năm 2020 vừa công bố sáng 17/9/2018 càng làm cho thầy cô, phụ huynh và học sinh hoang mang và lo lắng. [2]

Các trung tâm dạy thêm sẽ mở ra, học tại nhà thầy cô nhiều hơn, việc quản lý sẽ vô cùng khó khăn.

Việc cấp phép cho thầy cô dạy thêm ở trung tâm và dạy tại nhà đang không thể kiểm soát, cùng việc học chuyên đề ở trường tràn lan nhất là các sự kiện nóng về giáo dục vừa qua đang làm mất niềm tin vào giáo dục nước nhà.

Vĩnh Phúc “tuýt còi” dạy thêm, học thêm                              ảnh 4Không được ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm

Giảm bớt học chuyên đề bắt buộc tại trường, phụ huynh hoan nghênh vì con họ có thời giờ nghỉ ngơi để học thêm bên ngoài và vui chơi.

Những gia đình có nhu cầu đều muốn con mình được chọn thầy cô và học đến nơi đến chốn. Phụ huynh không đồng tình với việc nhà trường giao cho thầy cô trình độ nào cũng được dạy chuyên đề tại trường (trừ môn phụ).

Siết chặt học thêm đại trà trong trường phổ thông, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã hành động đúng, nhằm từng bước kiểm soát, chấn chỉnh vấn nạn dạy thêm, học thêm ở địa phương.

Nhưng Mục 3 của văn bản số 999/SGDĐT-GDTrH của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc lại làm khó cho người thực hiện.

Thời gian có thể làm được, nhưng nội dung khác (dựa kết quả trung bình môn, chia 3 nhóm, không dạy theo lớp chính khóa, rút kinh nghiệm từng đợt, chọn giáo viên, không quá 45 em, mỗi buổi 3 tiết…) thì gần như không trường phổ thông Việt Nam nào làm được.

Điều quan trọng nhất của học thêm và dạy thêm không phải là chia thành 3 nhóm: khá giỏi, trung bình và yếu kém; không phải là dạy 3 tiết/buổi, 3-4 buổi/tuần; không phải là chọn ai dạy và thu học phí bao nhiêu và quản lý thế nào. Vấn đề cốt yếu là mục đích và động cơ dạy và học thêm.

Chỉ khi lãnh đạo, thầy cô giáo tổ chức dạy thêm là vì hiểu biết của trò chứ không vì thu nhập thêm; chỉ khi phụ huynh và học sinh thật sự muốn học thêm vì hiểu biết chứ không phải vì phong trào, vì giữ trẻ.

Người dạy được trả công tương xứng và người học trả học phí là hiển nhiên. Điều người viết muốn nêu lên là đôi khi người thầy (hoặc lãnh đạo) cố đẩy số giờ, ca học lên, kéo dài chương trình để tăng giờ/ca dạy tức là thêm thu nhập. Bài không quan trọng cũng ôn, đề bài dạng giống nhau làm hàng chục đề…

Nhưng có ai lại muốn sĩ số học thêm lưa thưa chục trò? Có ai lại muốn dạy lớp các em toàn xếp vào hàng “nhất nhì đông dương”, hỏi gì cũng có hai từ “không biết”?

Giá trị của học thêm không thể biết chính xác. Con anh trả học phí cao (từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng cho 2 giờ học) học sẽ chuẩn kiến thức kỹ năng hơn (học gia sư) con chị trả học phí 10-15 nghìn đồng/buổi học đại trà tại trường.

Thực chất học chuyên đề bắt buộc tại trường phổ thông đã trượt khỏi mục tiêu ôn tập và tăng cường kiến thức và khó đáp ứng nhu cầu của trò.

Nhiều em muốn thi đạt điểm cao trên 20 (sợ thầy cô dạy mình biết) buổi tối vẫn lén đi học thầy khác. Và rõ ràng nhiều em khôn ra nhờ học thầy giỏi bên ngoài chứ không phải học chuyên đề ở trường.

Ảnh chụp màn hình Công văn 999 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc. (Ảnh Văn Lự)
Ảnh chụp màn hình Công văn 999 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc. (Ảnh Văn Lự)

Phong trào học thêm ào ào không cần biết hiệu quả thế nào còn có công của các bậc phụ huynh. Các bố mẹ học trò cũng nên từ bỏ suy nghĩ giao con cho thầy cô quản giữ giúp mình và từ bỏ ý nghĩ lo sợ “nhỡ ra bị cô để ý” hoặc nghe con “các bạn đi hết”… để đẩy con đi học thêm vô nghĩa.

Nếu cấp trên cứ hình thức giáo điều và quản lý từ xa, thi thoảng kiểm tra, rồi sai thi “rút kinh nghiệm”, “hạ thi đua”… thì cuối cùng chỉ là sự chuyển từ học trong trường sang học ngoài trường mà thôi.

Tỉnh Phú Thọ và một số nơi mấy năm nay làm rất căng, xử lý thật nhưng cũng không thể kiểm soát nổi dạy và học thêm. 

Hãy cứ để thực tế cuộc sống học đường lựa chọn dạy thêm, học thêm.

Mọi chế tài hành chính cũng sẽ kém tác dụng, khi nhu cầu dạy thêm và học thêm tồn tại tất yếu.

Khi thi trung học phổ thông quốc gia và đại học vẫn cam go và kiến thức sách giáo khoa không thể giúp trò đạt điểm đỗ vào trường; khi việc quản lý dạy và học thêm chỉ nhằm vào đơn vị nhà trường mà bỏ qua bên ngoài thì quy luật cung cầu học thêm, dạy thêm vẫn tồn tại và phát triển.

Tài liệu tham khảo

[1]http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/52249/trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-2018-2019.html

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giu-ky-thi-quoc-gia-den-nam-2020-voi-6-thay-doi-dieu-chinh-post189938.gd

Lư Nguyên