Thầy cô "mắng" lãnh đạo nhiều rồi, có biết Hiệu trưởng mong đợi gì ở mình không?

13/10/2018 07:24
THIÊN ẤN
(GDVN) -Giáo viên đã mong muốn nhiều ở Hiệu trưởng, vậy Hiệu trưởng muốn gì từ người giáo viên dưới quyền mình?

LTS: Đặt ra câu hỏi "Hiệu trưởng mong đợi gì ở giáo viên?", tác giả Thiên Ấn đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Giáo viên thì mong muốn hiệu trưởng nơi mình công tác vừa có tâm vừa có tầm, đối xử công bằng với mọi người.

Còn các hiệu trưởng thì họ trông mong điều gì ở cấp dưới, các thầy cô giáo, nhân viên của mình?

Hiệu trưởng mong điều gì ở người giáo viên? (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn).
Hiệu trưởng mong điều gì ở người giáo viên? (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn).

Đối với các thầy cô giáo giữ vị trí phó hiệu trưởng. Họ là những người giúp việc đắc lực cho hiệu trưởng và cùng chịu trách nhiệm về các mảng công việc được hiệu trưởng giao phó.

Hiệu trưởng cần ở các phó hiệu trưởng cách làm việc, quản lý, điều hành khoa học, hiệu quả, luôn tập hợp được sự nhất trí, đoàn kết cao trong hội đồng sư phạm nhà trường.

Đối với tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên, lựa chọn được các thầy cô năng nổ, nhiệt tình, thạo việc vào các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn, bí thư, phó bí thư đoàn trường và thành viên ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên.

Ba bộ phận nòng cốt: Ban giám hiệu (chính quyền), công đoàn, đoàn thanh niên có chức năng phối kết hợp với nhau để triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng yếu trong nhà trường.

Hiệu trưởng sợ nhất trong công tác phối hợp này không có sự đồng bộ, gắn kết, mạnh ai nấy làm và năng lực chuyên trách, kiêm nhiệm của các phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn trường còn hạn chế, ít năng động, nhiệt tâm, lại nảy sinh tư tưởng làm việc cầm chừng, cốt để giảm tiết đứng lớp và nhận tiền phụ cấp trách nhiệm.

Hiệu trưởng như thế nào thì được thầy cô yêu mến?

Đối với các tổ trưởng, tổ phó chuyên, trên cơ sở thăm dò ý kiến của các thành viên trong tổ, hiệu trưởng ra quyết định bổ nhiệm theo từng năm học.

Hiệu trưởng nào chẳng trông mong các tổ trưởng, tổ phó mà mình lựa chọn trở “cánh tay” nối dài của Ban giám hiệu, làm tốt vai trò quản lý, các hoạt động, kế hoạch chuyên môn của tổ.

Có thể nói, tổ chuyên môn mạnh hay hay yếu, chất lượng dạy học của các thành viên trong tổ có tiến bộ hay không, phụ thuộc tương đối nhiều vào khả năng “cầm trịch”, “chèo lái” của tổ trưởng và tổ phó chuyên môn.

Các bộ phận hỗ trợ khác như ban quản sinh, ban văn thể, tổng phụ trách đội, ban lao động, văn phòng, thư ký hội đồng… giúp cho hiệu trưởng quản lý chặt chẽ, toàn diện hơn.   

Đối với thầy cô giáo - người trực tiếp “thi công” trong nhà trường có thể giống nhau về mặt bằng cấp theo từng cấp học song lại không đồng đều nhau về mặt trình độ, nghiệp vụ sư phạm, mức độ tâm huyết với nghề và tâm tính mỗi thầy cô giáo cũng rất khác biệt.

Hiệu trưởng cảm thấy hạnh phúc, tin tưởng biết bao nhiêu khi có được nhiều thầy cô giáo thật sự yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì học sinh thân yêu, biết cách giáo dục học sinh cá biệt tiến bộ, ứng xử đúng mực với học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.

Hiệu trưởng lắm lúc khó chịu, bực dọc thậm chí to tiếng, quát tháo… trước một số giáo viên chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ, hay đi dạy trễ, hồ sơ sổ sách giáo án không đảm bảo, bị phụ huynh học sinh phàn nàn dạy khó hiểu, dùng “chiêu” ép con em dạy học thêm mình…

Cái tâm của người hiệu trưởng

Trong những trường hợp giáo viên vi phạm nhiều lần, buộc hiệu trưởng, hội đồng kỷ luật phải sử dụng các hình thức nhắc nhở, phê bình đến kỷ luật.

Có giáo viên cho rằng công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thật nhẹ nhàng, khỏe re, có các bộ phận cấp dưới làm hết rồi, chỉ mỗi việc tổng hợp lại thôi.

Song những ai là người trong cuộc đã, đang làm cán bộ quản lý mới thấu hiểu công việc lãnh đạo, điều hành cả “bộ máy” trường học vận hành cho tốt không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều yếu tố cùng cộng hưởng.

Đội ngũ giáo viên - người thi công trực tiếp xây nên chất lượng giáo dục của nhà trường mà cứ bàng quan, thờ ơ, ỳ ạch, chậm đổi mới… thì Ban giám hiệu dù có tầm, có tâm đến mấy cũng đành bất lực, chẳng làm nên trò trống gì.

Như vậy, không chỉ có giáo viên kỳ vọng nhiều vào phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý của người hiệu trưởng mà chính các hiệu trưởng cũng đầy ắp những trăn trở, mong mỏi về mức độ tâm huyết, cống hiến, trách nhiệm cao của đội ngũ giáo viên và các bộ phận chuyên môn, kiêm nhiệm ở cấp dưới đối với trường lớp, các em học sinh.     

THIÊN ẤN