Để bảo vệ sức khỏe người dân, phải tăng nặng xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

06/10/2018 06:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Những vụ việc ngộ độc thực phẩm đã xảy ra quá nhiều khiến người dân vô cùng lo lắng.

Vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 23/5/2018, Bệnh viện đa khoa huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận 19 công nhân Công ty TNHH Willtech Vina (Khu công nghiệp Quế Võ, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Những công nhân này sử dụng bữa trưa tại công ty, tới chiều thì xảy ra hiện tượng này.

Sau khi dùng bữa tối tại nhà ăn của công ty TNHH KMW, về nhà nhiều công nhân có dấu hiệu đau bụng, đến sáng ngày 17/8, nhiều công nhân có dấu hiệu đau quặn bụng, đi ngoài, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn ói, phải nhập viện điều trị.

Một vụ việc khác xảy ra vào ngày 17/8/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận và điều trị cho 29 công nhân Công ty TNHH KMW, Khu công nghiệp Đồng Văn I, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Những công nhân này ăn bữa tối ngày 16/8 tại công ty, đến rạng sáng ngày 17/8 thì có những biểu hiện đau bụng, chóng mặt, buồn nôn... và phải nhập viện cấp cứu.

Người dân quen với thức ăn đường phố và không ý thức được sự nguy hiểm lâu dài.
Người dân quen với thức ăn đường phố và không ý thức được sự nguy hiểm lâu dài.

Ở nhiều doanh nghiệp đã xảy ra các sự việc ngộ độc thực phẩm, còn trên các đường phố thì nguy hiểm hơn rất nhiều.

Bác sĩ chuyên khoa I - Lê Kim Huệ, Trưởng khoa Truyền thông, Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Dinh Dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thức ăn đường phố rẻ tiền, tiện lợi nên nhiều người hay dùng. Tuy nhiên, người ăn những thức ăn này đã không ý thức được tác hại.

Để nhanh có lãi, nhiều hàng quán vỉa hè chỉ mua những thực phẩm rẻ, còn tồn dư nhiều hóa chất độc hại nấm mốc về chế biến và "phù phép" rồi bán cho người sử dụng.

Có bốn nhóm bệnh mà bác sĩ Huệ chỉ ra khi ăn phải những thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh như: Tiêu chảy, Gian sán, Viêm ga siêu vi a... thậm chí còn có thể mắc ung thư gan.

Nếu như vấn đề này tiếp tục kéo dài thì trong tương lai gần, hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn từ chính vấn đề thực phẩm bẩn của ngày hôm nay. Bên cạnh đó, sức khỏe của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ suy giảm, gây ảnh hưởng lớn tới giống nòi, ảnh hưởng lớn tới tương lai của đất nước.

Theo ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), việc triển khai thi hành Nghị định 115 có hiệu lực từ 20/10/2018 quy định mức xử phạt nặng hơn với các vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời quy định rõ ràng các hành vi để dễ xử phạt, kể cả trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Nghị định 115 thay thế Nghị định 178 ban hành từ năm 2013, loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định hình thức phạt tiền.

Mức xử phạt này cao hơn nhiều so với hành vi tương tương trong Nghị định 178, có hành vi tăng mức xử phạt gấp 2-3 lần, nhưng cũng có hành vi bị xử phạt tăng đến 10 lần (cụ thể như bơm tạp chất vào tôm với mức xử phạt tăng từ 300.000 đồng lên đến 3 triệu đồng).

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định quy định có 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, không bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên, trong đó có 5 hành vi xử phạt từ 5 - 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, 2 hành vi xử phạt từ 1-2 lần giá trị hàng hóa vi phạm.

Đồng thời, 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm. Do đó, một cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm thì có thể bị phạt tới nhiều tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện àn toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm...

Ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế).
Ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế).

Trước một số ý kiến cho rằng, phạt tới 500.000 - 1 triệu đồng là quá nặng đối với gánh hàng rong, thức ăn đường phố, ông Trần Văn Châu cho rằng: "Thức ăn đường phố là lĩnh vực kinh doanh phổ biến, nhiều người dân sử dụng, không thể xóa bỏ. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thức ăn đường phố còn rất nhiều vấn đề, do đó việc quy định xử phạt nghiêm khắc và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hoạt động này là vô cùng cần thiết.

Cùng là hoạt động kinh doanh ăn uống nhưng mức xử phạt với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn cao hơn nhiều (cao nhất tới 10 triệu đồng/vi phạm). Mức phạt 500.000-1 triệu đồng đối với kinh doanh thức ăn đường phố theo tôi là vừa phải, để đủ mức răn đe.

Do đó, không muốn bị xử phạt thì người bán hàng rong, cơ sở thức ăn đường phố cần khẩn trương bổ sung những điều kiện mình thiếu, vừa tránh bị phạt vừa bảo vệ người tiêu dùng, tạo uy tín cho cửa hàng".

Theo ông Trần Văn Châu, việc xử phạt sẽ tiến hành nghiêm túc, trước tiên là tuyên truyền vận động để người dân thực sự hiểu và thay đổi hành vi, tiếp đó nếu có vi phạm sẽ xử phạt.

"Có những hành vi chúng tôi sẽ xử phạt ngay như thức ăn không được che đậy, nước rửa cáu bẩn, rửa đi rửa lại nhiều lần, bốc thức ăn... Cũng có hành vi chưa xử phạt được ngay nhưng không có nghĩa là bỏ ngỏ để người bán hàng vi phạm.

Qua quá trình kiểm tra, tuyên truyền, tôi ghi nhận sự thay đổi trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn đường phố. Ví dụ như trước đây đại đa số là người bán không dùng găng tay, quầy hàng không được che chắn thì nay khá nhiều người bán dùng găng tay, hoặc dùng kẹp gắp thức ăn, có che chắn cho thực phẩm...

Còn người mua khi nhận thức được các hành vi không an toàn thực phẩm, không đảm bảo sức khỏe và tẩy chay mua hàng thì sẽ buộc người bán phải thay đổi theo", ông Châu nói.

Trúc Diệp