Ủy ban của Quốc hội khẳng định, trường ngoài công lập còn quá nhiều thiệt thòi

09/10/2018 07:04
Linh Hương
(GDVN) - Trong thực tế, chỉ có số ít cơ sở giáo dục ngoài công lập được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, tín dụng hoặc...

Chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngoài công lập chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức, chủ yếu vận hành theo cơ chế thỏa thuận giữa người lao động (nhà giáo) và người sử dụng lao động (chủ trường). 

Đó là đánh giá nằm trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ký ngày 15/11/2017. 

Cụ thể, báo cáo còn nêu: Hiện nay số lượng nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm khoảng 10%; được tuyển dụng, bố trí công việc, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá theo chế độ riêng do các cơ sở giáo dục chủ động quyết định.

Các chính sách đặc thù như phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên, chế độ đào tạo, bồi dưỡng được các cơ sở vận dụng tùy theo tình hình thực tiễn mỗi nơi và không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. 

Tiền lương của nhà giáo được chi trả theo công việc, chất lượng, hiệu suất và hiệu quả lao động của nhà giáo, trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà giáo và cơ sở giáo dục theo hợp đồng lao động. 

Trong thực tế, chỉ có số ít cơ sở giáo dục ngoài công lập được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, tín dụng hoặc được doanh nghiệp đầu tư để xây dựng “thương hiệu” về chất lượng (Ảnh minh họa: VOV)
Trong thực tế, chỉ có số ít cơ sở giáo dục ngoài công lập được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, tín dụng hoặc được doanh nghiệp đầu tư để xây dựng “thương hiệu” về chất lượng (Ảnh minh họa: VOV)

Trong thực tế, chỉ có số ít cơ sở giáo dục ngoài công lập được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, tín dụng hoặc được doanh nghiệp đầu tư để xây dựng “thương hiệu” về chất lượng, có nguồn học sinh dồi dào, có nguồn thu ổn định mới có khả năng cân đối được nguồn lực để thu hút nhà giáo giỏi và có điều kiện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. 

Đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở này thường có thu nhập cao, tương xứng với sức lao động và có cơ hội để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tiếp cận với những phương pháp và nội dung giáo dục tiên tiến. 

Tuy nhiên, họ cũng chịu không ít áp lực do cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ và sự đào thải khắc nghiệt của nhà đầu tư. 

Ủy ban của Quốc hội khẳng định, trường ngoài công lập còn quá nhiều thiệt thòi ảnh 2Phải thay đổi căn bản, nền tảng hệ thống giáo dục quốc dân

Và báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng chỉ rõ, đa số các cơ sở giáo dục ngoài công lập quy mô nhỏ vừa không được hưởng chính sách hỗ trợ, đất đai, tín dụng của Nhà nước, vừa khó nhận được sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp;

Nguồn thu học phí của người học ít, khó cân đối để thu hút, duy trì đội ngũ nhà giáo và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ; đặc biệt khó giữ chân những nhà giáo giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác ổn định.

Trước đó, thừa nhận với Báo Điện tử giáo dục Việt Nam, bà Ngô Thị Minh -Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, thời gian tới cần nhanh chóng có Luật Nhà giáo, mặc dù trong lần sửa Luật Giáo dục (tới đây) sẽ có Chương về Nhà giáo, dù vậy cũng chưa thể đưa hết những vấn đề đặt ra nhưng ít nhất phải có quan điểm đối với nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao. 

Bởi lẽ, đây chính là đội ngũ gánh đỡ những gánh nặng với ngân sách nhà nước tuy nhiên, thời gian qua chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập phát triển vẫn còn hạn chế. 

Linh Hương