Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học

17/10/2018 07:54
Thùy Linh
(GDVN) - Hiệp hội vừa gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Ngày 12/10, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học

Trong đó nội dung nêu rõ, được biết trong tháng 10 năm 2018, Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trên cơ sở tập hợp ý kiến rộng rãi của các thành viên, xin được qua Ủy ban, kiến nghị lên Quốc Hội Khóa XIV Kỳ họp thứ 6 như sau:

Nghị quyết số 29/NQ-TW của Hội nghị 8 Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ban hành đã gần 5 năm nhưng nhiều nội dung của nghị quyết vẫn chưa đi được vào cuộc sống do vướng với khá nhiều các qui định đã không còn phù hợp ở các luật về giáo dục, trong đó có Luật Giáo dục đại học.

Do vậy, để tháo gỡ những vướng mắc đang gặp khi triển khai Nghị quyết 29 Quốc hội đương nhiên cần sớm bổ sung, sửa chữa các luật này.

Trong công việc này, cần lưu ý lĩnh vực giáo dục và đào tạo lại đồng thời chịu sự điều chỉnh của cả 3 luật: Luật Giáo dục (liên quan đến toàn hệ thống giáo dục), Luật Giáo dục Đại học (liên quan tới hệ thống đào tạo đại học “tinh hoa”) và Luật Giáo dục nghề nghiệp  (liên quan tới hệ thống đào tạo nghề “đại chúng”).

Để tránh sự bất nhất ở cả 3 luật điều chỉnh thì logic tất yếu là Luật giáo dục cần phải được chỉnh sửa trước hoặc chí ít phải triển khai chỉnh sửa đồng thời cả 3 luật về giáo dục.

Việc chỉnh sửa sau đối với Luật Giáo dục là không hợp lý, lại càng không thể chấp nhận việc lấy nội dung của các luật “chuyên ngành”, cũng như các văn bản pháp quy hiện hành để chỉnh sửa nội dung của luật “mẹ” (tức Luật giáo dục) như chúng ta đã từng làm thời gian qua. 

Những căn cứ để tiến hành chỉnh sửa các Luật về giáo dục là:

- Kết quả điều tra và báo cáo về tác động của các luật.

- Những quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 29 và các nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội và Chính phủ (thí dụ Nghị quyết 14/2005/NQ-CP  của Chính Phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020).

- Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 do UNESCO ban hành và có hiệu lực trên toàn thế giới từ năm 2014.

-  Khung tham vấn các trình độ ASEAN.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc chỉnh sửa sau đối với Luật Giáo dục là không hợp lý, lại càng không thể chấp nhận việc lấy nội dung của các luật “chuyên ngành”, cũng như các văn bản pháp quy hiện hành để chỉnh sửa nội dung của luật “mẹ” (tức Luật giáo dục) như chúng ta đã từng làm thời gian qua. (Ảnh minh họa: VTV)
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc chỉnh sửa sau đối với Luật Giáo dục là không hợp lý, lại càng không thể chấp nhận việc lấy nội dung của các luật “chuyên ngành”, cũng như các văn bản pháp quy hiện hành để chỉnh sửa nội dung của luật “mẹ” (tức Luật giáo dục) như chúng ta đã từng làm thời gian qua. (Ảnh minh họa: VTV)

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trình bày cụ thể hơn riêng về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (do Ban soạn thảo đưa ra ngày 19/9/2018). 

Thứ nhất, một số nhận xét chung

Theo chúng tôi, Luật Giáo dục đại học sắp tới tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng sau:

Một là, phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm hội nhập quốc tế.

Trong các luật về giáo dục và trong các văn bản hiện hành, hệ thống này còn mờ về triết lý, manh mún, thiếu gắn kết, chắp vá về cơ cấu, hạn chế về năng lực hội nhập và kém hiệu quả.

Hai là, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý (trên tất cả các phương diện) và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.

Ba là, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.

Bốn là, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin - cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục đại học. 

Đáng tiếc là cả 4 yêu cầu đó đều không được thể hiện hoặc nếu có thể hiện thì vẫn rất mờ nhạt ở Luật giáo dục đại học hiện hành.

Chúng tôi cho rằng chỉ khi Luật Giáo dục Đại học đáp ứng được cả 4 yêu cầu trên thì giáo dục đại học Việt Nam mới hy vọng trong tương lai không xa đạt được các tiêu chí cần có của một nền giáo dục đại học tiên tiến là: công bằng, chất lượng, hiệu quả, nhất quán và quốc tế hóa.

Xét chung về kết cấu và nội dung Luật Giáo dục Đại học hiện hành vẫn nghiêng theo hướng của một luật về các cơ sở giáo dục đại học - một văn bản thường chỉ được trình bày dưới dạng “dưới luật”, tức Điều lệ trường đại học.

Điều này có thể thấy rõ ngay tại các Điều 1 và 2 của Luật quy định về phạm vi điều chỉnh và về đối tượng áp dụng.

Trong Luật, những nội dung rất quan trọng của một Luật Giáo dục Đại học hiện đại như Hệ thống giáo dục đại học, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học hầu như không được thể hiện rõ.

Mặt khác nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm của một luật về Giáo dục đại học.

Thứ hai, các đề nghị sửa đổi cụ thể tại Dự thảo 19/9/2018

1. Về kết cấu của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi:

Đề nghị bổ sung và bố cục lại một số nội dung để kết cấu thành hai chương mới trong Luật: một chương về Hệ thống giáo dục đại học (chương 2) và một chương về Quan hệ Xã hội (chương gần cuối).

Chương đầu cần chứa đựng các nội dung như: cơ cấu hệ thống giáo dục đại học, các chuẩn mực giáo dục đại học quốc gia, các loại hình đào tạo, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở giáo dục đại học, mạng lưới các hội và hiệp hội về giáo dục đại học... (tương tự như Luật Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga, Luật giáo dục đại học Indonesia,...).

Hệ thống giáo dục đại học ở đây cần phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Nhà nước tại Công văn số 100/HH-VP ngày 14/12/2017 gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội như sau:

Còn chương sau cần đưa vào các nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học của mọi công dân có nguyện vọng và nhu cầu được học đại học, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, trong đó có giới tuyển dụng đối với giáo dục đại học, về vai trò của các hội và hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học...

Đây là hai chương rất cơ bản không thể thiếu vắng trong mọi Luật Giáo dục Đại học.

2. Về nội dung cụ thể của các điều tại Dự thảo:

Trường hợp chưa thể thay đổi ngay kết cấu của Luật giáo dục đại học mà trước mắt chỉ tập trung bổ sung, sửa đổi nội dung của một số điều của Luật, Hiệp hội chúng tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:

2.1. Bổ sung vào Chương 1 điều về Triết lý giáo dục đại học. Cần thể hiện những quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học để thống nhất định hướng cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam, khắc phục dư luận cho rằng giáo dục đại học Việt Nam chưa có triết lý.

Cần khẳng định giáo dục đại học Việt Nam đi theo hướng đại chúng. Không nên né tránh điều này trong Luật Giáo dục Đại học.

Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học ảnh 3Những điểm đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ về giáo dục

2.2. Điều 4: Chỉ nên tập trung vào một số khái niệm lớn của riêng giáo dục đại học như: giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, trình độ giáo dục đại học, các Chuẩn quốc gia về giáo dục đại học... Các khái niệm khác nên đưa vào phụ lục từ điển thuật ngữ...

Riêng khái niệm Giáo dục đại học nên được định nghĩa theo nghĩa rộng, hàm chứa cả giáo dục nghề nghiệp sau trung học, từ trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có đào tạo nghề, như xu hướng thế giới hiện nay, để bảo đảm tính thống nhất của một hệ thống giáo dục đại học phân tầng, phân luồng.

-  Không nên gộp các khái niệm trường đại học và học viện với nhau; do đó nên bổ sung thêm từ ngữ học viện. Không nên tách rời các khái niệm: đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, đơn vị thuộc.

Cũng tương tự như vậy đối với các khái niệm trường thành viên và trường. Tất cả các từ ngữ trên, thực chất đều chỉ đơn vị trực thuộc trực tiếp của một cơ sở giáo dục đại học độc lập.

-  Loại hình “đại học”, theo thông lệ quốc tế, là để chỉ những cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực, đẳng cấp (cả về đào tạo lẫn nghiên cứu), cho phép giải quyết các thách thức chiến lược tầm cỡ của đất nước hoặc khu vực nếu biết phát huy  “sức mạnh tổng hợp” nhờ khả năng “đánh hợp đồng binh chủng” của mình.

5 đại học của ta, tuy được thành lập từ đầu những năm 90, nhưng do nhiều nguyên nhân, đã chưa trở thành những đại học đa lĩnh vực “đích thực” mà lại phát triển thành các “liên hiệp lỏng lẻo của các trường đại học chuyên ngành”.

Do đó vấn đề hiện nay là ở chỗ Nhà nước phải tổ chức lại các “liên hiệp” đó chứ không phải đi giải tán chúng.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng xin lưu ý thêm: các đại học khác nhau, tuy có cấu trúc tổ chức gần giống nhau, nhưng vẫn có thể có đẳng cấp khác nhau, tùy thuộc sứ mệnh của chúng (quốc gia, vùng, địa phương, tư nhân,…).

Riêng các đại học quốc gia hiện nay, nếu chưa chuyển thành các đại học đa lĩnh vực ngay được, thì trong một số năm tới, nên điều chỉnh lại về mô hình và cơ chế quản lý theo hướng chấp nhận chuyển thành các ”tổ hợp” hoặc các “liên hiệp” đại học (như các hệ thống UC,CSU của Hoa Kỳ; Cambridge, Oxford của Anh quốc,…) để vẫn có thể phát huy tính độc lập tự chủ toàn vẹn của các trường thành viên, vì đó đều là những trường lớn, có tiềm lực mạnh mẽ, có thể phát triển vượt trội.

Tuy nhiên những năm tiếp sau, Nhà nước nên chỉ đạo các đại học này nhanh chóng phát triển đồng thời theo 2 hướng : tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các trường thành viên trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học (để tạo ra các chương trình liên ngành) song song với đẩy mạnh “đa lĩnh vực hóa” một số trường thành viên có tiềm năng (để các trường này dần trở thành các đại học đa lĩnh vực).

- Bổ sung từ ngữ Khung trình độ quốc gia như sau: 

Khung trình độ quốc gia là sự phân định cấp bậc các chuẩn đầu ra để so sánh đầu ra của giáo dục chính quy, phi chính quy, không chính quy hoặc kinh nghiệm làm việc trong việc công nhận năng lực làm việc theo cấu trúc công việc ở các lĩnh vực khác nhau.

Khung trình độ quốc gia sẽ được sử dụng như một tham chiếu chìa khóa để quyết định dựa trên năng lực của sinh viên tốt nghiệp từ các loại hình giáo dục khác nhau.

- Bổ sung từ ngữ Chi phí đơn vị như sau: 

Chi phí đơn vị hoạt động theo giáo dục đại học tiêu chuẩn bao gồm chi phí cho giáo dục đại học, ngoại trừ chi phí đầu tư và phát triển. Chi phí đầu tư bao gồm các chi phí mua sắm phương tiện, cơ sở hạ tầng và nguồn lực học tập.

Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học ảnh 4Chưa tốt nghiệp phổ thông mà vào cao đẳng là tự thừa nhận chuẩn kém thế giới

2.3. Điều 6: Nên có các trình độ: cao đẳng, cử nhân, chuyên gia (như kỹ sư, bác sỹ, luật sư,...), thạc sỹ và tiến sĩ. Không nên dùng chung một thuật ngữ đại học cho cả 2 trình độ cử nhân và chuyên gia (xem Luật Giáo dục Đại học Liên bang Nga).

Có thể có thêm các trình độ phụ sau trình độ chuyên gia cho những ngành đặc thù (như Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2 ở ngành y,...). Việc chuyển đổi giữa các hình thức trong quá trình đào tạo được thực hiện theo Khung trình độ Quốc gia.

2.4. Điều 7:  Các nội dung ở Điều này cần được chỉnh sửa và sắp xếp lại theo tinh thần sau:

Theo thông lệ quốc tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau:

Theo cơ cấu tổ chức (đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng cộng đồng), theo sứ mệnh (đại học quốc gia, học viện quốc gia, đại học vùng, học viện/trường đại học chuyên ngành, trường đại học địa phương, trường cao đẳng ngành, trường cao đẳng địa phương,...);

Theo đẳng cấp (trường đại học định hướng nghiên cứu, trường đại học định hướng ứng dụng, trường cao đẳng), theo phương thức tuyển sinh (trường đại học truyền thống, trường đại học mở), theo loại hình sở hữu (công lập, tư thục, tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, dân lập).

Trong Luật Giáo dục Đại học cần có định nghĩa rõ cho từng loại trường như ở các nước để tránh gọi tên tùy tiện đồng thời xác định rõ sứ mệnh của chúng.

2.5. Điều 9: Cần sửa ngành thành chương trình. Theo thông lệ quốc tế, chỉ có xếp hạng cơ sở giáo dục đại học và xếp hạng chương trình đào tạo, không có xếp hạng ngành đào tạo. 

2.6. Điều 12: Bổ sung thêm Khoản 9 với nội dung như sau: 

9. Nhà nước chủ trương phát triển các chương trình học tập được thực hiện thông qua giáo dục đặc biệt cho những sinh viên gặp khó khăn khi tham gia quá trình học tập và/hoặc sinh viên có trí tuệ và tiềm năng xuất sắc đặc biệt.

Ngoài ra các chương trình học tập còn có thể được thực hiện thông qua một kiểu giáo dục dịch vụ đặc biệt và/hoặc học tập dịch vụ đặc biệt. 

2.7. Bổ sung vào chương Hệ thống giáo dục đại học một điều về Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học. Viết thêm điều về Hệ thống các chuẩn giáo dục đại học (như: chuẩn chương trình, chuẩn năng lưc, chuẩn nhà trường, chuẩn đội ngũ giảng viên,...) với ý nghĩa đó là những qui định tối thiểu được nhà nước đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học. Nhà nước chỉ quản lý cái tối thiểu còn các trường có quyền phát triển không hạn chế để vượt những chuẩn này tùy theo sứ mệnh và năng lực của mình.

2.8. Điều 14 và Điều 15: Nên viết cơ cấu tổ chức của các cơ sở giáo dục đại học theo cấp quản lý hành chính trong cơ sở chứ không nên viết về bộ máy tổ chức của trường.

Với quan niệm như vậy, đại học (hay viện đại học) được tổ chức theo cơ chế 3 cấp: đại học, trường/viện nghiên cứu thành viên, khoa; còn trường đại học và học viện thường  được tổ chức theo cơ chế 2 cấp: trường đại học/học viện và khoa/viện nghiên cứu chuyên ngành.

Nếu lấy đến cấp bộ môn thì ở mỗi loại hình đều tăng thêm một cấp. Cần viết kỹ hơn về nguyên tắc tổ chức các cấp quản lý trong một cơ sở giáo dục đại học.

Thí dụ, đại học mang tính đa lĩnh vực, đẳng cấp; trường / học viện mang tính chuyên môn hơn (đơn lĩnh vực); khoa mang tính chất ngành; bộ môn mang tính chuyên ngành sâu/liên ngành. 

2.9. Điều 16 : Cần có một số điều chỉnh như sau:

- Khoản 1 sửa thành : Hội đồng trường đại học công lập (sau đây gọi là hội đồng trường) là cơ quan thực quyền cao nhất của cơ sở giáo dục đại học, đại diện cho quyền sở hữu của cộng đồng xã hội (bao gồm nhà nước và các bên có lợi ích liên quan khác).

- Bỏ điểm h) Khoản 2 và điểm e) Khoản 6 vì Hội đồng trường và Hiệu trưởng có chức năng khác nhau, còn mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là mối quan hệ đồng cấp hỗ trợ nhau, không phải là mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới.

Do đó không thể có chuyện Hội đồng trường phân cấp cho Hiệu trưởng một số quyền hạn của mình như ở dự thảo.

- Bỏ Khoản 7 vì trường thành viên trong đại học không có hội đồng trường. Trong trường hợp ngược lại thì đó không phải là một đại học đa lĩnh vực mà là một “liên hiệp lỏng lẻo của các trường đại học chuyên ngành”, không cho phép phát huy sức mạnh tổng hợp của cả cơ sở giáo dục đại học. 

2.10. Điều 16a, Điều 17 và Điều 18 :

Nội dung của các điều này cần được điều chỉnh theo các hướng sau (như đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 15/HH-VP ngày 23/2/2017 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam):

a) Mọi văn bản qui phạm pháp quy về giáo dục ngoài công lập nói chung và giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, đều cần được Nhà nước điều chỉnh xuất phát từ tinh thần của Nghị quyết 29 Ban chấp hành trung ương Khóa XI.

Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học ảnh 5Yêu cầu giữ ổn định hệ thống mô hình cơ sở giáo dục đại học

Những quan điểm chỉ đạo từ nghị quyết này trước đó cũng đã được trình bày cụ thể  ở Nghị quyết  05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.

b) Trong tất cả các các văn bản Nhà nước vấn đề "bản chất sở hữu" của các loại hình trường đại học ngoài công lập, tức là vấn đề “chủ” của các loại hình trường, cần phải được qui định rất rõ ràng, dựa trên Bộ Luật Dân sự.

Chính sự không rõ ràng trong các văn bản nhà nước về giáo dục đại học ngoài công lập là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất đoàn kết liên miên ở nhiều trường ngoài công lập, mà chế tài phổ biến của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở những trường hợp đó là "ngừng tuyển sinh" - đồng nghĩa với "cắt nguồn sống". 

c) Đối với loại hình trường đại học dân lập

Luật Giáo dục (Điều 67) khẳng định tài sản của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở. Nghị định số 75 (2/8/2006) quy định không thành lập các cơ sở dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Đến Nghị quyết 29 lại xuất hiện khái niệm cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư.

Rõ ràng các khái niệm trường do cộng đồng đầu tư và trường dân lập đều giống nhau vì cùng "bản chất sở hữu". Vì thế, nên chăng nhà nước hủy Quyết định 122 về chuyển các trường đại học dân lập qua đại học tư thục để phục hồi tư cách hợp pháp cho loại trường đại học dân lập này.

d) Đối với loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận):

Thể chế mới nhất về loại hình trường đại học tư thục đã được quy định tại Mục 3 Chương 2 Điều lệ trường đại học. Theo ý kiến của các chuyên gia, các nội dung ở Mục 3 Điều lệ này (cũng như tại các văn bản tương đương khác) cần được điều chỉnh theo các hướng:

- Đưa vào khái niệm góp vốn bằng trí tuệ. Có qui định tỷ lệ cân đối thỏa đáng giữa phần góp vốn của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý (về trí tuệ) và phần góp vốn của các nhà đầu tư (về tiền bạc, tài sản) để hạn chế xung đột giữa hai nhóm này.

- Hạn chế tối đa việc vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường đại học tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư và thường dẫn tới nhiều tiêu cực (mất đoàn kết triền miên, tình trạng buôn bán trường,...).

Tốt hơn cả nên chuyển qua mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên của Luật Doanh nghiệp. Nên chăng cần có quy định hạn chế trần góp vốn của cổ đông và cổ đông nhóm (như ở Luật Ngân hàng) để tránh thao túng trường của các nhóm lợi ích.

- Nếu đã xem trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) có đặc tính giống một “doanh nghiệp tư nhân” thì cần bám sát các qui định ở Luật doanh nghiệp.

Do đó cần xóa bỏ các qui định cứng “... dành ít nhất 25% (phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi) để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học...” và “... giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động... là tài sản chung không chia...”  tại Điều 66 Luật Giáo dục đại học; qui định cứng về sự có mặt của “đại diện cơ quan quản lý địa phương” trong hội đồng quản trị tại Điều 17 Luật Giáo dục đại học.

e) Đối với loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

Dựa theo tinh thần của Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI và Nghị quyết 05 của Chính phủ Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Theo tinh thần đó Luật giáo dục đại học và Điều lệ trường đại học cần được điều chỉnh theo các định hướng như sau:

- Cả hai loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận) đều do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân (gọi tắt là các thành phần góp vốn) đứng tên xin thành lập, cùng góp vốn xây dựng cơ sở vật chất, đều được đảm bảo kinh phí hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học ảnh 6Hiệp hội phản ánh kiến nghị của nhân dân

Sự khác biệt giữa hai loại hình trường này, không phải chỉ ở chỗ nhà đầu tư được hưởng lợi tức nhiều hay ít (như đã được giải thích tại Điều 4 Luật Giáo dục đại học) mà chủ yếu ở "bản chất sở hữu" của nhà trường.

Ở các trường tư thục vì lợi nhuận, sau khi thành lập trường, các cổ đông lớn trực tiếp nắm quyền quản trị trường; còn ở các trường tư thục không vì lợi nhuận các nhà đầu tư sau khi hoàn thành nghĩa vụ đứng tên thành lập và xây dựng cơ sở vật chất của trường, phải tự nguyện chấp nhận chuyển quyền quản trị của mình cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.

Do đó, trong khi tài sản của trường tư thục vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân (theo Điều 211 Bộ Luật Dân sự), thì tài sản của trường tư thục KVLN thuộc sở hữu chung của cộng đồng xã hội (theo Điều 220 Bộ Luật Dân sự), chứ không phải của cộng đồng nhà trường (như tại Điều 29 Điều lệ trường đại học).

- Ở trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường. Thông qua Đại hội đồng này các cổ đông sẽ phân chia quyền lực trong Hội đồng quản trị và bộ máy điều hành để thực hiện quyền quản trị và quản lý của mình đối với nhà trường.

Trong khi đó ở trường đại học tư thục không vì lợi nhuận thì Hội đồng quản trị là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho quyền sở hữu chung của cộng đồng xã hội đối với tài sản của nhà trường.

Hội đồng quản trị chỉ giữ vai trò định hướng phát triển cho nhà trường, giám sát hoạt động của nhà trường, tuyển chọn Hiệu trưởng, chứ hoàn toàn không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường.

- Khác với loại hình trường đại học dân lập đã có, do trường đại học tư thục không vì lợi nhuận mang bản chất sở hữu chung của cộng đồng xã hội (rộng hơn nhiều so với sở hữu tập thể của các thành viên trong trường dân lập) nên linh hồn của Hội đồng quản trị của trường đại học tư thục không vì lợi nhuận phải là nhóm đại diện ưu tú cho cộng đồng xã hội từ phía ngoài nhà trường (bao gồm các cựu lãnh đạo nhà nước uy tín, các nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt,…).

Số lượng các thành viên thuộc nhóm này phải chiếm đa số trong Hội đồng quản trị và họ sẽ không nhận bất kể một đặc lợi gì từ phía nhà trường, kể cả lương bổng.

Theo kinh nghiệm của thế giới, việc chọn lựa và phê chuẩn nhân sự nghiêm túc (bao gồm cả năng lực và nhân cách) của các thành viên nhóm này giữ vai trò quyết định đảm bảo cho trường đại học không đi chệch khỏi mục tiêu không vì lợi nhuận, không xảy ra các xung đột đáng tiếc trong nội bộ .

- Ở các quốc gia phát triển những đóng góp của các “Mạnh Thường Quân” cho trường tư thục không vì lợi nhuận thường dưới dạng hiến tặng; họ chỉ cần nhận sự tôn vinh của xã hội và nhà trường. Cách làm đó không hoàn toàn thực tế ở Việt Nam .

Kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển (như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, …) cho thấy ở các nước này các nhà góp vốn vẫn được đền đáp vật chất hợp lý, dưới dạng phần thưởng hàng năm.

Chúng tôi chủ trương để ghi nhận công lao đóng góp xây dựng trường của các thành viên góp vốn, ngoài việc được nhà trường và cộng đồng xã hội vinh danh, họ còn được hưởng các quyền lợi như:

Được cử đại diện vào Hội đồng quản trị, được ứng cử vào các chức danh quản lý trong trường, được nhận tiền thưởng hàng năm hợp lý (không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ), được định đoạt phần vốn góp của mình, được bảo toàn nguồn vốn góp và được ưu tiên hoàn trả vốn khi giải thể trường,…

Như vậy vốn huy động cho trường tư thục không vì lợi nhuận sẽ không tập trung vào một vài cổ đông chiến lược mà sẽ mở ra cho mọi thành viên của cộng đồng (như kiểu huy động tiền tiết kiệm của các ngân hàng).

Cũng như trường hợp ngân hàng lượng vốn mà trường không vì lợi nhuận thu được sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tín nhiệm của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu nhà trường ,nên họ cần phải là những đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội .

Theo các định hướng nêu trên đề nghị sửa lại các điều 16a,17 và 18 như sau: 

- Bỏ quy định cứng phải thành lập tổ chức kinh tế mới rồi mới được đăng ký thành lập trường đại học tư thục.

Quy định này thừa nhận nhà đầu tư có vai trò như là “cơ quan chủ quản” ở các cơ sở giáo dục đại học công lập, mặt khác còn phủ nhận quyền đăng ký thành lập trường của những ai chỉ có khả năng góp vốn bằng “trí tuệ”.

Quy định này cũng hoàn toàn khác lạ so với việc thành lập các tổ chức tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực y tế, khoa học, văn hóa, thể dục-thể thao.Với trách nhiệm và quyền hạn rất lớn và toàn diện như quy định ở Điều 16a Nhà đầu tư được đặt lên trên Hội đồng trường, buộc Hội đồng trường phải chia sẻ cho nhà đầu tư những quyền lực rất lớn, làm cho Hội đồng trường không còn là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường đại học.

Tại sao không đưa các nhà đầu tư vào hội đồng trường để khỏi phải thành lập một cấp trung gian giống như “cơ quan chủ quản” ?

-   Phải xác định rõ “bản chất sở hữu” của các loại hình trường đại học (công lập, công lập tự chủ, dân lập, tư thục, tư thục hoạt động không vì lợi nhuận).

Cơ cấu thành viên Hội đồng trường phụ thuộc rất nhiều vào “bản chất sở hữu” của trường đại học. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến vai trò và hiệu lực của Hội đồng trường với tư cách là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường.

2.11. Điều 20 : Cần lưu ý một trong các trách nhiệm quan trọng nhất của Hiệu trưởng là lãnh đạo nhà trường thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường. Hiệu trưởng không nhận sự phân cấp, ủy quyền của Hội đồng trường.

2.12. Điều 33: Sửa đổi mở ngành thành mở chương trình. Cần xem lại điều kiện mở ngành quy định tại Khoản 3 (nếu mở liên ngành ở trình độ cao hơn thì sao?). Phải quy định thêm về việc cấp văn bằng và xử lý hậu quả khi chương trình không được kiểm định (Khoản 5).

 2.13. Điều 35 : Bổ sung Khoản 1 thời gian đào tạo theo thiết kế đối với các trình độ đào tạo (cao đẳng: 2-3 năm, cử nhân: 4 năm, chuyên gia: 5-6 năm, thạc sĩ: 1-2 năm, tiến sĩ: 4 năm) . Không phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ như quy định ở Khoản 2. 

2.14. Điều 38 : Cần quy định các văn bằng cho tất cả các trình độ đào tạo ở Điều 6 Khoản 1. Riêng các trình độ cao đẳng, cử nhân và thạc sĩ phải phân chia ra 2 hướng : học thuật và ứng dụng. Trình độ tiến sĩ chỉ có hướng học thuật.

2.15. Điều 50 : Xem lại Khoản 3. Vì sao phải chờ đến 2 năm mới buộc dừng tuyển sinh những chương trình không được kiểm định.

2.16, Điều 64 : Bổ sung nguồn ngân sách địa phương cấp và nguồn tài chính từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với giáo dục (doanh nghiệp không chỉ làm từ thiện cho giáo dục).

2.17. Điều 65 : Bổ sung Khoản 1a :

1a. Nhà nước sẽ thiết lập các chi phí đơn vị cho hoạt động theo giáo dục đại học tiêu chuẩn (một cách định kỳ bằng cách tính đến: 

        a. Các tiêu chuẩn giáo dục đại học quốc gia; 

        b. Các chương trình học tập; 

        c. Chỉ số đắt đỏ khu vực. 

Các chi phí đơn vị cho hoạt động theo giáo dục đại học tiêu chuẩn được đề cập ở khoản này sẽ được sử dụng làm cơ sở cho việc xác định khoản phân bổ trong ngân sách quốc gia cho các cơ sở giáo dục đại học công lập hoặc để giúp các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập xác định chi phí mà sinh viên phải chịu.

Chi phí mà sinh viên phải chịu phải được điều chỉnh theo khả năng tài chính của sinh viên, phụ huynh hoặc những người hỗ trợ tài chính của họ. 

2.18. Điều 67 :  Sửa lại Khoản 2 Điểm b) : …Tài sản chung hợp nhất không phân chia thuộc sở hữu của cộng đồng xã hội…

2.19. Điều 68 : Bổ sung nội dung 10.:

10. Phát triển các nguồn học liệu giáo dục mở để sử dụng cho cộng đồng giáo dục đại học.

Kết luận: 

Luật Giáo dục đại học hiện hành mới chỉ thể hiện tính chất của một Luật về các cơ sở giáo dục đại học, do đó không định hướng cho việc tái cấu trúc một hệ thống Giáo dục đại học cho Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế như các văn kiện Đại hội Đảng và Nghị quyết 29 đã chỉ ra.

Để sửa chữa những khiếm khuyết của luật, trước hết cần điều chỉnh lại kết cấu của Dự luật, bổ sung nhiều nội dung mới cũng như sửa chữa những nội dung không chính xác.

Do vậy, chúng tôi đề nghị Quốc hội chỉ đạo Ban soạn thảo một mặt cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội nhưng mặt khác phải hết sức thận trọng và phải lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để hoàn chỉnh Dự thảo Luật này trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Thùy Linh