Phó Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám quá đơn độc

02/10/2018 07:02
Trinh Phúc
(GDVN) - Việc xuất hiện bị đơn trong khi giải quyết đơn thư của bà Nguyễn Thúy Hảo là trái với quy định tại Điều 8, Điều 9 của Luật Tố cáo.

Hai kết luận trái ngược nhau

Việc đấu tranh chống tiêu cực của bà Nguyễn Thúy Hảo nguyên Bí thư chi bộ, phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh ở hai bài báo “Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực” và “Hiệu phó trường Lê Văn Tám nhiều lần bị kỷ luật oan sai vì tố Hiệu trưởng”.

Sau khi hai bài báo đăng tải, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản hồi từ Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên và bà Nguyễn Phương Thanh – nguyên Hiệu trưởng Trường Lê Văn Tám.

Ngoài ra, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng nhận được trả lời của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên liên quan đến vụ việc tại trường Lê Văn Tám.

Các phản hồi trên có nhiều nội dung liên quan đến nội dung hai bài báo đã đăng. Tựu chung là các cơ quan và cá nhân đều bảo vệ quan điểm như khi kỷ luật bà Hảo.

Tuy nhiên, các tài liệu các bên cung cấp cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy nhiều mâu thuẫn và tự chúng đã bộ lộc nhiều tắc trách trong quá trình xử lý đơn thư của bà Nguyễn Thúy Hảo.

Trường Lê Văn Tám tồn tại nhiều sai phạm thời bà Nguyễn Phương Thanh làm Hiệu trưởng (ảnh Trinh Phúc).
Trường Lê Văn Tám tồn tại nhiều sai phạm thời bà Nguyễn Phương Thanh làm Hiệu trưởng (ảnh Trinh Phúc).

Cụ thể, nói về các sai phạm ở trường Lê Văn Tám, phòng Giáo dục thành phố Thái Nguyên cho rằng: “Qua kiểm tra công tác thu, chi tài chính tháng 9 năm 2017, Đoàn kiểm tra đã phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong năm học 2015-2016; 2016-2017:

Trường Tiểu học Lê Văn Tám thực hiện một số khoản thu chưa đúng quy trình như: Thu tiền mua bàn ghế bán trú 02 chỗ ngồi cho học sinh lớp 1 năm học 2016-2017;

Tiền ủng hộ sửa chữa nhà xe thành phòng họp nhà trường năm học 2015-2016 và 2016-2017 nhưng chưa thực hiện đúng quy trình, quy định của cấp có thẩm quyền.

Cụ thể, không báo cáo Ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố trước khi thực hiện”.

Phó Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám quá đơn độc ảnh 2Hiệu phó trường Lê Văn Tám nhiều lần bị kỷ luật oan sai vì tố Hiệu trưởng

Cũng liên quan đến sai phạm tại trường Lê Văn Tám, trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên cho biết: “Căn cứ Kết luận số 07/KL_UBND ngày 29/11/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng các khoản thu đối với Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Thái Nguyên;

Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập Hội đồng kỷ luật, tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật bà Nguyễn Phương Thanh theo mức độ vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định xử lý kỷ luật bà Nguyễn Phương Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám bằng hình thức cảnh cáo”.

Việc phát hiện sai phạm và xử lý kỷ luật bà Nguyễn Phương Thanh của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên vào cuối năm 2017 đã có sự trùng lặp với một số nội dung phản ánh trong đơn thư của bà Nguyễn Thúy Hảo vào ngày 19/10/2016.

Cụ thể, trong đơn thư của bà Hảo tại phần công tác tài chính có đoạn bà Hảo nêu: “Các khoản tiền xin của phụ huynh ủng hộ nhà trường cũng không báo cáo chi bộ, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân phường”.

Điều khó hiểu ở đây là trong biên bản xử lý đơn thư của bà Hảo ngày 5/11/2016 trong đó có sự tham gia của bà Lê Hằng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên; Ông Trịnh Xuân Luyện – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh;

Bị đơn là bà Nguyễn Phương Thanh – Hiệu trưởng Trường Lê Văn Tám… lại cho rằng về công tác tài chính bà Thanh làm đúng quy định.

Kết luận xử lý đơn thư của bà Nguyễn Thúy Hảo với kết quả kiểm tra của phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên, của Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên đã phủ nhận lẫn nhau.

Điều này cho thấy cách giải quyết đơn thư của bà Hảo do Ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh và các bên đã thực hiện là vội vàng, bỏ lọt sai phạm.

Người tố cáo quá đơn độc

Đơn thư bà Nguyễn Thúy Hảo gửi vào ngày 19/10/2016 có nhiều nội dung tố cáo (trong đơn gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Phương Thanh cũng cho rằng đơn thư này tố cáo bà Thanh tới 27 vấn đề).

Trong biên bản làm việc giải quyết đơn thư tại Ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh cho thấy có sự hiện diện của bà Nguyễn Phương Thanh – bị đơn Hiệu trưởng nhà trường.

Việc xuất hiện bị đơn là bà Nguyễn Phương Thanh trong giải quyết đơn thư là trái với  quy định tại Điều 8, Điều 9 của Luật Tố cáo.

Việc bà Nguyễn Phương Thanh bị đơn được xuất hiện trong buổi giải quyết đơn tố cáo của bà Nguyễn Thúy Hảo là trái với Luật Tố cáo (ảnh chụp từ tài liêu của bà Nguyễn Phương Thanh gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam).
Việc bà Nguyễn Phương Thanh bị đơn được xuất hiện trong buổi giải quyết đơn tố cáo của bà Nguyễn Thúy Hảo là trái với Luật Tố cáo (ảnh chụp từ tài liêu của bà Nguyễn Phương Thanh gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam).

Khi gửi đơn, bà Hảo là Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Bà kỳ vọng nhận được sự xem xét khách quan. Tuy nhiên do quá đơn độc nên bà Hảo đành phải rút đơn.

Lý do rút đơn theo bà Hảo là do việc giải quyết đơn thiếu khách quan chứ không phải không có đủ bằng chứng để chứng minh.

Trong khi, biên bản làm việc giải quyết đơn thư của bà Hảo lại ghi rằng: “Đúng 9h 22 đồng chí Hảo (nguyên đơn) xin phép rút đơn: với lý do không có đủ bằng chứng để chứng minh các vấn đề mà bà đã viết trong đơn.

Biên bản kết luận đồng ý cho rút đơn về mặt chính quyền và yêu cầu đồng chí Hảo phải có đơn xin rút đơn và trình bày nhận thức của bản thân về vấn đề này.

Yêu cầu đồng chí Hảo viết bản kiểm điểm và kiểm điểm trước tập thể chi bộ;

Đồng chí Hảo chưa thực hiện hết trách nhiệm của một bí thư chi bộ, chưa thực hiện nguyên tắc phê và tự phê, cá nhân phục tùng tổ chức trong thực hiện Điều lệ Đảng…”

Phó Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám quá đơn độc ảnh 4Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực

Ngoài ra trong kết luận cũng nêu: “Đề nghị cấp ủy chi bộ Trường Tiểu học Lê Văn Tám nghiêm túc kiểm điểm và tổ chức họp xét kiểm điểm đảng viên theo Điều lệ Đảng và có hình thức kỷ luật nếu cần (theo Điều 3 và Điều 4 trong Quy định số 19 – QĐ/TW quy định về những điều đảng viên không được làm)…”.

Qua xem xét các tài liệu liên quan của các bên thấy rằng, nếu ngay từ khi bà Hảo có đơn thư, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên hoặc Ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh kiểm tra nghiêm túc, khách quan, công tâm thì sẽ phát hiện ra sai phạm của bà Nguyễn Phương Thanh.

Tuy nhiên sự việc lại ngược lại, bà Nguyễn Thúy Hảo người dũng cảm viết đơn thư đến nay lại bị kỷ luật trong Đảng, cách chức Phó Hiệu trưởng và điều chuyển công tác một cách khó hiểu.

Để công tâm, khách quan, không để người đấu tranh chống tiêu cực bị thiệt thòi, cần thiết các cấp phải nhìn nhận lại việc kỷ luật của bà Hảo.

Trinh Phúc